Uber Đông Nam Á "bán mình" cho Grab, hàng trăm tài xế lao đao
Mới đây, Uber đã thông báo sẽ sáp nhập vào Grab tại khu vực Đông Nam Á và Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty. Với thỏa thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo của Grab.
Ngoài ra, Grab cũng sẽ tiếp nhận Uber Eats để ngay lập tức trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực dịch vụ giao nhận thức ăn.
Kể từ ngày 8/4 tới, tất cả các yêu cầu đặt xe tại Đông Nam Á đều phải đặt từ ứng dụng Grab. Các tài xế Uber cũng đã nhận được thông báo sẽ chuyển sang hoạt động bằng ứng dụng Grab, tuy nhiên, những tài xế này cũng còn đang ngổn ngang với những băn khoăn.
Lo mất việc, khó đăng ký lại
Anh Hải, một người chạy Uber ở khu vực bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ, anh đã nhận được thông báo từ ngày 8/4/2018, cộng đồng Uber sẽ được chuyển sang ứng dụng Grab và trong thời gian tới Grab sẽ chia sẻ cách thức để phục vụ tốt hơn như là một cộng đồng gắn kết.
Tuy nhiên, anh băn khoăn liệu có phải đi đăng ký lại Apps hay không, hay hệ thống tự chuyển đổi? “Tôi nghe đồng nghiệp bên Grab nói tài xế bên đó giờ rất đông, quy định cũng siết rất chặt nên không biết mình có đủ điều kiện đăng ký hay mất việc”, anh Hải phân trần.
Tài xế Uber lo lắng khó đăng ký lại Grab vì trước đó đã bị khóa tài khoản. (Ảnh minh họa)
Một tài xế khác cho biết trước đây anh cài 2 Apps của Grab và cả Uber. Sau đó anh bỏ Grab chỉ chuyên chạy Uber. Anh đang lo ngại không chuyển qua Grab được bởi tài khoản bên Grab của anh trước kia đã bị khóa, rất khó đăng ký trở lại.
Lo bị đối xử như "tân binh", chịu chiết khấu cao
Không ít trường hợp lo ngại Grab sẽ tăng chiết khấu khiến thu nhập của tài xế bị ảnh hưởng. Trong khi lượng tài xế tăng lên thì cạnh tranh cũng sẽ gắt gao hơn.
Hiện tại, phần lớn tài xế Uber được hưởng mức chiết khấu 20%, cộng thêm 3,6% tiền thuế thu nhập cá nhân là 23,6% trên tổng doanh thu. Trong khi đó, nếu chuyển sang Grab, tài xế đang phải chịu mức chiết khấu 25%, cộng thêm 3,6% tiền thuế là 28,6% trên tổng doanh thu.
Ảnh minh họa
Anh Hoàng Nam, một tài xế Uber tại quận Đống Đa (Hà Nội), đưa ra bài toán chênh lệch mức chiết khấu khi gia nhập Grab sẽ phải chịu thêm 5%. Anh tính một tháng, nếu tài xế có doanh thu 10 triệu thì mất thêm 500.000 đồng, còn nếu doanh thu 20 triệu đồng thì mất thêm 1 triệu đồng.
Bán xe trả nợ ngân hàng
Anh Đỗ Quốc Hiệp - một tài xế Uber chia sẻ, trước đó, anh mua xe bằng phương thức vay trả góp ngân hàng. Hiện số tiền phải trả mỗi tháng lên tới 10 triệu đồng, trong khi đó nguồn thu nhập chính là từ lái xe cho Uber.
Khi chuyển sang Grab, tài xế sẽ phải nhận mức thu nhập giảm, do đó nhiều người nghĩ đến phương án bán xe để trả nợ. “Từ đây đến cuối năm sẽ rất nhiều người bán xe. Giá xe dịch vụ sẽ càng ngày càng không ổn định. Thu nhập của lái xe cũng sẽ bấp bênh”, anh Hiệp phàn nàn.
Tìm về với taxi truyền thống
Sau khi thỏa thuận sáp nhập giữa Grab và Uber tại khu vực Đông Nam Á được công bố, không ít tài xế Uber đã tìm về với taxi truyền thống.
Đại diện Tập đoàn Mai Linh chia sẻ, lượng người gọi điện đến tổng đài và gặp trực tiếp nhân viên tại văn phòng của Mai Linh đã tăng đột biến trong 3 ngày qua.
"Rất nhiều người gọi điện, đến trực tiếp văn phòng để tìm hiểu chính sách công ty, và nộp đơn đăng ký trở thành đối tác. Đặc biệt, trong số này có hàng chục cựu nhân viên của Mai Linh. Họ từng là lái xe cho Mai Linh trước khi rời công ty, mua ô tô để chạy Uber, Grab" – đại diện Mai Linh nói.
Grab khởi nghiệp là một ứng dụng đặt xe taxi ở Kuala Lumpur năm 2012. Hiện nay, công ty này trở thành dịch vụ đặt xe lớn nhất khu vực, kêu gọi được 4 tỷ USD vốn đầu tư trong năm ngoái. Grab đang cung cấp dịch vụ tại 190 thành phố khắp Singapore, Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Campuchia. |
Ngân Linh (t/h)