Tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam: Sáng tạo đa dạng hình thức
Đề án "Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023" của Chính phủ được triển khai thực hiện trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Đặc biệt, 3 năm qua, tình hình dịch bệnh covid diễn biến rất phức tạp, giãn cách xã hội trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp đến các kế hoạch tuyên truyền, các hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền tập trung, tuyên truyền trực tiếp, có những thời điểm không thể thực hiện được. Chính vì vậy, để hoàn thành tốt mục tiêu của đề án, các địa phương, đơn vị trên cả nước đã phát huy tính sáng tạo, linh hoạt, có nhiều các làm hay, mô hình sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn, từng đối tượng.
Hình thức sân khấu hóa nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển. |
Để thích ứng linh hoạt với điều kiện phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương đã đã linh hoạt sử dụng các hình thức tuyên truyền phù hợp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm ứng dụng trên internet, nền tảng mạng xã hội để tổ chức tuyên truyền, như: Thành phố Đà Nẵng ứng dụng công nghệ thông tin, mạng internet, mạng xã hội để cung cấp các file mềm, thiết kế đồ họa – infographic, video clip có nội dung tuyên truyền cho các đơn vị cơ sở. Tỉnh Quảng Ninh xây dựng hệ thống truyền thanh thông minh tới tận các xã, phường, thị trấn để tuyên truyền. Thành phố Hải Phòng gửi các tin nhắn tự động tuyên truyền tới nhân dân và ngư dân. Tỉnh Nam Định, Thanh Hóa tổ chức các tổ, xe tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường làng, ngõ xóm...
Nhiều địa phương, đơn vị đã duy trì và thực hiện có hiệu quả các câu lạc bộ, trung tâm tư vấn pháp luật nhằm phục vụ nhu cầu tư vấn, hỏi đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn (quận Sơn Trà/ thành phố Đà Nẵng). Bên cạnh việc phát huy hiệu quả các hình thức, mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã có, nhiều mô hình tuyên truyền mới cũng được triển khai, như: mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, “Chi hội Phụ nữ nòng cốt thực hiện và chấp hành pháp luật”; Câu lạc bộ “Tuổi trẻ với pháp luật”, mô hình “Đội Thanh niên xung kích”; “Nông dân với pháp luật” của thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; mô hình “Tổ tàu thuyền đoàn kết”, “Tổ Đò Đoàn kết”, “Cụm An ninh liên kết” của huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng, của tỉnh Bình Thuận...
Tỉnh Quảng Ngãi triển khai thực hiện Luật Cảnh sát biển Việt Nam. |
Trong Luật cảnh sát biển Việt Nam Chương III: Hoạt động Cảnh sát biển Việt Nam, Mục 2: Thực thi pháp luật trên biển của Cảnh sát biển Việt Nam.
Điều 16. Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự
1. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam được huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam.
2. Việc huy động theo quy định tại khoản 1 Điều này phải phù hợp với khả năng thực tế của người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động và phải hoàn trả ngay khi tình thế khẩn cấp chấm dứt.
Trường hợp người, tài sản được huy động làm nhiệm vụ mà bị thiệt hại thì được hưởng chế độ, chính sách, đền bù theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Luật này; đơn vị có cán bộ, chiến sĩ huy động có trách nhiệm giải quyết việc đền bù theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm thực hiện việc huy động của Cảnh sát biển Việt Nam.
4. Trong trường hợp khẩn cấp để bắt giữ người, tàu thuyền và phương tiện vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu nạn; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong thực hiện Đề án, các lực lượng vũ trang nhân dân đã áp dụng nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo để đưa các nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, như: mô hình “Lực lượng vũ trang tỉnh đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển”,“Ăn sáng cùng ngư dân”, “Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các ban ngành đoàn thể phổ biến kiến thức quốc phòng an ninh cho các chức sắc, tín đồ tôn giáo, cho công nhân các khu công nghiệp” của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chương trình “Hải quân Nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” của Quân chủng Hải quân; Mô hình “Ngày Biên phòng toàn dân”, “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, “Nông dân tự quản gắn với giữ gìn bình yên tuyến biển” của Bộ đội Biên phòng; Mô hình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo” của Cảnh sát biển Việt Nam…; “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”, “Mỗi tuần một điều luật”, “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật” của các đơn vị trong toàn quân...
Với tinh thần trách nhiệm cao, các địa phương, đơn vị đã bám sát mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra, huy động tối đa các nguồn lực, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, đa dạng các hình thức, phong phú các mô hình, chương trình, cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị để thực hiện hiệu quả Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trong thời gian vừa qua. Qua đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ và kết quả của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.
Văn Cường