Truy tìm thủ phạm "găm" cát xây dựng ở huyện miền núi Thừa Thiên-Huế
Vượt hơn 100 km đường đèo dốc để mua cát, dựng nhà
Theo phản ánh của người dân, doanh nghiệp muốn có cát, sỏi xây dựng công trình thì họ phải vượt hơn 100km để mua. Trong khi nguồn cát trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế còn rất lớn, nhưng chưa được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác..., khiến doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn đi tìm nguồn cát xây dựng.
Qua tìm hiểu của PV được biết, nhiều năm trở lại đây, người dân, doanh nghiệp muốn có cát để xây dựng nhà ở và công trình phải xin UBND huyện để tận thu ở các con sông, suối. Thế nhưng, kể từ khi UBND huyện ra lệnh cấm tận thu, khai thác cát khiến nguồn cát trở nên cực kỳ khan hiếm, khiến nhiều công trình xây dựng thi công lâm vào cảnh khốn đốn.
Theo ghi nhận của PV và tiếp xúc với vài chủ bãi cát, sỏi trên địa bàn huyện Nam Đông thì: Cát, sỏi trên địa bàn huyện đã khan hiếm gần hơn 2 tháng nay, không tìm ra nguồn cát để bán, nhằm phục vụ các công trình xây dựng trên địa bàn. Theo đó, mỗi ngày người dân và chủ công trình đến liên hệ để mua cát nhưng bị “vô hiệu hóa”. Muốn có cát, sỏi xây dựng bán cho người sử dụng thì các chủ bãi phải chạy hơn 100km đèo dốc về tận các bãi cát, sỏi ở dọc sông Hương thuộc thị xã Hương Thủy mới mua được. Và khi cát, sỏi được đưa về địa bàn huyện thì giá cũng tăng từ 100.000 đến 200.000 đồng mỗi m3.
Chủ bãi và cả người dân đều băn khoăn, có tiền cũng phải chờ đợi, xếp hàng mới mua được cát để xây dựng chứ không phải, có tiền là "mua tiên cũng được" như nhiều người nghĩ.
“Hơn 40 năm hoạt động kinh doanh cát, sạn ở trên địa bàn huyện chưa bao giờ tôi thấy cát, sạn (tiếng địa phương-PV) khan hiếm như năm nay. Mỗi khối cát chở từ các bãi ở dọc sông Hương lên đến địa bàn huyện có giá trên 300.000 đồng, tăng mỗi khối trên 100.000 đồng, thậm chí 200.000 đồng. Mỗi khối sạn ngang trên địa bàn chỉ có giá trên 100.000 đồng, mua nơi khác về cung cấp lại có giá trên 300.000 đồng. Mặc dù giá tăng cao, nhưng vẫn không đủ có cát, sạn để cung cấp cho bà con và các công trình đang xây dựng trên địa bàn làm mọi hoạt động gần như đình trệ”, anh Trần Đình Sơn than thở.
Không được cấp phép tận thu cát, sạn khiến doanh nghiệp và người dân khát cát, sạn để xây dựng.
Theo Ban Quản lý dự án khu vực huyện Nam Đông thì: Cát, sạn phải vận chuyển từ thị xã Hương Thủy lên có khoảng cách trên 100 km khiến giá cát, sạn tăng vọt. Trong khi các công trình của huyện đã phê duyệt giá cát, sạn khiến nhiều công trình gặp nhiều khó khăn. Hiện tình trạng khan hiếm cát, giá thành lại tăng cao làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sớm có quy hoạch chi tiết điểm khai thác cát, sạn?!
Một doanh nghiệp (xin dấu tên) chuyên kinh doanh cát, sạn cho biết: “Hiện cát, sỏi chưa khai thác trên địa bàn toàn huyện còn dự trữ với khối lượng rất lớn, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương chưa triển khai đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng theo quy định. Nếu chính quyền sở tại đưa vào khai thác, tận thu được quản lý đúng theo các quy định thì nguồn cát, sạn tại chỗ sẽ đáp ứng được nhu cầu xây dựng trên địa bàn, đồng thời giá bán cũng hợp lý, tạo ra việc làm và thu ngân sách cho địa phương”.
Trao đổi với PV, ông Trần Hoàng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Đông cho biết: Đầu năm 2016 UBND tỉnh có chủ trương cho áp dụng thí điểm tận thu cát, sạn trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 tỉnh lại có văn bản không được phép tận thu. Trước những khó khăn và bức xúc của người dân, lãnh đạp huyện đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp khơi thông dòng chảy ở các sông, suối... để tận thu cát, sạn với hình thức xã hội hóa.
Thế nhưng, trong quá trình triển khai, ngoài doanh nghiệp được giao khơi thông dòng chảy thì một số hộ dân cũng lợi dụng nhảy vào lén lút khai thác, tận thu cát, sạn gây ảnh hưởng đến dòng chảy và ô nhiễm môi trường xung quanh.
Được biết, ngay từ đầu năm 2018, UBND huyện Nam Đông đã có văn bản cấm tận thu, khai thác cát, sạn trên địa bàn toàn huyện. Yêu cầu Công an huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường thường xuyên rốt ráo kiểm tra, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm.
Với hình thức xã hội hóa doanh nghiệp được giao khơi thông dòng chảy thì một số hộ dân cũng lợi dụng "nhảy" vào lén lút khai thác, tận thu cát, sạn gây ảnh hưởng đến dòng chảy và ô nhiễm môi trường xung quanh.
Về vấn đề này, ông Trần Quốc Phụng, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông thừa nhận, tình trạng khan hiếm cát, sạn đã xảy ra trên địa bàn huyện nhiều tháng nay. Theo đó, vào tháng 3/2018, huyện đã có tờ trình xin UBND tỉnh cho chủ trương nạo vét khơi thông dòng chảy ở các sông, suối để tận thu cát, sạn nhằm phục vụ các công trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn..., nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có Công văn phản hồi.
Được biết, trước đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, lập quy hoạch 10 điểm khai thác cát, sạn trình UBND tỉnh cấp phép, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện.
Bài và ảnh Phi Hoàng