UNESCAP thúc đẩy thực hiện quyền của người khuyết tật
Ngày 21/10, Bộ trưởng Xã hội Indonesia Tri Rismaharini cho biết văn kiện trên đã được thông qua tại cuộc họp tổng kết thực hiện Thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra từ ngày 19-21/10 tại Jakarta.
Theo bà Rismaharini, Tuyên bố Jakarta tái khẳng định cam kết toàn cầu về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người khuyết tật, nhấn mạnh rằng đã đến lúc tăng cường nỗ lực để thực hiện thiết kế phổ cập ở các địa điểm công cộng và triển khai chiến dịch đột phá quốc gia nhằm nâng cao nhận thức về đối tượng này.
UNESCAP đã nhất trí rằng Thập kỷ người khuyết tật khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2023–2032 cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược Incheon và Tuyên bố Bắc Kinh, trong đó có “Kế hoạch hành động để đẩy nhanh việc thực hiện Chiến lược Incheon”. UNESCAP cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư chiến lược nhằm giúp người khuyết tật phát triển toàn diện thông qua phương pháp tiếp cận toàn xã hội với sự hợp tác của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức của người khuyết tật và khu vực tư nhân, với mục đích thúc đẩy hành động và bảo vệ quyền của người khuyết tật.
Tuyên bố Jakarta gồm 6 điểm, trong đó điểm thứ nhất là làm hài hòa luật pháp quốc gia với Công ước về quyền của người khuyết tật, thông qua việc rà soát toàn diện và thường xuyên hệ thống luật pháp quốc gia và các quy định liên quan của khu vực.
Hai là thúc đẩy sự tham gia của người khuyết tật ở mọi lứa tuổi, trong đó có trẻ em và thanh niên, trong việc lập kế hoạch, thực hiện và ra quyết định về các chính sách, chương trình và các quá trình chính trị.
Ba là quan tâm đặc biệt đến các nhu cầu đặc biệt của người khuyết tật, nhằm tăng khả năng tiếp cận môi trường vật chất, giao thông công cộng, thông tin và truyền thông, thông tin và dịch vụ thiết yếu liên quan đến các trường hợp khẩn cấp về rủi ro thiên tai, sức khỏe cộng đồng và các dịch vụ công khác.
Bốn là thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, nhằm tăng cường phát triển toàn diện người khuyết tật, thông qua các chính sách mua sắm công, các thiết kế phổ quát đảm bảo khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng, công nghệ và các dịch vụ thông tin và truyền thông.
Năm là thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên giới tính trong soạn thảo và thực hiện các chính sách, chương trình liên quan đến người khuyết tật, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tượng trẻ em, thanh niên, phụ nữ và người cao tuổi khuyết tật.
Điểm thứ sáu và cũng là điểm cuối cùng trong Tuyên bố Jakarta là thúc đẩy hành động, nhằm thu hẹp khoảng cách dữ liệu về người khuyết tật và đánh giá sự phát triển toàn diện của người khuyết tật ở cấp độ quốc gia, địa phương và trong các lĩnh vực.