Vấn nạn đeo đẳng phía sau của nền kinh tế Trung Quốc
Theo Lijia Zhang, phóng viên của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), những cải cách kinh tế của Trung Quốc đã mang lại nhiều cơ hội mới cho người dân nhưng đồng thời cũng tạo ra những bất cập, trong đó phải kể đến sự bất bình đẳng giới, đẩy phụ nữ vào con đường mại dâm.
Lijia Zhang cho rằng, nguyên nhân chính của vấn nạn trên chính là nền kinh tế thị trường của Trung Quốc.
"Vì trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, phụ nữ phải chịu thêm quá nhiều trách nhiệm và chi phí phát sinh. Điều này đẩy những phụ nữ dễ bị tổn thương nhất vào ngành công nghiệp mại dâm khi có quá ít lựa chọn dành cho họ", phóng viên SCMP bình luận.
Thực tế, sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập vào năm 1949, chính phủ đã đóng cửa các nhà chứa và tuyên bố cấm ngành công nghiệp này phát triển ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Zhang, trong thời kỳ cải cách, cùng với sự phát triển kinh tế và dân số cao, ngành công nghiệp mại dâm đã quay trở lại một cách ngoạn mục, tất nhiên vẫn là hoạt động ngầm vì bất hợp pháp.
Zhang cho rằng, nền kinh tế thị trường tại Trung Quốc đã đặt một bộ phận phụ nữ nước này vào thế bất lợi khi khoảng cách thu nhập giữa hai giới đang tăng lên. Năm 1990, phụ nữ thành thị thu nhập trung bình bằng 78% so với với nam giới; hiện nay con số này giảm xuống 67.3%. Với phụ nữ nông thôn, tỷ lệ chỉ là 65%.
Nền kinh tế thị trường mang lại nhiều cơ hội cho phụ nữ, đặc biệt là những người có trình độ tại thành thị nhưng cũng tồn tại những khó khăn. Thái độ phân biệt giới được cho đã trở lại với những cải cách kinh tế.
Ví dụ, một số công ty đặt ra những yêu cầu tuyển dụng cao hơn đối với phụ nữ hay một vài công ty từ chối tuyển phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, sinh viên nữ tốt nghiệp đại học luôn tìm việc khó hơn, hoặc phụ nữ là đối tượng đầu tiên trong quyết định cắt giảm nhân sự của bộ phận doanh nghiệp nhà nước.
Lin Zhi (Thẩm Dương), bị cho nghỉ việc vào những đầu những năm 1990. Bà đã trung tuổi và không có trình độ nên rất khó để xin việc trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn.
Lin Zhi đã đến Thiên Tân và tìm được một công việc tại nơi gọi là “nhà tắm công cộng”. Sau đó, khi nhận thấy những đồng nghiệp làm cả các dịch vụ về mại dâm kiếm được nhiều tiền hơn, bà đã chấp nhận đi theo con đường này.
Đa số phụ nữ Trung Quốc hành nghề mại dâm được cho xuất thân từ những gia đình nghèo khó, hoàn cảnh khó khăn: bị chồng bỏ rơi, mất việc, mắc bệnh nặng. Những phụ nữ mại dâm thông thường đều từ các khu vực nông thôn hoặc có thể là công nhân thất nghiệp.
Còn với những phụ nữ bán dâm “cao cấp” thì đây là một lựa chọn về lối sống. Biết rằng cơ hội để có một công việc lương cao là khó, những sinh viên đại học có ngoại hình tình nguyện đi theo những người đàn ông giàu có và quyền lực, ở Trung Quốc họ được gọi là “vợ bé”.
Không ai biết chính xác số lượng gái bán dâm tại Trung Quốc vì đây là một vấn đề quá nhạy cảm trong nghiên cứu. Năm 2013, Liên Hiệp Quốc ước tính có khoảng từ 4 đến 10 triệu gái bán dâm tại Trung Quốc. Một số phân tích cho hay, số lượng gái mại dâm đã gia tăng tại quốc gia này từ năm 1982.
Việt Hương