TS. Lê Kiên Thành: "Con người Việt Nam có đủ văn minh của thời đại chưa?"
TS. Lê Kiên Thành
TS.Lê Kiên Thành, con trai cố TBT Lê Duẩn chia sẻ những trăn trở của ông về vấn đề con người trong dự thảo báo cáo chính trị của BCH TW khóa XI cho Đại hội khóa XII.
“Phê và tự phê” đã ngày càng nhạt
Trong thời chiến tranh chúng ta có con người XHCN cụ thể, có hình hài và có kết quả. Còn trong thời bình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hình như chúng ta chưa có con người của thời đại, chưa có nội hàm của nó?
TS. Lê Kiên Thành: Đúng vậy! Chúng ta đang định xây dựng một xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh”. Vậy con người VN bây giờ có thể hiện được sự dân chủ, công bằng, văn minh chưa? Chưa! Con người Việt Nam có hiểu sự công bằng xã hội và phấn đấu cho sự công bằng của xã hội chưa? Chưa! Con người Việt Nam có đủ văn minh của thời đại chưa? Cũng chưa!
Muốn giải quyết, phải nhận định và đánh giá về mặt con người chính xác, xong rồi xác định thật rõ như chúng ta đã bàn. Có nhiều vấn đề dự thảo đã đặt ra nhưng tác động được vào con người thì cái xung quanh tự nó có thể giải quyết được hoặc giải quyết rất dễ dàng hơn.
Muốn như vậy thì đầu tiên trong Đảng, đảng viên phải biến thành con người mới, phải lôi kéo, xây được hình hài, mô hình con người mới mà chúng ta định xây dựng. Lấy đó làm mục tiêu vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Nếu chúng ta chỉ đắm đuối qua các con số phát triển kinh tế là chỉ giải quyết phần ngọn. Cái gốc không giải quyết thì phần ngọn không thể xử lý căn cơ được. Mà cái gốc ở đây là con người chúng ta là đã có tiềm năng, đã từng được giải quyết rồi.
Tức là, cần phải cần phải bắt đầu từ sự lãnh đạo của Đảng?
Phải bắt đầu đầu tiên từ BCH TW, tức là phải có định hướng đó vào ngay trong báo cáo chính trị quan trọng này. Bắt đầu thứ hai là ngay trong từng đảng viên đang nắm các chức vụ quan trọng. Khi làm tốt được từ những người này thì tham nhũng giảm, tệ quan liêu giảm xuống. Phải làm được trong Đảng.
Sau đó đẩy cái tốt ra ngoài xã hội. Điều đó tưởng như sách vở, nhưng thực sự đó là kết quả tương hỗ qua lại. Nếu Đảng chúng ta có những người tham nhũng, tham ô thì không thể nào dùng những con người như vậy lãnh đạo để xây dựng nên con người mới, làm cho toàn xã hội tốt lên được. Ngược lại nếu Đảng không làm cho xã hội này lành mạnh hóa thì sẽ không có nguồn nhân lực, những con người có yếu tố mới đi vào Đảng để Đảng tốt lên. Đó là mối quan hệ biện chứng qua lại giữa Đảng và nhân dân.
Bác Hồ đã từng dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” là vì lý do vậy. Chúng ta đang phải nhắc lại những điều tưởng như nhàm chán, nhưng quả thực không nhàm chán chút nào, nếu đặt trong bối cảnh xã hội ta hiện nay. Đó là nguyên lý về xây dựng và phát triển bắt đầu từ con người. Nguyên lý đó bám chặt suốt cùng sự tồn tại của Đảng.
Theo ông, đâu là tiêu chí của con người mới chúng ta cần xây dựng cho đất nước vào giai đoạn tới đây?
Chúng ta bám vào mục tiêu Đảng đề ra là “Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” thì sẽ rõ tiêu chí và những yêu cầu đặt ra là thế nào và những gì cần phải làm.
Nói đến con người mới thì phải hiểu dân chủ, thực thi dân chủ. Con người mới phải hiểu khái niệm đầu tiên này. Nói cho dễ hiểu, con người mới và nền văn hóa mới phải biết chấp nhận ý kiến khác chiều và lắng nghe để soi rọi. Những cái chúng ta nói về chúng ta, gọi là “phê và tự phê” đã ngày càng nhạt, đã yếu đi.
Chúng ta phải tìm ra phương thức mới để hoàn thiện mình. Những ý kiến trái chiều là vô cùng quý báu để giúp chúng ta tỉnh táo, giúp chúng ta điều chỉnh để đi lên. Nếu không điều chỉnh được thì rất dễ bị diệt vong! Cho nên, đừng sợ những ý kiến trái chiều. Ngược lại chúng ta phải tạo ra dân chủ trong con người, trong xã hội để họ hiểu và vận dụng.
Nói về công bằng cũng vậy. Nếu như những người đang thất nghiệp mà không lên tiếng, hay biểu lộ dưới hình thức nào đấy, đòi nhà nước giải quyết công ăn việc làm, tức là họ không hiểu công bằng là gì. Con người sinh ra có sức khỏe, được học hành, mà không có việc làm, tại sao? Công bằng ở đâu? Đó là quyền tối thiểu để con người sống.
Chúng ta còn hay ngại khi tổng kết cái đó và còn “hiểu lầm” những việc người ta làm tạm thời xem như người ta đang có việc làm. Nên biết rằng, xã hội càng chứa đựng nhiều người thất nghiệp thì xã hội đó càng mong manh, dễ đổ vỡ, sự biến dạng trong xã hội, như trộm cắp, đĩ điếm, cướp giật…, càng lớn.
Tương tự, nói về văn minh, cũng vậy.
Chúng ta cần rút ra bài học nghiêm khắc từ những thiếu sót, sai lầm trong thời gian qua để khắc phục và định hướng lại. Khi chúng ta thị trường hóa xã hội của chúng ta thì chúng ta dường như coi nhẹ vấn đề con người, gốc của mọi vấn đề khác. Điều này sai vô cùng. Nếu ai đó hỏi chúng ta rằng, các anh định hướng XHCN là cái gì, các anh xây dựng nền kinh tế theo định hướng XHCN là cái gì, tôi nghĩ, định hướng XHCN là con người XHCN thực thi nền kinh tế thị trường này.
Thực thi nó từ việc vận hành đến phân chia kết quả của nó, trong đó có tác động của XHCN vào được. Mô hình của chúng ta đang hướng tới thật ra các nước Bắc Âu đã làm rồi, phân bổ hợp lý công bằng cho nhiều hạng người trong xã hội thì có lẽ đó mới là định hướng XHCN.
Chúng ta phải hành động
Lịch sử chứng minh tiềm năng của con người Việt Nam rất lớn rất phi thường nếu đặt đúng môi trường đúng hoàn cảnh, nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh. Có phải môi trường khốc liệt của chiến tranh mới đủ độ căng để bật lên phẩm chất của người Việt Nam chúng ta? Vậy trong môi trường hòa bình, chúng ta có thể tạo ra môi trường như thế nào để bật lên sức mạnh của con người Việt Nam?
Nếu chúng ta duy trì những con người như hiện nay đến một độ nào đó, khi có chiến tranh xảy ra chúng ta không bao giờ có lại được những con người giàu phẩm chất như trước kia nữa đâu.
Cho nên đừng nói là trong chiến tranh có những con người tốt. Đừng bao giờ nghĩ mọi người sẽ tự tốt lên trong chiến tranh. Làm sao những người thản nhiên giết bao người lại có lòng yêu nước, yêu đồng bào được? Làm sao những người nhởn nhơ, vô cảm với đồng bào mình, với nhân dân mình lại có tình dân tộc được?
Theo ông, tính ưu việt của CNXH cần phải bắt đầu từ đâu nếu chúng ta xây dựng được con người mới XHCN?
Tính biện chứng là ở cách đặt vấn đề xây dựng con người mới vừa là mục đích, vừa là động cơ. Vấn đề là phải nhìn vào đúng nguyên nhân như phần trước đã bàn. Chúng ta không chờ đợi xã hội văn minh lên rồi con người sẽ tiến bộ văn minh theo. Phải có con người văn minh đó trước để chúng ta xây dựng một xã hội văn minh. Chính Bác Hồ đã chỉ ra cho chúng ta rồi.
Chúng ta cứ coi như CNXH là một xã hội tốt đi, muốn có một xã hội tươi đẹp thì chúng ta phải có con người tốt trước để xây dựng điều đó. Con người tốt đó chính là con người cụ thể sống trong một giai đoạn lịch sử oai hùng đã chứa đựng trong những con người đó, những yếu tốt đó chúng ta phải gìn giữ nó, nhân nó lên, dùng nó để xây dựng một xã hội mới.
Nếu làm được điều đó chúng ta sẽ có một xã hội hạnh phúc, khi mà chúng ta thu nhập đầu người chỉ ở mức trung bình thôi. Đấy có phải là mục đích của Đảng không? Có lẽ thế chứ.
Còn nếu chúng ta cứ đi theo con số thu nhập bình quân đầu người làm thước đo thành công và hạnh phúc này thì chúng ta mãi mãi sẽ là nước đứng chót cùng của thế giới. Khi chúng ta thu nhập được 5 ngàn đô la/người thì xung quanh lên 20 ngàn đô la/người. Khi chúng ta lên được 10 ngàn đô/người thì xung quanh đã lên 30- 40 ngàn đô… Ví dụ vậy.
Nếu chúng xây dựng được xã hội con người biết yêu thương đùm bọc nhau, biết chia sẽ tất cả với nhau và trong xã hội không chứa đựng những bất công, áp bức thì xã hội đó của chúng ta ngập tràn hạnh phúc và tình yêu thương. Không cần đợi đến thu nhập cao. Chúng ta đã từng như thế rồi.
Những điều đang xảy ra trong xã hội ta đó lẽ ra người có trách nhiệm phải thấy đáng báo động hơn cả nhập siêu chứ!
Chúng ta phải hành động. Không phải là cứ làm tốt thì con người tự nhiên tốt lên theo. Chúng ta phải làm ngược lại. Đó là điều tôi muốn nói nhất khi đọc hết bản dự thảo báo cáo, và đó là điều đáng nói nhiều nhất về bản báo cáo…
Còn chúng ta chấp nhận cơ chế thị trường với sự điều chỉnh của XHCN một cách thông minh, chúng ta đừng động vào nó. Ví dụ điều chỉnh thành quả của nó theo cách không được cào bằng. Bản thân nguyên lý của CNXH cũng không phải vậy, hưởng theo lao động.
Và đây là thể hiện được vai trò của Đảng và định hướng CNXH. Hơn lúc nào hết ta phải đẩy vấn đề con người lên. Định hướng XHCN là đây chứ không phải ở đâu xa lạ. Và chúng ta sẽ trả lời được cho câu hỏi “định hướng XHCN là gì?”. Có lẽ những người điều khiển nền kinh tế thị trường này là những người XHCN!
TS. Lê Kiên Thành sinh năm 1955, là con trai của cố TBT Lê Duẩn. Ông tham gia quân đội rất sớm, từ năm 1972, vào Đảng năm 1976. Từ năm 1990, ông đã nghỉ công tác tại cơ quan nhà nước để tham gia làm kinh tế tư nhân. Ông từng là Chủ tịch HĐQT ngân hàng Techcombank. Hiện nay ông Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng và phát triển đô thị, Tổng giám đốc công ty Thiên Minh |
Theo VietnamNet/TuanVietnam