Uống nước dừa không đúng cách sẽ nguy hiểm cho cơ thể
Uống nhiều nước dừa ảnh hưởng đến tim mạch và thận
Nước dừa cung cấp lượng kali dồi dào cho cơ thể, vì vậy nếu lạm dụng uống nhiều sẽ gây thừa kali, gây hại đối với sức khỏe. Theo tiến sĩ Justin Hakimian và các bác sĩ tại Khoa tim mạch thuộc Bệnh viện Queens (Mỹ) ghi nhận, có trường hợp bệnh nhân uống nhiều nước dừa dẫn đến ngất, nhịp tim bất thường phải cấp cứu do thừa lượng kali lớn.
Theo bác sĩ Đinh Thị Kim Liên – nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, uống quá nhiều nước dừa sẽ làm tăng đào thải ở thận, ảnh hưởng đến tim mạch. Nên uống 1 quả/ngày và không nên uống thường xuyên.
Vì vậy, người mắc bệnh tim hoặc bệnh thận tránh uống quá nhiều nước dừa và nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng kali nên hấp thu mỗi ngày.
Trẻ dưới 6 tháng không được uống nước dừa
Trẻ dưới 6 tháng hệ tiêu hóa còn yếu nên không nên cho bé uống nước dừa. Sau 6 tháng có thể cho trẻ uống một lượng nhỏ và tăng lên dần. Nếu uống nhiều dẫn đến trẻ bị đầy hơi, khó tiêu.
Không nên lựa chọn nước dừa thay thế chất điện giải
Theo trang Naturalhealthadvisory, chất điện phân của nước dừa không đủ để bù nước cho cơ thể trong trường hợp cơ thể mất nước do tiêu chảy hoặc tập thể dục quá sức trong thời tiết nắng nóng.
Chỉ nên dùng nước dừa như nước giải khát bổ dưỡng nhưng không nên uống quá nhiều trong ngày.
Bà bầu dưới 3 tháng không nên uống nước dừa
Nước dừa đem lại nhiều lợi ích cho bà bầu như làm sạch nước ối cho con trắng trẻo, những người thiếu nước ối cũng được bác sĩ chỉ định uống nước dừa. Tuy nhiên, nước dừa lại chứa 2% là chất béo gây khó tiêu hóa, sẽ khiến các triệu chứng ốm nghén của phụ nữ có thai 3 tháng đầu nặng hơn.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hà Nội), trong 3 tháng đầu phôi thai còn nhỏ, nước dừa tính mát sẽ không tốt cho quá trình chuyển hóa, ăn uống. Tuy nhiên sau 3 tháng đầu thai kỳ, nước dừa lại có lợi cho bà bầu như kháng khuẩn, chống táo bón, lợi tiểu...
Ngoài ra, nước dừa tính mát, nên làm hạ huyết áp, yếu gân cơ, dễ dẫn đến xảy thai nên không tốt cho bà bầu 3 tháng đầu. Sau 3 tháng, mẹ bầu có thể uống 1 quả/ngày.
Uống nhiều nước dừa gây thừa cân, béo phì
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia: uống nước dừa thường xuyên có thể gây thừa cân vì trong nước dừa chứa đường và 2 quả dừa cung cấp 140 kcal, tương đương nửa bát cơm.
Cũng theo tiến sĩ Lâm, khi đã uống nước dừa nên hạn chế các loại hoa quả, đồ uống có đường khác.
Không nên uống nước dừa vào buổi tối
Theo đông y nước dừa mát thuộc tính âm, buổi tối lại thuộc tính âm nên uống vào tối dễ dẫn đến cơ thể nhiễm lạnh. Nên uống nước dừa vào buổi sáng hoặc trưa vì sáng và trưa thuộc tính dương.
“Không nên lạm dụng nước dừa dù nó rất tốt, mỗi ngày chỉ uống 1-2 quả tùy theo to hay nhỏ và không nên uống thường xuyên; không uống lạnh hay pha thêm đường. Nước dừa có tác dụng lợi tiểu, không nên uống vào buổi tối vì dễ tiểu đêm”, lương y Trung chia sẻ trên trang VnExpress
Cẩn thận khi uống nước dừa sau khi đi nắng về
Uống nước dừa sau khi đi nắng về cơ thể dễ bị tụt huyết áp, mềm yếu gân cơ dẫn đến nguy hại cho cơ thể như đầy bụng, sốt, thậm chí sốt cao. Nên uống từ từ và không uống quá nhiều một lúc.
Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh suy nhược, huyết áp thấp, người hay lạnh, người mới ốm dậy, người bị bệnh trĩ, cảm lạnh, thấp khớp, … không nên uống nước dừa và các sản phẩm từ dừa.