Trang trại chăn nuôi gia súc ở Brazil: Người lao động không có chỗ ngủ tử tế, không nhà vệ sinh, không nước uống và bị ăn chặn lương
Công ty JBS là nơi chuyên xuất khẩu thịt đến 150 quốc gia trên thế giới. Các sản phẩm của hãng được sử dụng làm thịt bò ướp muối đóng hộp và do các nhà bán lẻ như Waitrose, Marks & Spencer, Co-Op, Sainsbury’s, Lidl và Princes phân phối.
Công ty JBS cũng cung cấp gián tiếp cho hãng NHS thông qua Công ty trách nhiệm hữu hạn Marillo Foods. Vào năm ngoái, sau khi nhận hàng từ công ty Marillo, hãng NHS đã bán chịu 162 đơn hàng với tổng số 36.000 hộp thịt bò ướp muối cho nhiều đối tác.
Sau các cáo buộc về tình trạng ngược đãi lao động tại một nông trang ở bang Pará (phía Bắc Brazil), công ty JBS đã ngừng nhập thịt trang trại này.
Các bằng chứng do The Guardian và Repórter Brasil thu thập đã nhắc đến JBS, một trong những công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới. Công ty JBS đã mua gia súc từ một nông trại đang bị chính quyền liên bang điều tra vì tội vắt kiệt sức lao động người công nhân, biến họ chẳng khác gì nô lệ thời hiện đại.
Ngay sau khi thông tin trên được công bố, hãng bán lẻ Waitrose đã lập tức loại bỏ thịt bò ướp muối nhập từ công ty JBS ra khỏi các kệ siêu thị của mình.
Theo các tài liệu chính thức của The Guardian và Repórter Brasil, công ty JBS đã chi 2 triệu bảng Anh (khoảng 57 tỷ đồng) trong thời gian từ 2013 đến 2016 để mua gia súc tại một nông trang ở bang phía bắc Pará. Sau quá trình điều tra, các công tố viên kết luận rằng, công nhân ở trang trại này đã bị bóc lột sức lao động thậm tệ theo đúng định nghĩa do luật Brazil đưa ra.
Trong nhiều lần kiểm tra đột xuất vào tháng 6/2016, các công tố viên cho hay, chủ trang trại đã đối xử vô đạo đức, hạ thấp nhân phẩm công nhân. Người lao động không có chỗ ngủ tử tế, không nhà vệ sinh và cũng không có nước uống. Công tố viên tin rằng, các công nhân này đang sống trong cảnh nợ nần. Tiền lương của họ bị khấu trừ cho các khoản tiền ăn và thiết bị bảo vệ một cách bất hợp pháp.
JBS đáp trả lại lời cáo buộc
Antônio Carlos de Mello Rosa, người đứng đầu Tổ chức Lao động quốc tế phụ trách việc chống lại tình trạng nô lệ hoá lao động ở Brazil, cực lực lên án công ty JBS vì đã cố tình giấu giếm, không khai báo thực trạng nô lệ hoá ở nông trang của gia đình Junqueira với chính phủ. Ông cho rằng, các công ty phải có trách nhiệm giám sát các chuỗi cung ứng của chính mình.
Trước đây, chủ trang trại Antônio José Junqueira Vilela Filho từng bị phạt đến 29 triệu bảng Anh (khoảng 826,5 tỷ đồng) do đã thiêu rụi một khu rừng nhiệt đới có diện tích tương đương khu vực trung tâm London.
“Bất cứ ngành kinh tế nào cũng phải tự điều chỉnh cũng như sử dụng danh sách đen để kiểm tra liệu tình trạng ngược đãi lao động có diễn ra trong chuỗi cung ứng của họ hay không”, ông nói.
Đáp lại lời cáo buộc của tờ The Guardian, công ty JBS nói rằng, nông trang này không nằm trong danh sách đen của chính phủ về tội đày ải lao động như nô lệ. JBS còn nói thêm rằng, họ đã dừng mua các sản phẩm từ trang trại đó sau các vụ kiểm tra đột xuất.
Họ khẳng định: “Công ty JBS tuyệt đối không mua gia súc từ bất cứ nông trang nào có liên quan đến hành vi ngược đãi lao động do chính phủ Brazil liệt kê”.
Về phía hãng bán lẻ Waitrose, người phát ngôn hãng cho hay: “Mặc dù chúng tôi không nhận thấy bất cứ mối quan ngại nào đối với chuỗi cung ứng của mình. Vào tháng 4/2017, chúng tôi đã tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. Cuối cùng, chúng tôi quyết định ngừng nhập thịt bò ướp muối mặc dù chúng tôi đã điều tra rất cẩn thận”.
Những hãng bán lẻ khác đều có động thái phù hợp đối với nạn bóc lột lao động tại Brazil: Lidl và the Co-op đang điều tra chuỗi cung ứng nội bộ; M&S đã chấm dứt mua thịt bò ướp muối từ Brazil vào cuối năm 2016; còn Sainsbury’s và Princes được điều hành theo đúng các tiêu chuẩn toàn cầu và phù hợp với các quy tắc đạo đức.
Cảnh chăn nuôi gia súc tại bang Pará (Brazil)
Hơn 13.000 lao động đã được giải cứu khỏi tình trạng nô lệ thời hiện đại trong các trang trại gia súc ở Brazil vào năm 1995.
Các dư luật được trình lên quốc hội vào những tháng gần đây nhằm định nghĩa lại những điều kiện cấu thành chế độ nô lệ thời hiện đại trong luật Brazil ngày càng thu hút sự quan tâm của công chúng. Những đề xuất thay đổi gồm có việc cho phép chủ doanh nghiệp trả lương cho người lao động bằng đồ ăn và chỗ ở, cho phép người làm thuê làm việc 18 ngày không nghỉ và loại bỏ các từ ngữ “các ca làm việc kiệt sức” và “những điều kiện tồi tệ” ra khỏi luật hiện hành.
Hiệp hội Bán lẻ tại Anh đang kêu gọi chính phủ phải đề cao quyền con người và bảo vệ môi trường trong các ngành công nghiệp xuất khẩu.
Một người phát ngôn của hội cho rằng, “Mặc dù nước Anh đang đối phó với các thách thức lớn nhưng Anh đã dẫn đầu nhiều nỗ lực nhằm giải quyết tình trạng nô lệ thời hiện đại bằng luật pháp và việc thực thi luật pháp”.
Minh Phương Spiderum