Trở về tuổi thơ với phim chuyển thể từ truyện Nguyễn Nhật Ánh
Truyện Nguyễn Nhật Ánh mang đến cho các thế hệ bạn đọc nhiều kỷ niệm êm đẹp, niềm vui trong trẻo và những tình cảm ấm áp... của tuổi thơ. Sức hút từ tác phẩm của ông đã được các nhà làm phim khác thác và xây dựng thành những bộ phim truyền hình, điện ảnh mang nhiều tầng sâu ý nghĩa khác nhau.
"Áo trắng sân trường" – nét đẹp thuần túy về tuổi học trò
Truyện “Nữ Sinh” là tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh chuyển thể thành phim mang tên “Áo trắng sân trường”. Bộ phim được biên kịch, dàn dựng bởi đạo diễn Lê Dân và từng gây tiếng vang lớn trong những năm đầu thập niên 90.
Bộ phim sản xuất vào năm 1994, ngay khi ra mắt đã nhanh chóng để lại nhiều ấn tượng với khán giả. "Áo trắng sân trường" thu hút đặc biệt bởi câu chuyện dí dỏm, tinh nghịch mà chân thật, gần gũi với lứa tuổi học trò. Đồng thời, mang nhiều yếu tố giáo dục cao thông qua những tình huống nhẹ nhàng, thú vị.
"Áo trắng sân trường" kể về Kim Xuyến, Đăng Thục và Cúc Hương. Họ là bạn thân, học chung lớp, mỗi người mang một tính cách, thế mạnh khác nhau. Câu chuyện bắt đầu với nhiều tình tiết thú vị, khi cả 3 tò mò, dí dỏm làm quen với anh chàng điển trai tên Gia trong quán nước. Từ những lời trêu đùa, họ trở thành những người bạn thân thiết. Nhưng thật bất ngờ, người bạn trai đó lại là thầy giáo chủ nhiệm mới chuyển đến.
Mặc dù "Áo trắng sân trường" lấy kịch bản từ tiểu thuyết “Nữ sinh” của Nguyễn Nhật Ánh nhưng lời thoại của phim đã được đạo diễn sắp xếp, gọt tỉa rất phù hợp. Tình tiết mang tính ngẫu nhiên, hài hước, lôi cuốn người xem. Các vai diễn chính trong phim được đảm nhận bởi nhiều diễn viên tên tuổi lúc bấy giờ như: Y Phụng, Ngô Mỹ Uyên, Hoàng Trinh, Lê Công Tuấn Anh. Lối diễn xuất tự nhiên, khéo léo của dàn diễn viên để lại ấn tượng mạnh và làm nên thành công cho tác phẩm.
“Áo trắng sân trường” được đánh giá là tác phẩm điện ảnh “học trò” nhất trong các bộ phim về đề tài này. Bởi nó mang đến cho người xem những nét đẹp thuần túy ở lứa tuổi mộng mơ, đáng yêu, hồn nhiên, tinh nghịch. Tác dụng giáo dục và thẩm mỹ của phim nằm ngay trong chi tiết hài hước, dí dỏm, chân thật.
“Bong bóng lên trời” – câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình, bạn bè
Tác phẩm với cốt truyện cảm động, mang giá trị giáo dục, nhân văn sâu sắc về tình cảm gia đình, bạn bè cùng những ước mơ bình dị của trẻ thơ. “Bong bóng lên trời” không chỉ được chuyển thể sang phim truyền hình mà còn thành kịch nói.
“Bong bóng lên trời” kể về những sóng gió trong gia đình Thường. Cậu bé mồ côi bố từ nhỏ, lớn lên trong tình thương yêu và sự lo lắng của mẹ. Thương mẹ vất vả, thức khuya dậy sớm làm lụng, em đi bán kẹo kéo để đỡ đần. Sau đó, tại cổng trường tiểu học, anh chàng quen biết Tài Khôn, cô bé bán bong bóng, thích viết những ước mơ lên quả bóng rồi thả bay lên trời. 2 bạn nhỏ nhận ra sự tương đồng trong tính cách và dần trở thành đôi bạn thân thiết.
Nhân vật trong phim chủ yếu ở lứa tuổi học trò, nên những diễn viên tham gia lúc đó đều là gương mặt bình thường, không được khán giả biết đến nhiều. Tuy nhiên, lối diễn xuất hồn nhiên, trong sáng của các bạn nhỏ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.
Xem phim, khán giả như được trở về tuổi thơ, với những điều ước giản dị, nhưng chất chứa nhiều tình cảm. Trước mọi lo toan của cuộc sống hiện tại, tác phẩm khiến tâm hồn chúng ta nhẹ nhõm hơn và cũng muốn gửi mọi mong ước của mình theo “Bong bóng lên trời”.
"Chú bé rắc rối" khơi dậy những ký ức tinh nghịch của tuổi học trò
Câu chuyện hấp dẫn với nhiều chi tiết thú vị về những cậu học trò tinh nghịch trong truyện “Chú bé rắc rối” của Nguyễn Nhật Ánh đã được đạo diễn Cao Thụy chuyển thể thành công trong phim ngắn cùng tên.
Bộ phim “Chú bé rắc rối” ra mắt khán giả từ năm 2008, khơi dậy trong chúng ta những ký ức không thể nào quên về tuổi học trò. Nhiều trò tinh nghịch, ngộ nghĩnh được khắc họa rõ nét qua các nhân vật trong phim.
Nội dung phim xoay quanh đôi bạn Nghi và An, giúp đỡ nhau cùng học tập. Mặc dù kết thân, nhưng tính cách của 2 nhân vật hoàn toàn khác nhau. Trong khi Nghi học hành chăm chỉ thì An lại lười biếng, học dốt. Cậu bé sinh ra trong gia đình có điều kiện, nên không thích học, luôn tự tin sau này lớn lên sẽ kiếm được nhiều tiền.
Những tình tiết thú vị bắt đầu khi An mải mê chơi bời, lôi kéo bạn vào những trò ăn chơi của cậu và gây ra nhiều rắc rối cho Nghi. Trong phim, diễn viên nhí Phùng Ngọc đã thuyết phục người xem, bởi lối diễn xuất thần, tự nhiên, khiến khán giả tin rằng, đó chính là cậu bé An rắc rối.
“Kính vạn hoa” – những câu chuyện tâm lý về tuổi học trò
Đây là bộ truyện dài nhất của Nguyễn Nhật Ánh được chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên, do đạo diễn Minh Chung và Đỗ Phú Hải dàn dựng. Trải qua nhiều năm, “Kính vạn hoa” vẫn là bộ phim đáng nhớ, đáng xem nhất về tuổi học trò.
“Kính vạn hoa” mang đến cho khán giả nhiều tình huống hài hước, những cuộc phiêu lưu khắp nơi, trên rừng xuống biển, đầy hấp dẫn đối với trẻ thơ. Bên cạnh các câu chuyện, đó là bài học cuộc sống ý nghĩa và sâu sắc.
Nội dung “Kính vạn hoa” là những câu chuyện về trường lớp, gia đình, các hành trình khám phá cuộc sống của 3 cô cậu học trò nghịch ngợm, đáng yêu. Mỗi bạn thể hiện những tính cách khác nhau, tạo nên những tình tiết hấp dẫn người xem. Nếu Quý ròm thông minh, tốt bụng nhưng nhát gan và có phần vô tâm thì Tiểu Long khù khờ, giỏi võ. Còn nhỏ Hạnh học giỏi, dịu dàng mà hậu đậu. Bộ phim làm nên tên tuổi của diễn viên Ngọc Trai, Anh Đào, Vũ Long.
Đây là bộ phim nhiều tập, mỗi tập kể một câu chuyện khác nhau về cuộc sống thường ngày của 3 người bạn thân, nhiều khi hài hước, đôi lúc thót tim hay cảm động, nhưng luôn kết thúc với những bài học hay về tình cảm gia đình, bạn bè.
"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" – bài ca êm đêm về tuổi ấu thơ
Đây là tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành phim. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” vừa ra mắt trong năm đã gây tiếng vang lớn tại làng điện ảnh thế giới. Phim từng tham dự liên hoan phim quốc tế Cannes, đồng thời vừa đoạt giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Silk Road và chính thức công chiếu tại các rạp ở Việt Nam vào hôm qua 1/10 (thời điểm công chiếu phải đẩy lên sớm một ngày –1/10 thay vì 2/10 – trước “áp lực” của dư luận).
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” kể về cuộc sống ở vùng nông thôn nghèo khó những năm 1980 của 3 bạn nhỏ ở độ tuổi 12–13: Thiều, Tường và Mận. Tuy hoàn cảnh gia đình thiếu thốn, vất vả nhưng bộ phim đã làm nổi bật lên tình cảm thiêng liêng giữa bạn bè, làng xóm, anh em thân thiết, trong sáng của lứa tuổi học trò. Bộ phim có sự góp mặt của các diễn viên nhí: Trọng Khang, Thành Vinh, Thanh Mỹ, Công Huân, Đức Sáng...
Tuy bộ phim mới chỉ tung những hình ảnh và video ngắn giới thiệu nhưng đã đủ hấp dẫn và gây xôn xao trong thời gian qua, khiến khán giả thấp thỏm mong đến ngày công chiếu. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” sẽ là bộ phim đặc biệt nhất được chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh, khi câu chuyện đan xen giữa cái xấu với tốt, nhưng cuối cùng vẫn có cái kết đẹp. Đó là cái nhìn trong trẻo, mộc mạc, phảng phất chút buồn về những con người nơi làng quê còn nhiều khó khăn. Điều cuối cùng, tác phẩm điện ảnh muốn gửi đến người xem thông điệp: ai cũng có tuổi thơ để trở về.
Minh Châu