Ứng cử viên CLCS của Việt Nam đối thoại với đại diện Phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc
Phó Giáo sư Phạm Huy Giao (trái), ứng cử viên của Việt Nam vào CLCS nhiệm kỳ 2023-2028 và Đại sứ Nguyễn Phương Trà tại buổi tương tác trực tuyến với đại diện từ hơn 50 Phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc là thành viên UNCLOS 1982. |
Phát biểu giới thiệu ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao vai trò của CLCS trong duy trì trật tự pháp lý trên biển và quản trị đại dương, thể hiện qua việc đề cử Phó Giáo sư Phạm Huy Giao làm thành viên CLCS nhiệm kỳ 2023-2028.Ngày 6/5, Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế (Bộ Ngoại giao) cùng với Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc tổ chức buổi tương tác trực tuyến giữa Phó Giáo sư Phạm Huy Giao, ứng cử viên của Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028 và đại diện từ hơn 50 Phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc là thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Việt Nam tin tưởng rằng, với kinh nghiệm dày dặn và kiến thức chuyên môn sâu rộng trong lĩnh vực địa vật lý và địa kỹ thuật, Phó Giáo sư Phạm Huy Giao sẽ đóng góp tích cực vào công việc của CLCS.
Sau khi Phó Giáo sư Phạm Huy Giao trình bày về các ưu tiên nếu trúng cử vào CLCS, đại diện một số nước bày tỏ đánh giá cao và ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam, mong muốn Phó Giáo sư Giao sẽ có đóng góp thực chất, sáng tạo nhằm tăng cường hiệu quả, chất lượng và tiến độ công việc của CLCS và chúc ứng cử viên của Việt Nam thành công trong cuộc bầu cử sắp tới.
Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) là một trong ba cơ quan được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 nhằm xem xét bản đệ trình ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý của các nước. Ủy ban gồm 21 thành viên, đại diện cho 5 khu vực địa lý. Tại cuộc bầu cử 21 thành viên của CLCS nhiệm kỳ 2023-2028 dự kiến diễn ra vào tháng 6/2022, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 9 ứng cử viên (Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Oman, Pakistan, Philippines, Trung Quốc và Việt Nam) cho 5 vị trí. |