Trung Quốc "mắc kẹt" với Triều Tiên như thế nào?
Sau năm 1953, hiệp định đình chiến liên Triều được ký kết, các nước lớn thỏa thuận thiết lập cân bằng hiện trạng và chia cắt lâu dài bán đảo Triều Tiên. Từ đó đến nay hiệp định hòa bình vẫn chưa được ký kết. Các bên xung đột về mặt lý thuyết là đang trong tình trạng chiến tranh. Những nước bị chia cắt cùng thời như Đức, Việt Nam thì đã thống nhất.
Nguyện vọng thống nhất của dân tộc Triều Tiên đang bị nhiều thế lực nội bộ và bên ngoài cản trở. Vị trí địa chính trị của Triều Tiên khác xa Trung Đông, ở đây tài nguyên không đáng kể, nhưng nó đóng vai trò ranh giới cân bằng lực lượng giữa các nước lớn. Triều Tiên xét về mặt nào đó là "vật hy sinh" cho những toan tính của nước lớn.
Căng thẳng Triều Tiên có hại gì cho Mỹ?
Nếu nhìn khách quan thì chẳng có hại gì cho Mỹ cả mà tự Mỹ cho là có hại để gia tăng sức ép lên đối thủ truyền thống và lên đồng minh. Theo chính sách "America First" (nước Mỹ trước tiên) thì việc duy trì căng thẳng sẽ làm cho các đồng minh phải chia sẻ gánh nặng chi phí quân sự với Mỹ thay vì nằm dưới ô che của Mỹ như mấy chục năm nay.
Đồng minh của Mỹ ở khu vực phải mua sắm nhiều vũ khí Mỹ hay mua giấy phép của Mỹ để sản xuất vũ khí. Tài phiệt vũ khí Mỹ được hưởng lợi rất lớn. Nền kinh tế các nước đồng minh đó phải chịu gánh nặng ngân sách quốc phòng nên sẽ giảm bớt áp lực cạnh tranh với Mỹ về lĩnh vực sản xuất và công nghệ dân dụng.
Khi các nước đồng minh của Mỹ tăng kho vũ khí hiện đại thì các đối thủ truyền thống cũng phải lo lắng và đầu tư để tăng cường kho vũ khí của mình. Ngân sách quốc phòng gia tăng, đầu tư cho các lĩnh vực khác bị suy giảm nên khả năng cạnh tranh kinh tế sẽ yếu đi khi so sánh với Mỹ.
Nếu xung đột quân sự quy mô lớn xảy ra thì đồng minh của Mỹ và đối thủ truyền thống của Mỹ chịu nhiều tổn thất nặng nề nên không bao giờ các nước trong khu vực đồng ý cho Mỹ tấn công quân sự quy mô lớn. Hơn nữa, hiện nay chính trường Hàn Quốc đang bất ổn, không có nhân vật nào hay phe phái nào có đủ sức mạnh để đồng hành với Mỹ khi tấn công Triều Tiên.
Đối với Trung Quốc, nước Triều Tiên nằm phía trên vĩ tuyến 38 là kết quả trả giá bằng mạng sống của nhiều vạn chí nguyện quân trong thập niên 1950. Bắc Kinh không bao giờ muốn ai giành mất "thành quả" đó.
Triều Tiên thử tên lửa.
Trong quá khứ, Trung Quốc đã giúp đỡ rất nhiều để Triều Tiên phát triển kỹ thuật quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực tên lửa. Nhưng gần đây Triều Tiên đã đi quá xa và tỏ ra muốn vượt khỏi vòng cương tỏa của "đồng minh xương máu".
Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân là điều Trung Quốc không hề muốn. Đây cũng có thể là điểm trùng hợp duy nhất giữa Trung Quốc và Mỹ khi tìm biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng. Mỹ ép Trung Quốc cùng với Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trung Quốc thật sự rất khó xử.
Nếu Bắc Kinh khoanh tay đứng nhìn thì sức ép càng gia tăng, các nước trong khu vực sẽ tăng cường sức mạnh quân sự, tác động đến các ý đồ bá quyền của Trung Quốc tại biển Đông và biển Hoa Đông.
Mỹ có thể gây sức ép cả về kinh tế với Trung Quốc vì hiện nay kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Mỹ là lớn nhất, và Trung Quốc có dự trữ ngoại hối rất lớn khoảng 3.000 tỷ USD.
Việc dự trữ ngoại hối như con dao hai lưỡi vì chỉ có phần nhỏ tiền mặt cần cho lưu thông trong nước, còn lại nó chỉ là con số nằm trong các ngân hàng ở nước ngoài mà khi cần thiết Mỹ có thể phong tỏa.
Trung Quốc sợ Mỹ như chủ nợ sợ con nợ. Trung Quốc làm gì bây giờ? Không lẽ quay về đánh Triều Tiên như Hoàn Cầu thời báo đe dọa!
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Đại tá Phan Văn Từ