Tướng Ấn Độ khen ngợi sĩ quan Việt Nam huấn luyện trên xe tăng hiện đại
Theo Báo QĐND, trong 2 ngày 9 và 10 tháng 3, Đoàn sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã tham quan, giao lưu tại Trường Kỹ thuật Tăng thiết giáp Quân đội Ấn Độ. Chuẩn tướng Bhanot, Hiệu trưởng nhà trường đón tiếp, chủ trì tiệc trà và giới thiệu về hoạt động của nhà trường.
Học viên sĩ quân Việt Nam được đánh giá cao
Được biết, hiện nay, theo thỏa thuận hợp tác liên chính phủ Việt - Ấn và Bộ Quốc phòng 2 nước, Trường Kỹ thuật Tăng thiết giáp Quân đội Ấn Độ đã và đang hỗ trợ đào tạo cho QĐND Việt Nam một số sĩ quan nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng tăng - thiết giáp trong môi trường tác chiến hiện đại.
Với thành tích học tập đáng nể, các sĩ quan trẻ Việt Nam đã khiến Nhà trường rất hài lòng. Chuẩn tướng Bhanot - Hiệu trưởng vui mừng cho biết những học viên là sĩ quan trẻ của QĐND Việt Nam đã và đang học tập tại trường có kiến thức thực hành tốt, chỉ huy chiến đấu kiên quyết, đáp ứng được yêu cầu đào tạo.
Đoàn sĩ quan trẻ QĐND Việt Nam theo dõi giáo viên nhà trường chạy phần mềm mô phỏng hoạt động của xe tăng nhìn từ vệ tinh. Ảnh: QĐND.
Trong thời gian gần đây, Lục quân Ấn Độ liên tục có những bước phát triển vượt bậc khi được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, từ pháo tự hành, pháo phản lực, tên lửa đất đối đất chiến thuật cho tới những loại xe tăng, thiết giáp hiện đại như T-90S, T-90MS nhập khẩu từ Nga và xe tăng Ajun do nền CNQP Ấn Độ chế tạo.
Bên cạnh đó, Lục quân Ấn Độ cũng đang vận hành hàng nghìn chiếc xe tăng T-72, xe chiến đấu bộ binh BMP-2,... có từ thời Liên Xô.
Qua hàng chục năm huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và tham gia chiến đấu thực sự trong một số cuộc xung đột cục bộ, Lực lượng tăng thiết giáp Ấn Độ nói riêng và Lục quân Ấn Độ nói chung đã đúc rút được rất nhiều kinh nghiệm quý.
Xe tăng T-90 của Ấn Độ thực hành huấn luyện cheiens đấu.
Việc nước bạn luôn sẵn lòng đào tạo cho Việt Nam các sĩ quan xe tăng thiết giáp không chỉ giúp chúng ta tiếp cận được với nhiều loại vũ khí trang bị mới, hiện đại có thể sẽ được trang bị trong tương lai, mà còn chia sẻ những kinh nghiệm thực tế chiến đấu và kinh nghiệm đảm bảo kỹ thuật.
Như vậy, bên cạnh Nga, Ấn Độ đang tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ Việt Nam xây dựng nguồn nhân lực trình độ cao, đáp ứng được yêu cầu vận hành, khai thác các loại vũ khí trang bị mới.
Những kinh nghiệm quý từ Nga và Ấn Độ chắc chắn sẽ được các sĩ quan Việt Nam tiếp thu triệt để và ứng linh hoạt trong thực tế huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu sau này.
Điều kiện cần đã có, điều kiện đủ thì sao?
Có thể thấy, dường như Việt Nam cùng lúc chuẩn bị chu đáo cả điều kiện cần và điều kiện đủ để lực lượng Tăng thiết giáp "cất cánh", tiến hành hiện đại hóa với mũi nhọn là trang bị một số xe tăng thế hệ mới.
Về điều kiện cần, nguồn lực con người đã sẵn sàng. Như đã nói ở trên, nhiều lớp sĩ quan đã được cử đi học ở nước ngoài (Nga, Ấn Độ và một số quốc gia khác).
Về điều kiện đủ, đó là mua sắm xe tăng thế hệ mới. Đây là nhu cầu tất yếu bởi lẽ xương sống của lực lượng xe tăng thiết giáp Việt Nam vẫn dựa vào các loại xe thế hệ cũ như T-54, T-55 và một số ít xe tăng T-62. Qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, tính năng kỹ - chiến thuật chưa theo kịp yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Mặc dù đã triển khai chương trình cải tiến, hiện đại hóa các xe tăng T-54, T-55, nhưng về cơ bản, sau nâng cấp những chiếc xe này có lẽ vẫn tồn tại ít nhiều điểm yếu, nhất là so với những loại xe tăng thế hệ mới cả của Nga và phương Tây.
Vì vậy, việc các phương tiện truyền thông Nga đưa tin Việt Nam quan tâm tới dòng xe tăng T-90MS trong thời gian qua là điều hoàn toàn dễ hiểu. Cụ thể:
Cuối năm 2016, các báo Thanh Niên, Infonet dẫn nguồn từ 2 trang tin điện tử lớn của Nga là Izvestia và Sputnik về phát biểu của ông Vladimir Roshupkina - Giám đốc Tập đoàn Uralvagonzavod:
"Lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam sẽ có bước đột phá về sức mạnh khi được trang bị tăng T-90 do Nga sản xuất. Quá trình thương thảo về các điều kiện cung cấp, trong đó có số lượng và giá cả đang được tiến hành. Đối với chúng tôi, đơn hàng ở mức trung bình bởi lẽ số lượng cung cấp không quá lớn, chỉ khoảng 100 chiếc".
Phiên bản xe tăng T-90MS đang được Nga chào bán cho nhiều quốc gia.
Trong biên chế Lục quân Ấn Độ cũng đang có một lượng rất lớn xe tăng T-90S và sắp tới là 464 chiếc T-90MS thế hệ mới. Do vậy, thật tuyệt vời nếu các học viên sĩ quan xe tăng Việt Nam sẽ được nước bạn huấn luyện cách vận hành các loại xe tăng kể trên.
Hy vọng, trong tương lai gần, rất gần, lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam sẽ nhanh chóng tiếp nhận xe tăng thế hệ mới (có thể là một biến thể nào đó của họ T-90) và đưa vào huấn luyện, nhanh chóng làm chủ vũ khí mới, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, phát huy truyền thống hào hùng "Đã ra quân là đánh thắng" của Binh chủng Tăng thiết giáp.
Trường Kỹ thuật Tăng thiết giáp Quân đội Ấn Độ có hơn 20 khoa, trung tâm trực thuộc với gần 1.000 học viên là sĩ quan chỉ huy cấp trung đội và đại đội chuyên ngành tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới của các đơn vị thuộc Quân đội Ấn Độ và quân đội nhiều nước trên thế giới.
Quá trình học tập, học viên sẽ được tiếp cận với nhiều nội dung quản lý, chỉ huy tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp cơ động, trú quân và tác chiến các địa hình.
Với phương pháp đào tạo hiện đại, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học viên nghiên cứu lý thuyết thông qua thư viện điện tử, phòng học chuyên dụng; luyện tập thực hành tại các phòng huấn luyện mô phỏng thao trường, chiến trường đã được tự động hóa và số hóa.
Nhà trường phát huy tốt hoạt động của tổ, nhóm học tập, đồng thời đề cao tính tự chủ của học viên trong bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục hỏng hóc các loại phương tiện có trong biên chế của lực lượng tăng thiết giáp và đơn vị cơ giới chiến đấu.
Bình Nguyên