Trẻ em tị nạn tại Hy Lạp và cơ hội được đến trường
Câu chuyện trên đảo Chios
Tình nguyện viên dắt trẻ tị nạn vào các lớp học. (Ảnh: Reuters)
Bé gái Nour chạy ra khỏi khu trại tị nạn ảm đạm, trên đôi vai gầy guộc 6 tuổi của em là một chiếc cặp mới tinh. "Đi thôi nào! Đi nào!" - bạn bè của em reo hò bằng tiếng Anh, và cả đám rảo bước tới lớp học cho trẻ tị nạn trên đảo Chios (Hy Lạp).Kể từ khi cùng gia đình chạy trốn khỏi chiến tranh Syria tới châu Âu, hòn đảo lớn thứ 5 của Hy Lạp đã trở thành mái nhà mới của những em bé tị nạn này.
Tại các ngôi trường được thành lập bởi đội ngũ tình nguyện viên, trẻ tị nạn như Nour sẽ được dạy cách cầm bút, tự viết tên mình và tập đếm đến 10. Nhiều thanh thiếu niên phải mất khá nhiều thời gian để làm quen với việc đi học trở lại.
Theo các tổ chức nhân đạo, gần 40% trong số 60.000 người tị nạn và người di cư mắc kẹt ở Hy Lạp là trẻ em, và các em đã từ lâu không được đến trường, hoặc hoàn toàn thất học.
Cho đến nay, nhu cầu về giáo dục của họ chỉ được đáp ứng một phần bởi các sáng kiến tình nguyện, giống như ngôi trường ở đảo Chios. Tuy vậy, chính phủ Hy Lạp hy vọng sẽ thay đổi tình hình bắt đầu từ học kỳ này và đã có kế hoạch triển khai hàng nghìn ngôi trường mới trên khắp đất nước.
Những lớp học - dạy tiếng Hy Lạp, toán và ngoại ngữ - được kỳ vọng sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối tháng này. Nhà chức trách cho biết có thể mở ra 22.000 lớp học. Trẻ tị nạn sẽ được giảng dạy theo chương trình riêng trước khi tích hợp với học sinh Hy Lạp.
Một lớp học cho trẻ tị nạn trên đảo Chios (Hy Lạp). (Ảnh: Reuters)
"Tất cả những trẻ em (tị nạn) tại Hy Lạp đang phải đối mặt với một tình thế rất khó khăn. Chúng tôi gọi các em là "Thế hệ mất mát" - ông Eric Durpaire, một quan chức cấp cao của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), nhấn mạnh.
Theo báo cáo của tổ chức từ thiện quốc tế Save the Children, tính trung bình, mỗi trẻ tị nạn ở Hy Lạp đã bị gián đoạn việc học trong khoảng 1,5 năm.
Khi được hỏi, hầu hết người tị nạn đều cho rằng, giáo dục là ưu tiên hàng đầu, nhưng hơn 1/5 trong số họ thậm chí còn chưa được học bất kỳ một phút nào, chủ yếu bởi chiến tranh.
Đối với các bậc cha mẹ, nhiều người cho con em đến trường không chỉ vì giáo dục. Họ cho rằng trẻ em nên rời khỏi các trại tị nạn ảm đạm và tới lớp, sau khi đã bị tổn thương tinh thần vì xung đột và bạo lực.
Cô Ufaira, mẹ của bé Janra (6 tuổi), tâm sự: "Tôi muốn con gái tôi đến đây (trường học trên đảo Chios) để thích ứng, để phát triển một cách mạnh mẽ bởi vì con bé gần như khóc suốt ngày".
Gia đình bé Janra đã đến Hy Lạp từ Syria vào 10 ngày trước, và đang hy vọng tới được Anh. "Tôi muốn tìm một ngôi nhà, ở lại một nơi nào đó để con gái tôi có thể tiếp tục đi học" - Ufaira chia sẻ thêm.
Dạy học "không vì tiền"
Cô giáo Helen Brannigan đang giảng bài cho các học sinh là trẻ tị nạn trên đảo Chios. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Durpaire, việc giảng dạy cho trẻ em tị nạn sẽ không vì mục đích "kiếm sống" như thông thường, và đây là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với các giáo viên.
Những học sinh đã nhiều năm không đi học dường như sẽ không cố gắng. Trong khi đó, một số bậc phụ huynh cảm thấy việc cho con em mình đi học đồng nghĩa với việc họ sẽ ở lại Hy Lạp lâu hơn - điều họ chưa bao giờ tính đến.
Vào những ngày "đẹp trời", trẻ em tị nạn trên đảo Chios đến lớp vui vẻ và tràn đầy sinh lực. Nhưng cũng có "ngày xấu", khi giáo viên không thấy được sự khao khát và động lực từ phía học sinh.
"Đôi khi tôi không dám chắc về những gì đã xảy ra ở trại tị nạn, tại sao các em (học sinh) lại mệt mỏi" - Helen Brannigan, một giáo viên tiểu học đến từ Anh đang tình nguyện giảng dạy trên đảo Chios, cho biết.
Có khoảng 160 trẻ tị nạn tới ngôi trường này, cứ 2 lần mỗi tuần. Dự án được triển khai bởi Nicholas Millet (26 tuổi) và Jacob Rohde (28 tuổi) và không thể thay thế các trường học truyền thống bởi thiếu kinh phí duy trì hoạt động.
"Trong điều kiện lý tưởng, những đứa trẻ này sẽ được tới lớp 5 ngày/tuần, và các em sẽ được tích hợp (với học sinh bản địa) chứ không phải sống trong các trại tị nạn" - anh Millet nhấn mạnh.
Kêu gọi kinh phí không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng, Hy Lạp đang ưu tiên nhận viện trợ để phát triển các dịch vụ phúc lợi xã hội, chứ không phải giáo dục.
Hồi đầu tuần, cư dân một vùng ngoại ô ở phía Bắc Hy Lạp cũng đã phản đối quyết liệt đề xuất cho phép trẻ tị nạn được học cùng trường, lớp với trẻ em bản địa.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục Hy Lạp tuyên bố sẽ không chịu lùi bước. "Có khu phố, trường học nào có quyền nói rằng "Tôi không muốn có người nước ngoài nào ở đây" hay không? Không hề" - Bộ trưởng Giáo dục Nikos Filis khẳng định.
Hồng Anh