Ưu tiên đặc biệt phát triển nhà ở xã hội - thực hiện quyền có chỗ ở của người dân
Phát triển nhà ở xã hội
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bất động sản liên quan trực tiếp tới việc tạo lập cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế và đời sống của người dân; liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, gắn liền với việc khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên, đặc biệt là đất đai… Đối với mỗi hộ gia đình, bất động sản nhà ở cũng là tài sản lớn, gắn liền với các hoạt
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ trao giải thưởng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện nhằm tạo lập cơ sở pháp lý cho việc quản lý lành mạnh thị trường bất động sản như Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng…
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2017 đã tiếp tục tăng trưởng một cách ổn định, tích cực. Giá bất động sản tăng nhẹ so với năm 2016; thanh khoản thị trường ở mức cao, tồn kho giảm; cơ cấu hàng hóa bất động sản đã bước đầu được điều chỉnh hợp lý hơn, hướng tới nhu cầu thực của thị trường; vốn đầu tư vào BĐS tăng mạnh, đáng chú ý là các loại hình bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Cùng với đó, các cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở xã hội đã thu được kết quả đặc biệt quan trọng. Hơn 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đã được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.
“Để có được những kết quả quan trọng nêu trên, tôi ghi nhận và đánh giá cao vai trò tích cực, chủ động vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp trong việc phát huy trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt các chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần phát triển thị trường BĐS một cách lành mạnh”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Đảm bảo quyền có chỗ ở của người dân
Để thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực BĐS và thị trường BĐS. Sửa đổi, bổ sung các Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản; xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị… để có đủ hành lang pháp lý nhằm tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển BĐS.
“Phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch phát triển đô thị, đất đai… để từ đó đưa ra lộ trình triển khai thực hiện đầu tư một cách khoa học, gắn với tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và thị trường bất động sản, khắc phục tình trạng phát triển bất động sản một cách tự phát, phong trào, không theo quy luật thị trường”, Phó Thủ tướng nói.
Nhà ở xã hội tại Hà Tĩnh. Ảnh minh họa
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu gắn việc tái cấu trúc lĩnh vực bất động sản và phát triển thị trường bất động sản với phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp… nhằm hướng tới mục tiêu mọi người dân đều có chỗ ở an toàn, chất lượng.
“Phải kiểm soát chất lượng các sản phẩm bất động sản, đặc biệt là các công trình nhà ở, nhà xưởng, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… Chú trọng khâu quản lý vận hành khai thác hiệu quả, đồng bộ, an toàn; đảm bảo tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng chống cháy nổ, cứu hộ - cứu nạn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Nhà ở xã hội tại Hà Nội. Ảnh minh họa
Đối với các doanh nghiệp BĐS, cần chủ động, tích cực tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư nhằm hướng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
“Các doanh nghiệp cần tạo dựng uy tín, thương hiệu... Phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội trong phản biện chính sách, cầu nối Nhà nước và doanh nghiệp”, Phó Thủ tướng nói.
Cùng với đó, phải làm tốt công tác dự báo, thống kê, thông tin truyền thông liên quan tới bất động sản, để có kế hoạch đầu tư phù hợp, tránh dư thừa, phát triển nóng... dẫn tới nguy cơ bong bóng bất động sản.
V.Đ (t/h)