Trưng bày kỷ vật hải đội Hoàng Sa ở huyện đảo Lý Sơn
Nếu bạn hỏi người dân Lý Sơn rằng, có những nơi nào nên tới thăm quan khi đặt chân tới đây, thì đa số họ sẽ chỉ cho bạn đến Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa Bắc Hải trước tiên.
Nằm ở ngay trung tâm huyện đảo, nhà trưng bày không khó để bạn tìm ra. Ngay cổng vào nhà trưng bày, chúng ta thấy tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn gồm chân dung ba vị: vị đứng chính giữa là cai đội với một tay chỉ thẳng về hướng biển Đông, một tay đặt lên cột mốc chủ quyền khắc chữ Hán Nôm “Vạn lý Hoàng Sa”. Hai bên cai đội là hai dân binh, một người cầm giáo, một người vác lưới trên tay.
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn.
Phía sau của tượng đài Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
Ngay sau tượng đài là nhà lưu niệm đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được khánh thành vào năm 2010 mô phỏng kiến trúc truyền thống với mái giống đình làng mang dáng dấp thời Nguyễn.
Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải được xây dựng theo kiểu đình làng trang nghiêm vào năm 2010.
Bên trong nhà lưu niệm trưng bày nhiều kỷ vật của đội Hoàng Sa, những bản đồ thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những văn bản, phiếu trình, hay tuyên bố của nước ta về bản đồ hành chính chính thức của Việt Nam.
Một trong số phương tiện của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ dùng để đánh bắt hải sản xa bờ, dài ngày trên biển là ghe câu. Những lúc thiếu gió hay ngược gió, ngư dân có kỹ thuật chạy “vát” hay chạy “ganh” rất độc đáo, bằng cách kéo xiên cánh buồm, làm cho ghe tiến về phía trước theo ý người điều khiển.
Ghe câu có chiều dài 10m – 12m, chiều rộng 2,5m – 3m, chiều cao 0,8 – 1,0m; trọng tải 5 tấn – 6 tấn; di chuyển bằng buồm, nhờ sức gió.
Chính giữa gian nhà lưu niệm, những bài vị của những anh hùng đội Hoàng Sa được đặt rất trang trọng.
Linh vị cai đội, chánh thủy quân, suất đội và thủy thủ đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa.
Cột mốc đảo Trường Sa.
Chiếu và nẹp tre.
Một số vật dụng sinh hoạt của các binh phu Hoàng Sa khi ra đảo, chiếc lu dùng đựng nước ngọt và một số dụng cụ nấu ăn thiết yếu.
Ngoài những kỷ vật của đội Hoàng Sa còn được lưu giữ đến nay thì những tư liệu như bản đồ, các văn bản, tuyên bố, nghị định của nước ta về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được trưng bày tại đây.
Khách thăm quan tìm hiểu bản đồ Hoàng Sa - Trường Sa.
Du khách nhí chăm chú tìm hiểu bản đồ sau khi được bố hướng dẫn.
Bản đồ khu vực Biển Đông và các nước lân cận.
Bản đồ Việt Nam Cộng hòa với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở giữa Biển Đông được xuất bản năm 1929 tại Sài Gòn.
Hình ảnh Đảo Nam Yết chụp từ trên máy bay.
Hình ảnh Đảo Trường Sa lớn chụp trên máy bay.
Và đây là bản đồ hành chính nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với 63 tỉnh, thành phố sau khi đất nước mới giành độc lập.
Quả thực, những ký ức về hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải sẽ luôn tồn tại với thời gian và mỗi người dân Lý Sơn nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Người dân vẫn luôn biết ơn, tự hào đối với những binh phu thuộc hải đội - những người đã dũng cảm canh giữ, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.
Theo Lao Động