Từ vụ vợ bế con nhỏ đánh ghen giữa đường khi bắt gặp chồng đi với "bồ nhí": Xử lý ra sao khi người kia ngoại tình?
Những ngày qua, đoạn clip người vợ trẻ bế theo con nhỏ phát hiện chồng mình cùng nhân tình cặp kè giữa phố Hà Nội đã lao xuống chửi bới, đánh ghen được dư luận vô cùng quan tâm.
Vợ bế cả con nhỏ theo đau đớn bắt quả tang chồng "tay trong tay" với nhân tình trẻ tuổi. Ảnh cắt từ clip
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), hành động đánh ghen trên phố có thể xuất phát từ sự tổn thương tâm lý, cảm giác uất ức đến tột cùng khi bị người mình yêu thương phản bội.
Sự tổn thương cùng với việc thiếu kiểm soát tâm lý và tác động từ những người xung quanh góp phần làm chất xúc tác cho những hành động bột phát, thiếu kiềm chế của người vợ trẻ nói trên.
Làm thế nào khi chồng ngoại tình?
Theo luật sư Cường, bản chất hôn nhân là tự nguyện, là sẻ chia, là yêu thương... Để cho vợ hoặc chồng mình ngoại tình thì chứng tỏ cuộc hôn nhân đó đang có vấn đề, đang có mâu thuẫn, rạn nứt, thậm chí sắp đổ vỡ.
Chồng vẫn một mực ôm "bồ nhí" để bảo vệ trước cơn thịnh nộ của người vợ. Ảnh cắt từ clip
Bởi vậy, để giảm bớt nguy cơ ngoại tình thì phải duy trì, tăng cường tình yêu thương, tôn trọng, chia sẻ lẫn nhau chứ không phải là vì sợ bị phạt mà người ta không "dám" ngoại tình. Với những người ngoại tình vì lối sống buông thả, chơi bời hưởng thụ, vì đạo đức, nhân cách kém cỏi thì tốt nhất bên kia nên ly hôn để tìm người khác xứng đáng hơn, không để duy trì mâu thuẫn trong tình trạng "ông ăn chả, bà ăn nem".
Hơn nữa, hình phạt tiền thường được quy định đối với các hành vi vi phạm bởi mục đích lợi nhuận như các hành vi trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Đối với hành vi ngoại tình là vi phạm trong lĩnh vực tình cảm, đạo đức thì cách tác động, điều chỉnh tốt nhất là bằng đạo đức.
Tuy nhiên, khi đã được gia đình, bạn bè, cơ quan, đoàn thể khuyên can mà vẫn cứ ngoại tình... thì hôn nhân đó đã lâm vào tình trạng trầm trọng, giải pháp cuối cùng là ly hôn sẽ hợp lý hơn, giải thoát cho cả đôi bên.
Còn các trường hợp ngoại tình khi hôn nhân sắp đổ vỡ rồi, theo luật sư đó là tình yêu mới của một cuộc hôn nhân mới, nó không phải là nguyên nhân khiến cuộc hôn nhân hiện tại đổ vỡ, trong trường hợp này, thì hành vi ngoại tình không đáng lên án bằng các cuộc ngoại tình gây ra tác nhân xấu cho hôn nhân, cho xã hội.
Ngoại tình có thể bị xử lý về tội gì?
Theo luật sư Cường, ở Việt Nam, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, chính sách pháp luật đối với hành vi ngoại tình cũng được ghi nhận tại các văn bản như Luật hôn nhân và gia đình, Bộ luật hình sự và các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Thạc sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP. Hà Nội.
Hiện nay, chúng ta đang áp dụng Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, Bộ luật hình sự năm 2015, Nghị định 110/2013/NĐ-CP và Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội để bảo vệ quan hệ hôn nhân một vợ một chồng, đấu tranh với các hành vi xâm hại quan hệ hôn nhân nói chung và hành vi ngoại tình nói riêng.
Trong trường hợp vợ hoặc chồng không chung thủy (ngoại tình) thì trước tiên hành vi này sẽ bị điều chỉnh bởi các quy phạm xã hội như đạo đức, tập quán...
Một vụ đánh ghen, lột đồ khác từng xảy ra ở Vĩnh Phúc. Ảnh cắt từ clip
Ngoại tình ở mức độ dấm dúi, thậm thụt (không công khai) thì bị bạn bè, gia đình, làng xóm cười chê, khiến họ thấy xấu hổ với con cái, với mọi người. Nếu ngoại tình ở mức độ này thì pháp luật chưa can thiệp. Người có chồng, có vợ ngoại tình bị phát hiện chỉ có thể yêu cầu gia đình, bạn bè, cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khuyên can... để người ngoại tình nhìn nhận lại vấn đề, giải quyết các mâu thuẫn vợ chồng, xem xét lại lối sống và các mối quan hệ của mình để chấm dứt chuyện ngoại tình, giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Nếu người ngoại tình được bạn bè, gia đình, cơ quan, tổ chức khuyên can nhiều lần nhưng vẫn không chấm dứt hành vi ngoại tình thì khi đó, dưới góc độ pháp lý cuộc hôn nhân này đã được xác định là lâm vào tình trạng trầm trọng, mục đích hôn nhân không đạt được, khi đó người "bị phản bội" có quyền gửi đơn tới tòa án để được đơn phương ly hôn mà không cần phải có sự đồng ý của "kẻ phản bội".
Nếu việc ngoại tình ở mức độ công khai, ngang nhiên như: Tổ chức đám cưới, công khai ăn ở, chung sống với nhau như vợ chồng, có con chung, có kinh tế chung... đến mức độ xác định là "chung sống như vợ chồng", công khai trước bàn dân thiên hạ, trước cơ quan, chính quyền thì hành vi này được xã định là vi phạm pháp luật. Nếu việc "chung sống như vợ chồng" mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng, chưa ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội thì người vi phạm hôn nhân một vợ một chồng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP. Mức phạt được quy định như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
- Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
- Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ...
Đối với những trường hợp ngoại tình dẫn tới mâu thuẫn, bạo lực trong gia đình như vợ chồng đánh đập, hành hạ, ngược đãi lẫn nhau thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định tại Mục 4,Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, thực tế, hành vi ngoại tình ở mức độ "chung sống như vợ chồng" là rất khó chứng minh, dễ gây tranh cãi, bởi vậy việc áp dụng Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP để xử phạt vi phạm hành chính là rất hạn chế. Trong các trường hợp đàn ông ngoại tình mà lại có những hành vi kèm theo như bỏ mặc vợ, con, có những hành vi như: Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người già, yếu, tàn tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ... thì hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 50, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, mức phạt từ 1,5 triệu tới 2 triệu đồng.
Ngoài ra, nếu hành vi ngoại tình thể hiện ở mức độ "chung sống như vợ chồng" mà gây ảnh hưởng xấu tới hạnh phúc gia đình, dư luận xã hội thì hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng theo quy định tại Điều 181 Bộ luật hình sự và hình phạt có thể lên tới 3 năm tù.
Minh Khôi