Trường ngoài công lập than bất bình đẳng
Không cạnh tranh nổi với công lập
Bên cạnh 111 trường công lập chuyên và không chuyên, Hà Nội hiện có khoảng 90 trường THPT ngoài công lập cùng tham gia tuyển sinh lớp 10 năm học 2016-2017. Kỳ tuyển sinh năm nay, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, sẽ không tăng chỉ tiêu khối công lập, tuy nhiên với 60% chỉ tiêu trong tổng số 81.000 học sinh tốt nghiệp THCS được tuyển vào hệ THPT công lập, số chỉ tiêu còn lại dành cho các trường ngoài công lập chỉ còn trên dưới 15.000 học sinh.
Trường ngoài công lập cần nỗ lực đầu tư cơ sở khang trang, đội ngũ giáo viên giỏi
Tuy nhiên, không phải toàn bộ số học sinh này đều chọn trường ngoài công lập. Bà Lê Thị Chính, Hiệu trưởng THPT Newton lo ngại, trong khi các trường ngoài công lập muốn tuyển sinh đều phải dựa vào kết quả kỳ thi dự tuyển lớp 10 do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức thì các trung tâm GDTX lại có thể tự do tuyển đầu vào chỉ với học bạ tốt nghiệp THCS. Bà Lê Thị Chính cho rằng, cách làm này không công bằng với các trường ngoài công lập bởi không có thước đo chất lượng chung. Hơn nữa, nhiều học sinh sẽ chọn vào hệ GDTX hơn là vào các trường ngoài công lập vì học phí thấp, được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của thành phố và không phải thi dự tuyển lớp 10.
Ông Trần Văn Lê, Hiệu trưởng trường THPT Trần Đại Nghĩa cho biết, trường này đã đầu tư cơ sở vật chất khá tốt nhưng vì là trường mới nên lượng học sinh tuyển được còn rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân chính là do nhiều em học sinh chỉ muốn đăng ký vào các trung tâm GDTX nếu không đỗ trường THPT công lập chứ không chọn trường ngoài công lập. “Có sự bất bình đẳng ở đây. Học sinh dự tuyển vào lớp 10 không được tuyển vào trường nếu bị điểm liệt. Tuy nhiên, các trung tâm GDTX lại được tuyển sinh ồ ạt, không cần điều kiện gì, học sinh vẫn vào được. Điều này dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh của các trường ngoài công lập”.
Phải tự cứu mình
Trước những băn khoăn của các trường ngoài công lập về bình đẳng trong tuyển sinh, ông Phạm Văn Đại cho biết, theo quy chế của Bộ GD-ĐT, đối tượng tuyển sinh của các trung tâm GDTX là học viên thuộc đối tượng chính sách, có hoàn cảnh khó khăn, vừa học vừa làm. Những đối tượng này không thi lớp 10 THPT vẫn được các trung tâm GDTX tiếp nhận. Mấy năm trước, do hệ thống trường công lập quá tải nên Sở GD-ĐT Hà Nội đã thí điểm tuyển sinh hệ THPT tại các trung tâm này để tận dụng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất của các đơn vị này. Tuy nhiên, năm nay, hệ THPT tại các trung tâm GDTX sẽ giảm đi khoảng 1.000 chỉ tiêu, xuống còn 7.700 và còn tiếp tục giảm trong các năm sau.
Về tạo điều kiện tuyển sinh cho khối ngoài công lập, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ đã cho điều chỉnh quy định về tuyển vượt chỉ tiêu được giao đối với khối các trường ngoài công lập và trường công lập tự chủ tài chính. Theo đó, Sở cho phép các trường này có thể tiếp nhận số học sinh trúng tuyển vượt 10% so với chỉ tiêu được giao với trường có quy mô tuyển sinh từ 6 lớp trở lên. Những trường quy mô nhỏ có thể nới đến 20% chỉ tiêu được giao.
Bên cạnh đó, ông Phạm Văn Đại khẳng định: “Trường ngoài công lập phải tự nâng cao chất lượng đào tạo cũng như cơ sở vật chất. Trường có đội ngũ giáo viên giỏi sẽ thu hút được học sinh. Sở không thể để xảy ra tình trạng học sinh Hà Nội phải học trong phòng học tồi tàn, thuê mượn, không đảm bảo chất lượng. Qua kiểm tra, Sở đã phát hiện nhiều trường ngoài công lập có sai sót về chuyên môn và trong quản lý… Chúng tôi đã mời nhiều trường đến để trao đổi về cách quản lý học sinh hay việc cắt xén chương trình... để các trường rút kinh nghiệm. Sở cũng yêu cầu các trường ngoài công lập không được chuyển đổi địa điểm tuyển sinh. Việc thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh được Sở thực hiện theo nhiều giai đoạn, cả trước và sau khi tuyển sinh. Nếu phát hiện sai phạm, Sở sẽ xử lý kiên quyết”.