TTC AgriS đặt kế hoạch lợi nhuận niên độ 2024-2025 đi ngang, dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT
Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã SBT) vừa công bố tài liệu họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên niên độ 2023-2024, dự kiến diễn ra vào ngày 24/10 tới đây tại Tây Ninh.
Mục tiêu lãi trước thuế 900 tỷ đồng
Trong niên độ 2023-2024 (1/7/2023 - 30/6/2024), vừa qua, TTC AgriS ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.021 tỷ đồng, tăng 17% so với niên độ 2022-2023 và vượt 41% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 908 tỷ đồng và 806 tỷ đồng, tương ứng tăng 26% và 33% so với niên độ trước, con số lợi nhuận này cũng lần lượt vượt 7% và 33% so với kế hoạch.
Theo đánh giá của Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty, niên độ 2023-2024 mặc dù ngành mía đường Việt Nam trải qua một niên độ tăng trưởng tích cực với sản lượng sản xuất tiếp tục cải thiện, nhu cầu tiêu thụ đường tăng vượt quy mô sản xuất trong nước, giá đường nhập khẩu ổn định so với giá đường trong nước nhờ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Tuy nhiên, bối cảnh chung của nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn đang đối mặt nhiều thách thức lớn như xung đột địa chính trị quốc tế làm gia tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chính sách tiền tệ thắt chặt tại nhiều quốc gia, sự suy yếu của thương mại và đầu tư toàn cầu,…
Với những thuận lợi và khó khăn của niên độ trước vẫn kéo dài sang niên độ mới, TTC AgriS đặt mục tiêu niên độ 2024-2025 (1/7/2024 - 30/6/2025) sẽ đạt doanh thu đạt 26.168 tỷ đồng, giảm 10% so với niên độ trước; lãi trước thuế 900 tỷ đồng, gần như đi ngang so với niên độ trước.
Ban lãnh đạo TTC AgriS nhận định, tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới vẫn đang có nhiều biến động. Tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao và dự kiến chỉ giảm khi Fed bắt đầu hạ lãi suất từ quý III/2024 đến cuối năm 2025. Giá dầu thế giới dự kiến dao động quanh mức 78-85 USD/thùng và rất nhạy cảm với các tin tức về xung đột chính trị. Bối cảnh này cho thấy mọi thứ có thể khó khăn hơn với TTC AgriS vì các nhóm chi phí đầu vào đều cao và có xu hướng tăng.
Đối với ngành đường, ban điều hành TTC AgriS dự báo sản lượng đường thế giới sẽ dư thừa khá lớn trong niên độ 2024-2025. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu đường toàn cầu chậm lại do xu hướng giảm tiêu thụ đường trong sản phẩm. Việc các quốc gia áp thuế lên đồ uống có đường trong dài hạn cũng tạo áp lực lên giá đường.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia thiếu đường và cần nhập khẩu hơn 1 triệu tấn mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tiêu thụ đường của Việt Nam dự báo vẫn tăng 2-3% mỗi năm nhờ tốc độ tăng của ngành thực phẩm - đồ uống và dân số. Công ty dự báo giá bán sẽ tốt hơn vào giai đoạn tháng 7 đến tháng 12/2024 và giảm vào giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2025.
Trong niên độ 2024-2025, TTC AgriS dự kiến sản lượng sản xuất sẽ tăng hơn 7% so với niên độ trước. Để tăng sản lượng công ty sẽ hoàn thiện mô hình kinh tế khoán, khoán trắng tất cả diện tích nông trường trong niên vụ này. TTC AgriS hiện đang sở hữu lợi thế vùng nguyên liệu hơn 71.000 ha ở 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc, mục tiêu của công ty là mở rộng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu lên 90.000 ha vào năm 2030.
Ngoài ra, trong niên độ 2024-2025, công ty cũng sẽ tập trung mở rộng ngành hàng FBMC thông qua việc nghiên cứu và cho ra mắt các dòng sản phẩm mới. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động M&A các doanh nghiệp đồ uống triển vọng, tham gia sâu rộng và đón đầu xu hướng F&B toàn cầu.
“TTC AgriS xác định niên độ 2024-2025 là năm bản lề quan trọng, và là điểm nối vững chắc chuyển tiếp cho giai đoạn chiến lược 5 năm kế tiếp 2025-2030. Theo đó, công ty tiếp tục bám sát mục tiêu kiện toàn ‘Chuỗi giá trị trách nhiệm’, gia tăng chuỗi giá trị từ cây trồng, đảm bảo lợi ích tối đa cho các bên liên quan, phát triển các giải pháp dinh dưỡng có nguồn gốc tự nhiên, bền vững, tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm và đồ uống dinh dưỡng toàn cầu, tiến tới hoàn thành mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2035”, HĐQT TTC AgriS nêu định hướng.
Dự chia cổ tức 10%, bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, TTC AgriS dự kiến trình cổ đông thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, trong đó 4% cho niên độ 2022-2023 và 6% cho niên độ 2023-2024, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 10 cổ phiếu mới.
Với hơn 740 triệu cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến tổng giá trị chia cổ tức đợt này của TTC AgriS là hơn 740 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Thời gian phát hành dự kiến trước tháng 6/2025.
Ngoài ra, công ty dự kiến trích 56,4 tỷ đồng cho quỹ công tác xã hội, quỹ khen thưởng phúc lợi; trích 20 tỷ đồng cho kinh phí hoạt động HĐQT niên độ 2023-2024 để thực hiện nhiệm vụ do ĐHĐCĐ giao. Như vậy, lợi nhuận chưa phân phối còn lại hơn 316 tỷ đồng.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận niên độ 2023-2024 của TTC AgriS |
Với niên độ 2024-2025, TTC AgriS dự kiến chia cổ tức 5-7% mệnh giá cổ phiếu; trích quỹ công tác xã hội, quỹ khen thưởng phúc lợi 7%từ lợi nhuận giữ lại; trích 25 tỷ đồng kinh phí hoạt động HĐQT niên độ 2024 - 2025 để thực hiện nhiệm vụ do ĐHĐCĐ giao. Đồng thời, công ty còn dự kiến chia cổ tức đối với cổ phiếu ưu đãi, với mức cố định là 5,5% trong 1,5 năm đầu tiên và các năm tiếp theo theo thoả thuận giữa công ty và cổ đông nhưng không quá 12%/năm.
Cũng tại đại hội tới, TTC AgriS dự kiến bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT để đảm bảo đủ 7 thành viên HĐQT theo Nghị quyết 02/2020 do trước đó, một thành viên HĐQT là bà Huỳnh Bích Ngọc đã kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 12/7/2024 và một thành viên HĐQT khác là ông Võ Tòng Xuân từ trần vào ngày 19/8/2024.
Hiện tại, HĐQT của TTC AgriS đang có 5 thành viên gồm: Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch HĐQT, ông Trần Tấn Việt - Thành viên HĐQT, ông Đào Duy Thi - Thành viên HĐQT, ông Trần Trọng Gia Vinh - Thành viên độc lập HĐQT, bà Võ Thuý Anh - Thành viên độc lập HĐQT.
Trong đó, bà Đặng Huỳnh Ức My được HĐQT của TTC AgriS bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của công ty từ ngày 13/7/2024, thay bà Huỳnh Bích Ngọc. Bà My đã tham gia đội ngũ lãnh đạo TTC AgriS nhiều năm qua và là nhân tố chủ chốt góp phần thành công cho chiến lược chuyển đổi mô hình kinh doanh của TTC AgriS từ truyền thống sang nông nghiệp thông minh, bền vững như hiện tại.