Từ Thổ Nhĩ Kỳ: Chuyện 80 người ngủ ngồi trên xe buýt và chiếc lều kỷ lục của Ahmet
“Chúng tôi rất nhớ nhà, nhưng cũng sợ hãi khi phải trở về căn phòng cũ của chính mình khi gần đây, động đất vẫn thường xuyên xuất hiện”, bà Emine Bozkurt, ở Iskenderun (Hatay) nói.
80 NGƯỜI NGỦ NGỒI TRÊN... MỘT CHIẾC XE BUÝT
Bà Emine Bozlurt, 45 tuổi, vốn sống cùng chồng và 2 con tại một chung cư 5 tầng trên đường Sokak, Iskenderun (tỉnh Hatay). Nhưng từ hơn 2 tuần nay, họ không còn dám về nhà do lo sợ động đất sẽ tiếp diễn. Họ di chuyển lò sưởi, chăn, đệm và những vật dụng cần thiết khác rồi chất đầy vào ô-tô 4 chỗ đỗ ở bãi đất trống trải cách tòa nhà cũ không xa. Ngay bên cạnh là chiếc xe buýt vốn chuyên dùng để đưa đón công nhân trong khu vực đi làm. Đây cũng là căn nhà mới tạm thời của gia đình bà Emine.
Bà Emine Bozlurt bên chiếc lều tạm và chiếc xe buýt tạm trú của gia đình mình những ngày sau động đất. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp do cách xa tâm chấn, nhưng rạng sáng 6/2, khi đang ngủ, chúng tôi vẫn cảm nhận rõ cả tòa nhà rung lắc. Mặt đất như dịch chuyển. Chúng tôi đã bỏ chạy ra ngoài trong sự hoảng loạn”, người phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Khi tình hình đã ổn định lại, bà Emine trở lại phòng ngủ và phát hiện trên tường đã có một vài vết nứt. Chỉ vài tiếng sau, khi biết cơn địa chấn đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng tại khắp 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có cả Hatay, bà đã quyết định rời khỏi căn nhà mà mình đã ở suốt hơn 40 năm qua.
Đã 8 giờ tối, nhưng dãy chung cư cũ tại nơi bà Emine từng sống vẫn không có một ánh đèn. (Ảnh: Thành Đạt) |
“Tôi đã từng trải qua một trận động đất lớn cách đây 20 năm nhưng thiệt hại của thảm họa lần này quá khủng khiếp. Những tin tức từ khắp nơi khiến chúng tôi cảm thấy không an toàn trong chính nhà mình. Mặc dù không muốn, nhưng chuyển ra ngoài là điều bắt buộc. Chồng tôi có một chiếc xe buýt đưa đón công nhân nên chúng tôi đã ngủ ở bên trong”, bà Emine Bozlurt khẳng định.
Cũng theo người phụ nữ này, tất cả các hộ trong 4 chung cư lân cận cũng lựa chọn rời đi. Ngay đêm đầu tiên, 80 người trong số ấy đã xin nghỉ nhờ trong xe. Họ mang theo chăn, mặc áo dày cộp rồi… ngủ ngồi trên các dãy ghế cũ kỹ, hoặc dựa vào nhau ở lối đi chính giữa. Bên ngoài, nhiệt độ đã ở mức gần 3 độ.
"Hiện tại, mỗi tối vẫn còn khoảng gần 10 người ngủ nhờ trên xe do chưa có chỗ trú an toàn", bà kể.
Chiếc xe buýt của gia đình bà Emine trong những ngày đầu sau động đất đã trở thành chỗ nghỉ ban đêm cho hàng chục người. (Ảnh: Sơn Bách) |
Bà Guldane Kose (61 tuổi) sống trong tòa nhà đối diện kể với vẻ mặt lo lắng: “Gia đình 5 người chúng tôi đã có 3 ngày ngủ trên xe 4 chỗ. Cảm giác rất chật chội, nhưng do chưa có lều nên chúng tôi không có quyền lựa chọn”.
Chỉ mới cách đây vài ngày, chồng bà mới xin được từ một tổ chức phi chính phủ chiếc lều ở cỡ lớn. Mất 3 tiếng lắp đặt, căn nhà mới của họ đã được mọc lên ngay dưới vườn ôliu trên đỉnh đồi. Gần đó, hàng chục “ngôi nhà” khác cũng dần xuất hiện. Buổi tối, cả dãy chung cư đều tối đen, không có một ánh đèn.
CHIẾC LỀU TẠM... KỶ LỤC CỦA AHMET
Gần tâm chấn hơn, Ahmet, 34 tuổi sống ở vùng ngoại ô thành phố Antakya (Hatay), đã mất nhà và toàn bộ tài sản sau buổi sáng 6/2. Cùng 3 hàng xóm khác, Ahmet nhặt nhạnh những gì còn sót lại trong đống đổ nát rồi cùng nhau lên ngọn đồi dưới chân núi Starius để dựng lều.
Ahmet (ngoài cùng bên trái) đã nhặt lại những đồ dùng được sau địa chấn để dựng nên chiếc lều tạm. Phía bên ngoài, gạch, đá được chèn để chống gió thổi bay. (Ảnh: Thành Đạt) |
Tổng cộng 17 đứa trẻ và 11 người lớn cùng sống trong “ngôi nhà mới” chỉ rộng chừng 30m2. Tường nhà là lớp bạt xanh đã thủng lỗ chỗ. Cột trụ gồm vài cột gỗ dài chừng 1,5m cắm sâu xuống nền đất. Để chống gió thổi bay, Ahmet chèn bên ngoài lớp bạt bên ngoài vài miếng bê-tông anh lấy về từ một bức tường đổ gần đó. 28 người cả lớn lẫn bé đêm về chen nhau trong căn lều nhỏ. Không ai dám trở mình vì cũng chẳng còn không gian.
Một phần đại gia đình "liên hợp" gồm 28 người cùng sống chung trong một chiếc lều tạm tại ngoại ô thành phố Antakya (Hatay). (Ảnh: Thành Đạt) |
“Chúng tôi không còn gì cả. Nhìn xem, trong nhà chỉ toàn chăn màn và chiếc bóng điện. Thứ quý giá nhất lúc này có lẽ là vài con chim bồ câu cả 4 nhà đang nuôi trong chiếc lều bên cạnh”, Ahmet dẫn phóng viên đi một vòng và nói.
Trong lúc chúng tôi trò chuyện, chung quanh, lũ trẻ liên tục cười nói, nô đùa nhau. Riêng Eyhem, 12 tuổi cũng là chị lớn nhất liên tục nhắc các em không được làm phiền. Từ 2 tuần nay, Eyhem đã được giao nhiệm vụ trông coi 16 đứa trẻ còn lại.
Trẻ em, thay vì đến trường để học, lại phải học cách giúp người lớn mưu sinh. Các em đi nhặt củi, nhóm than hoặc trở thành bảo mẫu khi cha mẹ vắng nhà. Trong ảnh, Eyhem (bên phải) đang trông coi em gái. Phía sau là chiếc lều kỷ lục khi có tới 28 người cùng sinh hoạt. (Ảnh: Thành Đạt) |
Theo thống kê chưa đầy đủ, trận động đất hôm 6/2 đã gây ảnh hưởng tới khoảng 20 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 160.000 tòa nhà, với hơn 520.000 căn hộ, bị sập hoặc hư hỏng nghiêm trọng. Hiện hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải ở nơi trú tạm trong thời tiết mùa đông lạnh giá. Để chống lại cái lạnh, họ quây quần lại bên nhau để cùng sưởi ấm bên bếp lửa bập bùng. Trẻ em, thay vì đến trường để học, lại phải học cách giúp người lớn mưu sinh. Các em đi nhặt củi, nhóm than hoặc trở thành bảo mẫu khi cha mẹ vắng nhà.
Một khu tạm cư của người dân thành phố Antakya (Hatay). (Ảnh: Thành Đạt) |
Đi dọc các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi động đất thời điểm này, chúng tôi rất dễ bắt gặp những ngôi làng lều bạt mọc lên khắp nơi, từ sân vận động đến cánh đồng canh tác, ven vỉa hè hay trên các triền đồi. Tính tới thời điểm hiện tại Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã dựng 313.000 lều bạt và bố trí 100.000 nhà tạm là các container tại những khu vực bị ảnh hưởng động đất.
Tuy nhiên, nhu cầu về lều trại của người dân thực tế vẫn còn rất lớn. Chị Phạm Thị Quỳnh, một cô dâu người Việt Nam tại Iskenderun (Hatay) là một trong số đó. Trong 2 ngày gần đây, chị không dám ngủ trong ngôi nhà nằm ở tầng trệt khu chung cư 14/2 đường Sokak.
Người dân đốt lửa sưởi ấm cùng nhau trong đêm. Họ e ngại về chính căn nhà của mình vì lý do an toàn. (Ảnh: Thành Đạt) |
Những trận động đất liên tiếp tại Hatay kèm theo rung chấn những ngày vừa qua đã khiến các bức tường phòng khách, phòng ngủ của gia đình chị bị nứt, xé nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn cao. Do không có cả xe ô-tô lẫn lều tạm, 6 người trong gia đình chị buộc phải di chuyển ra bên ngoài để sinh hoạt. Đêm đêm, họ chỉ có thể đốt lửa để sưởi ấm trong cái lạnh của vùng ven biển Địa Trung Hải Iskenderun.
“Nếu có việc cần phải vào trong nhà, chúng tôi sẽ phải làm thật nhanh rồi trở ra. Tôi chỉ mong được hỗ trợ 2 chiếc lều để ở cho tới khi cảm thấy thực sự an toàn”, người phụ nữ đã có 15 năm sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, tổng số người chết do trận động đất xảy ra tại nước này và Syria đã lên tới 50.000 người. Thổ Nhĩ Kỳ cũng ghi nhận 7.930 dư chấn sau động đất. Tối 23/2, tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục hứng chịu trận động đất có độ lớn 5, với tâm chấn ở độ sâu 9,76km. |
Hành trình một ngày chắt chiu từng giây phút của chiến sĩ Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ Ngay từ khi đặt chân tới Thổ Nhĩ Kỳ, Đoàn cứu hộ, cứu nạn của của QĐND Việt Nam đã nỗ lực chạy đua với thời gian và vượt qua mọi khó khăn giúp người dân vùng động đất. |
Quốc tế đánh giá cao hai đoàn cứu hộ của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ Theo Đại sứ Đỗ Sơn Hải, thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế là Việt Nam không chỉ là một thành viên có trách nhiệm mà là thành viên có năng lực để thực hiện trách nhiệm đó ở mức cao nhất. |