Trong năm 2020, truyền thông về ASEAN được đẩy mạnh trên môi trường điện tử
Tọa đàm Tổng kết năm chủ tịch ASEAN 2020. |
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, mục đích của cuộc Tọa đàm là tổng kết, đánh giá công tác tuyên truyền ASEAN thời gian qua. Bên cạnh đó, buổi tọa đàm cũng là dịp để đại diện các Bộ, ngành liên quan cùng với các phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí trao đổi, thảo luận cùng xây dựng Kế hoạch tuyên truyền ASEAN trong 5 năm tới.
Tại cuộc Tọa đàm, ông Nguyễn Đồng Trung, Trợ lý Vụ trưởng, Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã điểm qua các kết quả chính của Năm Chủ tịch ASEAN. Theo đó, trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã duy trì đà xây dựng Cộng đồng ASEAN và thực hiện thành công các mục tiêu, ưu tiên đề ra trong năm 2020. Các ưu tiên và kết quả chính được Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, đề xuất cho ASEAN trong năm 2020 đã được hoàn tất trọn vẹn.
Cụ thể như: Hoàn tất rà soát giữa kỳ các kế hoạch tổng thể trên 3 trụ cột thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; Định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025; Thúc đẩy công tác chuẩn bị rà soát triển khai Hiến chương ASEAN; Nâng cao hình ảnh và nhận diện về Cộng đồng ASEAN…
Về nỗ lực ứng phó COVID-19, ASEAN đã nỗ lực ứng phó COVID-19 đạt được nhiều kết quả quan trọng. ASEAN đã thông qua và đưa vào triển khai nhiều sáng kiến hợp tác hiệu quả, thực chất, với vai trò thúc đẩy tích cực của Việt Nam, để chủ động ứng phó với các thách thức của đại dịch COVID-19, trong đó có: Quỹ ASEAN ứng phó dịch bệnh COVID-19, hơn 12 triệu USD đã được cam kết cho Quỹ (Việt Nam đóng góp 100.000 USD), nhằm giúp nâng cao năng lực cho các quốc gia thành viên trong kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh; Kho dự phòng vật tư y tế; Thành lập Trung tâm khu vực ứng phó với các trường hợp y tế khẩn cấp và bệnh dịch mới nổi (AC-PHEED).
ASEAN đã thông qua khung chiến lược ASEAN về ứng phó các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, đặc biệt là Khung phục hồi tổng thể ASEAN và Kế hoạch triển khai, giúp ASEAN tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thúc đẩy phục hồi bền vững.
Các nỗ lực phục hồi của ASEAN tập trung vào 3 giai đoạn chính, gồm tái mở cửa, phục hồi và tự cường. Khung phục hồi đề xuất 5 chiến lược phục hồi chính gồm: tăng cường hệ thống y tế, bảo đảm an ninh con người, thúc đẩy thị trường và liên kết nội khối, đẩy mạnh chuyển đổi số và xây dựng tương lai bền vững và tự cường.
Ngoài ra, trong Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, vai trò trung tâm của ASEAN được phát huy và nâng tầm vai trò, vị thế ASEAN ở khu vực và quốc tế. ASEAN tiếp tục nỗ lực định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, dựa trên luật lệ, đẩy mạnh hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử và đề cao thượng tôn pháp luật.
Về Kế hoạch tuyên truyền ASEAN 2021-2025, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Kế hoạch tuyên truyền ASEAN 2021-2025 dựa trên Kế hoạch Chiến lược ASEAN về Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch Tổng thể truyền thông ASEAN giai đoạn II (ACMP II) 2018-2025 với trọng tâm ưu tiên giai đoạn tới là làm thế nào để người dân hiểu về Cộng đồng ASEAN.
Ông Triệu Minh Long đánh giá, thời gian qua, báo chí truyền thống đã làm rất tốt công tác truyền thông về các hoạt động cũng như kết quả hoạt động của ASEAN. Tuy nhiên, để cho người dân quan tâm đến sự kiện, hiểu thêm về Cộng đồng ASEAN, cần phải có những hình thức truyền thông khác, như việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã có fanpage về Năm Chủ tịch ASEAN, Cổng thông tin ASEAN tích hợp thông tin dữ liệu về ASEAN và chia sẻ với các Bộ, ngành, địa phương.
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Triệu Minh Long phát biểu tại Tọa đàm. |
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, trong năm 2020, do dịch COVID-19, truyền thông về ASEAN đã được đẩy mạnh trên môi trường điện tử. Số lượng các tin, bài về ASEAN trong năm 2020 rất lớn, trong đó nhiều nhất là mảng hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng.
Bộ TT&TT đã thiết lập được đầu mối tuyên truyền ASEAN. Mạng lưới các bộ, ngành và các cơ quan báo chí tuyên truyền về ASEAN có 110 đầu mối của 32 báo đài Trung ương và 12 bộ, ngành thuộc Ban Chỉ đạo thông tin tuyên truyền ASEAN.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, trong hội nhập kinh tế, Việt Nam đã tham gia 25 năm, thành quả hội nhập đã rõ nét. Riêng trong năm Chủ tịch 2020, Việt Nam đề xuất 13 sáng kiến và cho đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thành 11 sáng kiến. Sáng kiến về Hướng dẫn hệ sinh thái 5G do Bộ TT&TT chủ trì dự kiến được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng TT&TT ASEAN trong quý I/2021. Sáng kiến thứ 13 là sáng kiến xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia Đông Nam Á sẽ được hoàn tất trong năm nay. Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga, trong 13 sáng kiến thúc đẩy hợp tác kinh tế ASEAN năm nay, sáng kiến nổi bật nhất là thúc đẩy được việc hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sau 8 năm đàm phán. Sáng kiến này khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các đối tác trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế. |