Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không áp thời hạn sở hữu nhà chung cư
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không đưa quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư vào Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh minh họa |
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa ký ban hành thông báo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sau phiên thảo luận về dự thảo luật tại phiên họp thứ 21 vừa qua.
Tại thông báo trên, UBTVQH đánh giá hồ sơ dự án luật cơ bản bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, còn một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, cơ quan thường trực của Quốc hội lưu ý dự thảo luật cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi.
Riêng với vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định về thời hạn sở hữu nhà chung cư trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định cụ thể, chặt chẽ, có tính khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Việc này nhằm mục đích bảo đảm sức khỏe, an toàn tài sản, tính mạng cho người dân, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu nhà chung cư phải di dời để phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
“Đây là vấn đề nhạy cảm, hệ trọng, có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội. Do đó, trong trường hợp Chính phủ thấy cần thiết tiếp tục trình Quốc hội phương án khác với ý kiến của UBTVQH thì đề nghị xây dựng 2 phương án, bao gồm phương án của Chính phủ đề xuất và phương án theo ý kiến kết luận của UBTVQH để đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến”, kết luận nêu rõ.
UBTVQH cũng lưu ý tờ trình của Chính phủ cần phân tích, làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, phân tích ưu điểm, hạn chế, hoàn thiện quy định của từng phương án, làm cơ sở để đại biểu Quốc hội thảo luận, lựa chọn được phương án tốt nhất, khả thi nhất, khắc phục được bất cập, vướng mắc của Luật Nhà ở hiện hành, đáp ứng được mong mỏi, nguyện vọng của người dân trong xã hội, phục vụ hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đối với các nội dung lớn khác của dự thảo luật gồm: Quyền sử dụng đất gắn với nhà ở do cá nhân nước ngoài sở hữu tại Việt Nam; chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, chính sách nhà ở cho lực lượng vũ trang; hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại; thời điểm xác lập quyền sở hữu nhà ở... đề nghị Chính phủ nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý dự thảo luật bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Đồng thời, việc này cần đảo đảm tính khả thi, tính đồng bộ, thống nhất với các luật có liên quan, các dự án luật chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi)…
Với một số nhóm vấn đề cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước để tránh sơ hở, lợi dụng gồm: Bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội, đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các quy định trong dự thảo luật để hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.
UBTVQH cũng yêu cầu Chính phủ lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động liên quan đến nhóm vấn đề về cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp gồm: Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; quy định về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở; nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội…
Để đảm bảo tiến độ, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tờ trình và hồ sơ dự án luật trình Quốc hội, đồng thời gửi Ủy ban Pháp luật chậm nhất là ngày 10/4/2023 để thẩm tra chính thức và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến diễn ra vào tháng 5/2023 theo quy định.