Trấn Thành nói không sai, hãy tắt tivi nếu thấy nhảm nhưng anh lại quên mất điều này!
Rẻ tiền, nhảm nhí sao vẫn xem?
Thực trạng các gameshow truyền hình hiện nay ra sao có lẽ không còn cần phải bàn cãi thêm. Bởi có nhiều những ồn ào, những scandal liên quan đến các gameshow. Từ chuyện BTC sắp xếp kết quả chung cuộc, chuyện BTC lấy đời tư của từng thí sinh ra để làm chiêu trò câu khách rẻ tiền, chuyện những nghệ sĩ "hát chưa sạch nước cản" (chữ của nhạc sĩ Phú Quang) đã ngồi trên ghế nóng huấn luyện những thí sinh mà tài năng và nền tảng đạo tạo đều vượt xa mình. Và dĩ nhiên, chuyện về hài nhảm phủ sóng khắp các kênh.
Nhưng nhắc đến gameshow hài nhảm thì vô hình chung đã đụng tới Trấn Thành. Bởi ai lạ gì chuyện Trấn Thành với Trường Giang là cặp bài trùng tung hoành từ gameshow này tới gameshow khác. Không ít lần họ đã được công chúng nhắc nhở. Từ việc Trấn Thành và Trường Giang mang chuyện cơ thể chuyển giới của Hương Giang Idol ra đùa bỡn là "sặc mùi silicon" hay chế giễu "không có khả năng sinh con" ngay trước mặt nữ ca sĩ. Từ việc Trấn Thành và Trường Giang hết chuyện tấu hài phải mang cả các cô bạn gái cũ mới ra để châm chọc nhau trên sóng truyền hình. Từ việc Trấn Thành ngồi trên chiếc ghế cầm cân nảy mực trao giải cho anh chàng thí sinh "hotboy trà sữa" nhờ một câu chửi bậy nhưng lại giải thích với công chúng rằng cười hay không cười là quyền cảm nhận của mỗi người. Dĩ nhiên, những ví dụ ấy chỉ là những "vấn đề nho nhỏ" trong chuỗi series chương trình mà Trấn Thành làm host. Ngoài những "vấn đề nho nhỏ" ấy thì Trấn Thành đã làm cho người xem cười. Chứ không tự nhiên Trấn Thành lại nổi tiếng đến thế, đắt show đến thế, quyền lực đến thế.
Ấy thế mà, chỉ vì vài cái "vấn đề nho nhỏ" ấy mà người ta phủ nhận sạch trơn tài năng của anh, sự cố gắng nỗ lực của anh. Đúng như anh nói "các anh chị xem cả một mùa vui tươi không sao, chỉ một vấn đề nho nhỏ là các anh chị cho là lố lăng nhảm nhí".
Nếu thực là lố lăng, nhảm nhí, sao các anh chị không tắt tivi?
Nếu thực là lố lăng, nhảm nhí, sao các anh chị không tắt tivi?
"Ti vi là của chung, chúng ta nên chọn lọc mà xem. Các anh chị thấy cái nào nhảm nhí thì cứ tắt ti vi!". Chỉ vì câu nói này mà Trấn Thành bị "mắng mỏ". Nhưng hãy nghĩ kĩ lại mà xem, anh ấy nói đúng đấy chứ. Hiện nay hầu như nhà nào cũng có truyền hình cap, có thể xem từ vài chục đến vài trăm kênh truyền hình cả trong lẫn ngoài nước. Có quá nhiều sự lựa chọn cho khán giả truyền hình. Cớ gì họ cứ phải xem các gameshow để mà bức xúc vì sự lố lăng nhảm nhí. Rồi chửi bới, rồi lại xem và rồi lại bức xúc, rồi lại chửi bới? Cớ gì khán giả phải tự hành hạ cảm xúc và tinh thần của mình?
Khán giả muốn lên tiếng để nhà đài phải thay đổi, phải hủy bỏ các gameshow nhảm ư? Cách tốt nhất là không xem, tắt tivi hoặc chuyển kênh. Khi không có ai xem thì các gameshow nhảm tự sẽ chết. Bởi nhà sản xuất không còn thu được lời từ quảng cáo nữa. Thế nhưng, rõ ràng người ta vẫn xem. Con số rating có thể không chính xác với tình hình thống kê của Việt Nam. Nhưng sự tương tác giữa người xem với chương trình thông qua các tin tức trên báo chí, lượt xem lại trên youtube, bình luận và like trên mạng xã hội thì không làm giả được. Và thực tế, người ta không chỉ vẫn xem mà còn xem rất nhiều.
Trấn Thành không sai khi khuyên khán giả hãy tắt tivi nếu thấy nhảm
Trấn Thành lại nói đúng khi khẳng định những người đánh giá gameshow hài đang nhảm chỉ là một bộ phận nào đó thôi, chứ không đông. Bởi "nếu bộ phận đó quá đông thì tôi tin chắc gameshow đó đã bị tẩy chay từ lâu rồi".
Niềm tin của Trấn Thành không hề sai.
Thực tế, những khán giả đủ trình độ để nhận ra cái nhảm nhí lố lăng của các gameshow hài và nhiều gameshow khác hiện nay không phải số đông. Bởi nếu họ là số đông, những gameshow nhảm đã không còn đất sống trên truyền hình. Gameshow truyền hình sống được là nhờ sự dễ dãi của số đông có trình độ thưởng thức nghệ thuật lẫn nhu cầu giải trí tinh thần thấp.
Nghệ sĩ dễ dãi hay công chúng dễ dãi?
Sự dễ dãi của công chúng là lí do vì sao nhiều gameshow rẻ tiền đấy, nhảm nhí đấy mà người ta vẫn xem. Có cầu thì có cung, các ông lớn trong ngành giải trí không ngừng sản xuất ra những sản phẩm đáp ứng nhu cầu "vui nhanh gọn" của khán giả. Những nghệ sĩ ngôi sao hàng đầu được tung ra, những nhân vật nổi tiếng (kèm thêm tai tiếng thì càng tốt) cũng được tung ra. Đó không phải những đám đông đang quan tâm thì còn ai vào đây nữa. Nhất là trong thời đại thế giới phẳng nhờ mạng xã hội, người ta có nhu cầu rất lớn được bình luận, được thể hiện quan điểm, được phán xét ai đó, vụ việc gì đó để thể hiện cái tôi của mình. Gameshow có tất cả những điều ấy để phục vụ đám đông. Và thay cho tôn chỉ của truyền hình truyền thống là "vấn đề này có lợi cho công chúng hay không?" sẽ là tôn chỉ hợp thời đại: "vấn đề này có thu hút sự quan tâm của công chúng hay không?". Thu hút, hấp dẫn là đủ, đúng và duy nhất với một gameshow truyền hình thực tế.
Dĩ nhiên, sẽ phải có một thế hệ nghệ sĩ được hình thành để phục vụ tôn chỉ đó và đám đông đó. Thời gian đầu, thông thường các gameshow sẽ mời những nghệ sĩ nổi tiếng và có uy tín chuyên môn tham gia để tạo vị thế cho chương trình. Nhưng không khó để nhận thấy, những nghệ sĩ như thế chỉ làm vài lần là rút lui. Bởi họ không thể bán cái danh ba đồng cho những thứ giải trí mà họ biết rõ là không cao như thứ nghệ thuật mà họ theo đuổi. Song, vẫn có những người đánh đổi. Đó là lựa chọn của riêng họ.
Giá trị của người nghệ sĩ chính là nằm ở sự lựa chọn đó. Một người nghệ sĩ khó tính, tôn trọng khán giả và có trách nhiệm với đời sống giải trí tinh thần của xã hội sẽ luôn mong muốn được nâng cấp nó lên bằng tài năng và thiện tâm của mình. Ngược lại, một nghệ sĩ dễ dãi sẽ luôn duy trì bản thân ở mức trung bình và thấp cho ngang bằng với trình độ thưởng thức nghệ thuật của số đông, thậm chí còn mong muốn cái vạch thưởng thức ấy cứ thấp mãi như thế để không bao giờ phải lo mất fan hâm mộ. Một bên luôn khao khát "đỉnh cao". Một bên sợ hai chữ "đỉnh cao" và tìm cách để hạ thấp "đỉnh cao". Đôi khi, bên sợ "đỉnh cao" còn lấy công chúng bình dân làm bình phong, rằng họ không làm nghệ thuật cho thiểu số, họ làm nghệ thuật cho đa số.
Công chúng rõ ràng là dễ dãi. Nhưng nhiều nghệ sĩ lại hùa theo sự dễ dãi ấy mà mừng thầm. Có lúc ảo tưởng rằng họ mới là "nghệ sĩ của nhân dân".
Ai giúp Trấn Thành ngạo mạn?
Trở lại phát ngôn gây tranh cãi của Trấn Thành, nhiều người cho rằng nam MC kiêm diễn viên đã quá ngạo mạn khi dửng dưng khuyên người ta tắt tivi nếu không thích. Nhưng ai đã giúp Trấn Thành có được sự ngạo mạn ấy. Chính là những người không tắt tivi bất kể vì thích hay không.
Trấn Thành cũng chẳng phải trường hợp đầu tiên. Nam diễn viên hài hàng đầu miền Bắc - nghệ sĩ Xuân Bắc - cũng đã từng "vạ miệng" khi đăng đàn trên trang cá nhân mời mọi người xem ca nhạc vào 20g ngày 30 Tết năm sau vì Táo quân bị chê nhạt. Đồng thời tự nhận "bọn tớ hết động lực để làm rồi và thực ra là bọn tớ không đủ trình độ để làm mặn hơn", sau đó gửi một danh sách các chương trình truyền hình khác theo lứa tuổi để gợi ý cho khán giả chọn lựa. Hành động của Xuân Bắc bị xem là coi thường khán giả, giống như phát ngôn của Trấn Thành mới đây.
Nghệ sĩ Xuân Bắc từng "vạ miệng" khi tuyên bố mời khán giả xem ca nhạc vào đêm 30 Tết năm sau
Dĩ nhiên, một nghệ sĩ đủ lớn sẽ không phát ngôn như thế. Danh ca Hương Lan trong bức tâm thư gửi Việt Hương liên quan đến chuyện tấu hài thô tục tại đám cưới Đình Bảo đã nói, đại ý rằng: một người nghệ sĩ phải nỗ lực và cố gắng không ngừng để chinh phục công chúng, nhiều khi phải cố gắng cả đời mà không được phép nản lòng, dễ dãi. Làm được điều này rất khó. Làm công chúng cười vui trong chốc lát thì chẳng khó gì, khiến họ phải yêu quý, mến mộ và trân trọng mới thực là khó. Và có lẽ bởi khó nên nhiều nghệ sĩ đã chọn cách bỏ qua. Họ cũng chẳng ngại nếu cái nhóm họ bỏ qua cũng bỏ qua họ. Họ công khai giơ tay bình thản đầu hàng và dằn dỗi "bọn tớ hết động lực rồi", xem thì xem không xem thì thôi.
Nhưng lạ thật, người ta vẫn xem. Và nhờ thế Trấn Thành vẫn cứ nổi tiếng. Nổi tiếng đến độ ấy thì đương nhiên có quyền ngạo mạn, đôi khi thêm chút ảo tưởng.
Và vì người ta vẫn xem và cứ cười rưng rức nên Trấn Thành đương nhiên sẽ nghĩ tiếng cười của mình là trí tuệ. Anh thậm chí còn khẳng định hài rất khó vì chỉ có thể làm người ta cười một lần, xem đến lần thứ hai thì người ta không cười nữa. Anh quên mất tiêu có những bộ phim hài như Đến thượng đế cũng phải cười khiến người ta xem trăm lần vẫn cười. Anh quên có những chương trình ở Việt Nam thôi, như Đời cười của Nhà hát Tuổi trẻ những số đầu tiên khiến khán giả xem lại bao nhiêu lần vẫn ôm bụng ngặt nghẽo. Anh quên hài trí tuệ là cái hài càng xem càng ngẫm thì càng cười, càng trải nghiệm nhiều càng hiểu biết sâu lại càng cười. Anh quên hết, anh chỉ nhớ mỗi tiếng cười dễ dãi của mình.
Anh quên hết, anh chỉ nhớ mỗi tiếng cười dễ dãi của mình.
Nhưng mà thôi. Thích thì xem không thích thì tắt tivi.
Chỉ có điều, nếu các nghệ sĩ giống Trấn Thành không chỉ nghĩ đến sự tung hô tức thời của đám đông bao gồm các fan hâm mộ mê cuồng mà nghĩ đến cả sự trân trọng và biết ơn của công chúng dành cho mình khi tuổi đời nghệ thuật đã xế chiều thì họ sẽ nói khác, hành động khác. Trừ phi, người ta chả cần được trân trọng hay biết ơn. Cứ hào quang đầy đầu và bạc tiền đầy túi cái đã. Mọi sự tính sau.
Pink