Trẻ em ở các nước trên thế giới thường đến trường bằng cách nào?
Sự việc bé gái người Việt bị sát hại trên đường đi học một mình tại Nhật Bản - quốc gia nổi tiếng an toàn và trẻ em thường tự đi học từ khi còn bé xíu - khiến không ít người tò mò về hình thức đến trường của trẻ em ở các quốc gia khác trên thế giới.
Dưới đây là những phương tiện mà các bậc phụ huynh ở một số quốc gia trên thế giới sử dụng để đưa con em mình đến với tri thức.
Mỹ - Anh - Úc
Các học sinh vui vẻ xếp hàng đến trường bằng "xe buýt lưu động".
Sau khi phát hiện ra rằng 90% học sinh sống cách trường trong phạm vi 2km đều được cha mẹ chở đến lớp, các trường học thuộc Springfield - Mỹ đã thiết lập những tuyến "xe buýt lưu động".
Mỗi buổi sáng, hàng chục học sinh tiểu học ở Springfield, Massachusetts sẽ chờ đợi tại các góc phố và được đưa đến lớp bởi giáo viên và phụ huynh. Hình thức đi bộ có tổ chức này tạo cho lũ trẻ một phương thức đến trường an toàn và lành mạnh.
Đây không chỉ là cách để đưa trẻ em đi học mà còn mang ý nghĩa như một bài tập thể dục giúp chúng ổn định nhanh hơn khi đến nơi. Đôi khi những chuyến "xe buýt lưu động" này cũng phải băng qua những khu vực có tỉ lệ tội phạm cao, vì vậy, những người dẫn đường cũng có thể là cảnh sát.
Phương pháp này cũng được các nước khác như Anh, Úc áp dụng cho bậc tiểu học.
Singapore
"Xe buýt thông minh" thông báo cho cha mẹ khi con của họ đã đến trường.
Có vẻ xe buýt là phương tiện được các nước phát triển đặc biệt ưu ái, Hiệp hội vận tải trường học ở Singapore đang trong quá trình ra mắt một đội hình "Xe buýt thông minh". Phụ huynh sẽ được thông báo vào khoảng mười phút trước khi xe buýt ghé nhà, khi con họ lên xe, và một lần nữa khi chúng đến trường. Hệ thống cũng tự động hiển thị và cung cấp trình điều khiển với dữ liệu lộ trình.
Venezuela - Thủ đô Caracas
Cáp treo đảm bảo sự an toàn của các em học sinh khi không đi qua khu vực nguy hiểm.
Tại San Agustín, một khu ổ chuột nằm ở phía đông Caracas, trẻ em nơi đây sẽ đến trường bằng một hình thức rất độc đáo - cáp treo. Hệ thống cáp treo Caracas Metrocable được xây dựng vào năm 2010 đã rút ngắn thời gian đi từ nhà đến lớp của rất nhiều em học sinh. Thêm vào đó, bọn trẻ có thể tránh được những tình huống xấu khi chạm mặt với các băng đảng bạo lực có thể gặp phải khi đi trên phố.
Pháp và một số nước châu Âu
"Xe buýt đạp" ngày càng trở nên phổ biến ở châu Âu.
Được giới thiệu lần đầu tiên ở Hà Lan, những chiếc xe đạp nhóm - với tám bộ bàn đạp cho trẻ em, một chỗ ngồi cho người lớn và một băng ghế dành cho người không đạp xe - đã được giới thiệu vào năm 2014 ở thành phố Rouen - Pháp. Những chiếc xe này được trang bị một động cơ điện để giúp lũ trẻ băng qua đoạn đường đá và dễ dàng đi lên đồi.
Nhật Bản
Các em nhỏ Nhật Bản đang đứng chờ tàu điện.
Trẻ em Nhật thường tự mình đến trường, và hình thức phổ biến nhất là đi bộ. Bọn trẻ có thể đi một mình hoặc đi chung với những người bạn. Tuy nhiên, đối với những đứa trẻ nhà cách xa trường thì chúng sẽ phải sử dụng đến phương tiện tàu điện ngầm.
Việc bắt gặp học sinh tiểu học đứng chờ xe điện một mình không phải là chuyện lạ ở Nhật. Cassie Kitani, hiệu trưởng một trường tiểu học cho biết: "Nhiều học sinh lớp một của chúng tôi tự đi đến trường một mình. Các bé sẽ đi bộ hoặc xe đạp, cũng có một số em bắt tàu điện ngầm. Ở đây, trẻ em được khuyến khích tự lập ngay từ khi còn nhỏ, việc các em đi học một mình là chuyện bình thường."
Thái Lan
Cũng như Việt Nam, xe máy là lựa chọn hàng đầu của người dân Thái Lan.
Phần lớn trẻ em Thái Lan đều đến trường bằng những chiếc xe hai bánh. Cũng giống như Việt Nam, các em học sinh này hàng ngày đều được ngồi sau yên xe để ba mẹ chở đi học. Tuy nhiên, theo góc nhìn của các nước phương tây, việc đến lớp bằng xe máy này khá rủi ro, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi đa số các em đều không đội mũ bảo hiểm. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận xe máy vẫn là một phương tiện di chuyển thuận tiện và ít tốn kém cho các bậc phụ huynh.
Ấn Độ
Tình trạng nhồi nhét học sinh tại Ấn Độ.
Với tình trạng thiếu hụt xe buýt, học sinh ở Ấn Độ thường bị nhồi nhét vào những chiếc Rickshaw (một loại phương tiện phổ biến ở Ấn Độ, hơi giống xe lam ở Việt Nam) với nhiều rủi ro luôn rình rập. Mỗi chiếc xe như vậy có thể nhồi nhét từ 10 đến 12 em. Mặc dù vi phạm luật an toàn giao thông, nhưng cảnh sát ở Ấn Độ cho rằng việc dừng lại xử phạt những chiếc xe này chỉ khiến cho các em học sinh đến lớp muộn mà thôi.
Mỹ - Thành phố Portland
Thành phố Portland đẩy mạnh phương án đi xe đạp đến trường.
Trong nỗ lực để tìm kiếm các phương án thay thế việc phụ huynh đưa con đi học bằng xe hơi, trường trung học Beaumont của Portland đang xây dựng chương trình cho học sinh đi xe đạp. Các giáo viên sẽ dành tám tuần để hướng dẫn các em lớp sáu về lái xe an toàn và gìn giữ nó; cách đội mũ bảo hiểm cho phù hợp, cách sử dụng tín hiệu bằng tay; giải thích biển báo hiệu và điều hướng giao thông ở các giao lộ.
Phương Phạm