Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Bài học kinh nghiệm
Với tinh thần, trách nhiệm cao, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và kế hoạch của Đề án, huy động tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đa dạng các hình thức, phong phú các mô hình, chương trình, cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị.
Sau ba năm thực hiện Đề án, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật, đặc biệt là các quy định liên quan đến Luật Cảnh sát biển Việt Nam của các tầng lớp nhân dân không ngừng được nâng cao, từng bước hạn chế, giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật tại các địa phương.
Bộ Quốc phòng kiểm tra việc thực hiện Đề án tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. |
Tình hình vi phạm pháp luật trên biển của ngư dân, nhân dân nhất là vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, khai thác IUU, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm ma túy trên biển được kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm túc, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm trên phạm vi cả nước; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; động viên được ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc.
Đồng thời đấu tranh, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển, đảo Việt Nam, tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Đề án ở một số địa phương, đơn vị có thời điểm chưa thường xuyên, còn mang tính thời vụ, xem nhẹ, coi đây là nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách Cảnh sát biển. Nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm chưa phong phú, đa dạng, chưa sát với từng đối tượng, từng địa bàn dân cư, chưa thực sự gắn với thực tế hoạt động, công tác của mỗi tầng lớp nhân dân; chưa nhân rộng được các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả; tình hình vi phạm pháp luật trên biển, tình trạng ngư dân vi phạm chủ quyền vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản vẫn xảy ra.
Mọi ngư dân đều được phổ cập Luật Cảnh sát biển Việt Nam |
Trong Luật cảnh sát biển Việt Nam Chương III: Hoạt động Cảnh sát biển Việt Nam, Mục 3: Hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 20. Nội dung hợp tác quốc tế
1. Phòng, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền.
2. Phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người, mua bán vũ khí trái phép, khủng bố, hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh bất hợp pháp, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, khai thác hải sản bất hợp pháp và tội phạm, vi phạm pháp luật khác trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
3. Phòng, chống ô nhiễm và phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; kiểm soát bảo tồn các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển; phòng, chống, cảnh báo thiên tai; hỗ trợ nhân đạo, ứng phó thảm họa; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực của Cảnh sát biển Việt Nam.
5. Các nội dung hợp tác quốc tế khác theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.
Từ nhưng kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Đề án, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023" được tổ chức tại Hà Nội, một số bài học kinh nghiệm đã được chỉ ra, đó là:
Thứ nhất, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; kịp thời huy động sức mạnh tổng hợp và sự phối hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội, nhất là ban chỉ đạo, cơ quan thường trực giúp việc ban chỉ đạo các cấp trong triển khai thực hiện Đề án.
Thứ hai, đẩy mạnh quán triệt về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện Đề án; xác định nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền linh hoạt, sát với đặc điểm, nhiệm vụ, điều kiện đặc thù của từng địa phương, cơ quan, đơn vị; triển khai thực hiện toàn diện, song phải có trọng tâm, trọng điểm; nắm chắc kết quả thực hiện Đề án để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp trong từng năm; làm tốt công tác sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm trong thực hiện Đề án.
Thứ ba, nội dung giáo dục, tuyên truyền phổ biến Luật Cảnh sát biển cần bám sát nhu cầu của cán bộ, đảng viên và nhân dân; gắn kết chặt chẽ, lồng ghép với hoạt động của các tổ chức tại địa phương, cơ quan, đơn vị, phù hợp với từng đối tượng tuyên truyền. Chú trọng công tác phối hợp trong triển khai thực hiện Đề án.
Thứ tư, kịp thời biểu dương tập thể, cá nhân có thành tích và nhân rộng mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo để các cơ quan, đơn vị, địa phương học tập, làm theo. Kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, biểu hiện đơn giản, chủ quan, coi nhẹ việc triển khai Đề án. Quan tâm bảo đảm ngân sách kinh phí, các phương tiện và bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật trong triển khai thực hiện Đề án.
Văn Cường