Về Bắc Ninh thăm làng trống An Quang
Làng nghề làm trống truyền thống ở thôn An Quang, xã Lãng Ngâm (Gia Bình, Bắc Ninh) |
Làng trống An Quang là một trong số những làng nghề cổ của tỉnh Bắc Ninh. Theo thần tích của làng còn ghi rõ: Cách đây khoảng 300 năm, có người làng Đọi Tam, xã Đọi Sơn (nay là thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) đến đây định cư. Thấy người dân trong vùng chỉ sinh sống bằng nghề trồng lúa, trong khi nguồn nguyên liệu sẵn có, dồi dào nên đã dạy cho dân làng cách làm trống. Dần dần, nhiều hộ sản xuất trống trong làng ra đời và duy trì qua nhiều thế hệ cho đến ngày nay.
Để làm được một chiếc trống hoàn chỉnh cần trải qua nhiều công đoạn. Trong đó ba công đoạn quan trọng nhất gồm: Thuộc da, làm tang và bưng trống. Da trâu đạt tiêu chuẩn phải làm từ da trâu tươi, đem bào hết lớp màng, ngâm nước khử mùi rồi phơi khô. Da ngâm trong nước không được quá lâu hoặc quá nhanh nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh. Còn đối với tang trống thường được làm bằng gỗ mít. Đây là loại gỗ mềm, không bị cong vênh, nứt vỡ khi thời tiết thay đổi. Khúc gỗ càng to, càng lâu năm thì tang trống làm ra càng bền. Sau khi phơi khô, gỗ được xẻ ra thành nhiều dăm nhỏ với độ cong vừa phải. Các dăm được gắn kết với nhau bằng một chất kết dính đặc biệt pha chế theo công thức gia truyền. Để tang trống thật kín các khe được miết lại bằng sơn, cứ một lớp sơn lại một lớp vải chèn. Sau khi hoàn thành, tang trống khít đến mức nếu đổ nước vào thì không thể chảy qua.
Khi đã hoàn chỉnh xong phần tang trống, người ta mới bắt tay vào bưng trống. Đây được coi là khâu quyết định chất lượng của một chiếc trống thành phẩm. Sau khi cố định tạm thời bề mặt trống, người thợ sẽ dùng đôi chân trần thực hiện “điệu nhảy” trên mặt trống để da căng đều rồi lại dùng vồ gõ kéo căng mặt trống. Trải qua nhiều lần thực hiện lặp đi lặp lại, khi âm thanh của mặt trống trở nên đanh, rền, vang thì người thợ trống mới tiến hành định vị miếng da vào tang trống bằng đinh tre.
Trống có nhiều kích cỡ tùy thuộc nhu cầu thực tế như trống hát chèo có đường kính mặt từ 16-17cm; trống hát tuồng 22-25cm; trống phục vụ đình chùa, lễ hội thì có kích thước lớn từ 1,2 đến 2,5 mét. Để trang trí cho chiếc trống đẹp và bắt mắt hơn, người làm trống còn in nhiều họa tiết hoa văn sinh động lên mặt trống theo yêu cầu của khách hàng. Trống An Quang sau khi hoàn thành được đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và mang sang cả các tỉnh, thành phố khác như: Hải Dương, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội... Nghề làm trống thu nhập không cao, nhưng với lòng yêu nghề, niềm tự hào truyền thống quê hương đã khiến anh Tuyển quyết tâm gắn bó cuộc đời mình với nghề này.