Trương Ngọc Ánh đau đầu tìm kịch bản hay
Kịch bản phim điện ảnh thời gian gần đây đã có nhiều khởi sắc so với 3, 4 năm trước. Nhà sản xuất và đạo diễn không còn phụ thuộc quá nhiều vào sự xuất hiện của ngôi sao trong các tác phẩm điện ảnh nhằm lôi kéo khán giả tới rạp.
Thay vào đó, kịch bản bắt đầu được đầu tư hơn, chăm chút hơn và đề tài bám chắc theo "hơi thở", xu hướng của thời đại.
Dù vậy, để tìm được một kịch bản hay có thể dựng thành phim vẫn là bài toán nan giải với các nhà sản xuất và đạo diễn.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với một số đạo diễn và nhà sản xuất tên tuổi như Charlie Nguyễn, Đức Thịnh, Trương Ngọc Ánh... về vấn đề này.
Đạo diễn Đức Thịnh thường phải mua ý tưởng và tự viết kịch bản
Chia sẻ về chất lượng kịch bản phim Việt Nam hiện nay, đạo diễn Đức Thịnh cho biết, vài năm gần đây, khán giả đòi hỏi câu chuyện chặt chẽ hơn là sự xuất hiện của ngôi sao cho nên kịch bản phim điện ảnh theo đó đã có sự tiến bộ.
NSƯT Đức Thịnh ngồi monitor trên phim trường làm phim "Sứ mệnh trái tim" do chính anh viết kịch bản và đạo diễn.
Anh khẳng định: "Công việc viết kịch bản là khó khăn nhất trong việc sản xuất phim bởi lẽ người viết kịch bản phải bắt đầu bằng con số 0, bằng sự tưởng tưởng hư hư thực thực trong khi các khâu khác bắt đầu từ kịch bản.
Hơn nữa, phim điện ảnh của Việt Nam hiện nay tập trung ở thị trường Sài Gòn là chính. Khi phim ra rạp cũng chủ yếu phục vụ cho khán giả Sài Gòn nên các nhà sản xuất và đạo diễn phải tính toán làm sao để có thể lấy lại vốn. Đó là bài toán khó và phải cân đong đo đếm kỹ lưỡng. Thực tế đó dẫn tới thể loại phim cũng bị bó hẹp".
Theo đạo diễn Đức Thịnh, đề tài phim Hollywood rất đa dạng. Họ có các phim bom tấn về không gian, vũ trụ, kinh dị, khoa học viễn tưởng... trong khi Việt Nam bị giới hạn trong các nội dung hài, tâm lý xã hội, tâm lý hình sự, hành động hài...
Tuy nhiên, điều này khó có thể cải thiện. Bởi lẽ thị trường phát hành phim của Holywood quá lớn, việc lấy lại vốn rất dễ dàng dù phim được đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đô la. Trong khi đó, thị trường phim của Việt Nam rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng một tiểu bang ở Mỹ.
Đức Thịnh nói rằng, các bộ phim anh làm lâu nay phần lớn đều do chính anh viết và đạo diễn. Ý tưởng kịch bản thường được anh mua lại.
Lý do không phải anh không tin tưởng vào khả năng viết kịch bản của người khác mà vì "Tôi đã nhận được rất nhiều kịch bản chi tiết gửi tới công ty nhưng hầu hết đều bị đuối về ý tưởng và kỹ thuật. Nếu muốn làm phải sửa banh sửa nát hết.
Do đó tôi mua ý tưởng của tác giả và tự viết lại. Nếu tìm được người viết kịch bản tốt, có năng lực thực sự thì chẳng có lý do gì để tôi phải nhúng tay vào can thiệp".
"Em chưa 18" và...
"Đảo của dân ngụ cư"... là hai tác phẩm điện ảnh gần đây được đánh giá thành công về mặt doanh thu cũng như kịch bản hay.
Trương Ngọc Ánh đau đầu và mệt mỏi truy tìm kịch bản hay
Cũng theo chia sẻ của đạo diễn Đức Thịnh, hầu hết các đạo diễn hiện nay đều tham gia vào khâu viết kịch bản. Bởi lẽ những kịch bản mà nhà sản xuất đưa cho họ hầu hết đều không trọn vẹn. Vì là người chịu trách nhiệm chính về bộ phim nên các đạo diễn thường rất quan tâm tới kịch bản hay hay dở.
Để đảm bảo chất lượng phim mình làm, khá nhiều đạo diễn lựa chọn cho mình một ê-kíp riêng. Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chia sẻ, hai bộ phim anh làm: "Em là bà nội của anh" và "Cô gái đến từ hôm qua" đều do Đặng Thái Hà viết kịch bản.
Họ vốn là bạn học với nhau bên Mỹ nên cùng chung quan điểm về làm nghề và rất hiểu ý nhau. Chính điều đó, khiến anh tự tin và không muốn thay đổi.
Anh nói rằng nếu tìm được biên kịch giỏi, anh sẵn sàng hợp tác. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, anh nghĩ mình đã có một ê-kíp hoàn hảo nên không có nhu cầu và lý do để tìm một ê-kíp khác.
Phan Gia Nhật Linh khẳng định việc gây dựng một ê-kíp riêng trong làm phim không khiến anh bị hạn chế về tác phẩm. Bởi lẽ một năm anh chỉ làm được một phim, còn Thái Hà viết tới 5 kịch bản.
Anh cũng không lệ thuộc vào biên kịch của mình. "Các phim của tôi làm đều có 50% công sức của mình và 50% của biên kịch. Chúng tôi cùng ngồi bàn ý tưởng, cùng sửa. Tôi không phục thuộc vào ai và Thái Hà cũng không phụ thuộc vào tôi. Cả hai đều cộng sinh, cộng hưởng để tạo nên bộ phim".
Diễn viên, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh cũng bày tỏ về mối lo chung này. Chị nói: "Để tìm một kịch bản hay đưa vào sản xuất là vấn đề vô cùng mệt mỏi với các đạo diễn và nhà sản xuất. Hầu hết những kịch bản gửi về công ty, được cái này thì mất cái kia.
Mới đây, CGV cũng đã phối hợp cùng các đạo diễn, nhà làm phim có uy tín để tổ chức cuộc thi tìm kiếm nhà biên kịch tài năng...
Chúng tôi phải so bó đũa, chọn cột cờ. Không tìm được cái hay nhất thì đành lựa cái hay nhì, hay ba để làm. Vì nếu không làm thì cả năm sẽ không sản xuất được phim nào".
Phan Gia Nhật Linh khẳng định có 3 yếu tố để làm nên một bộ phim hay đó là kịch bản, kịch bản và kịch bản. Việc tìm kiếm biên kịch giỏi ở Việt Nam là điều mọi người đều đang truy tìm.
Trước tình hình khan hiếm kịch bản điện ảnh hay như hiện nay, đạo diễn Charlie Nguyễn nói: "Để làm nên một bộ phim hay có rất nhiều yếu tố, trong đó kịch bản hay chính là yếu tố sống còn. Tôi nghĩ, tìm kiếm và phát triển tài năng cho các nhà biên kịch là một đòi hỏi cấp thiết cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam".
Nguyễn Lê Bình Phú