Trấn Thành bị Đài truyền hình Vĩnh Long "cấm cửa": Chẳng oan uổng gì!
Hành động của Đài truyền hình Vĩnh Long với Trấn Thành, cũng để khẳng định rằng, sóng truyền hình không phải là nơi để nghệ sĩ muốn làm gì thì làm.
Khi thông tin Trấn Thành bị Đài truyền hình Vĩnh Long từ chối xuất hiện không chỉ với vai trò huấn luyện viên cho một gameshow giải trí dành cho thiếu nhi, mà với hầu hết các chương trình khác thời điểm này, trên mạng có nhiều ý kiến trái chiều.
Sự hoan hỉ dành cho nghệ sĩ vốn có phát ngôn có vẻ "thách đấu" rằng: "Nếu thấy hài nhảm thì hãy tắt tivi" trước lệnh trừng phạt này khá nhiều. Nhưng sự bênh vực không phải là ít. Có người cho rằng: "Sao cứ phải cấm nghệ sĩ? Các nước văn minh đều tôn trọng tự do phát ngôn cơ mà?".
Có người lại cho rằng, Đài truyền hình Vĩnh Long đang "ăn miếng trả miếng" với phát ngôn trước đây của Trấn Thành, rằng "nếu thấy chương trình hài nhảm thì hãy tắt tivi".
Trấn Thành chưa lên tiếng sau thông tin bị Đài truyền hình Vĩnh Long cấm.
Cùng nhìn lại lý do mà Đài truyền hình Vĩnh Long nói "không" với Trấn Thành thời điểm này: Hình ảnh Trấn Thành đã không còn đẹp và "trượt dài" (từ dùng của Giám đốc đài TH Vĩnh Long Lê Quang Nguyên) từ sau vụ "Tô Ánh Nguyệt remix".
Hành động này của Đài Vĩnh Long, được hiểu là một quyết định không thoả hiệp với thị hiếu số đông, cũng đồng nghĩa với việc không tạo điều kiện cho những sản phẩm bị kém giá trị (hoặc bị làm cho kém giá trị) được dễ dãi xuất hiện trên sóng.
Có "oan uổng" gì với Trấn Thành không? Theo tôi là không. Danh tiếng của không ít các nghệ sĩ xứ ta đều có phần đóng góp không nhỏ của sóng truyền hình. Thì giờ đây, khi họ đi quá đà, thì bản thân nhà đài cũng cần có những hành động chấn chỉnh họ, mà trong đó, cấm lên sóng cũng là một cách.
Bởi khi sóng truyền hình là chiếc cầu bắc cho nghệ sĩ đến với khán giả, thì việc không để những đôi chân chưa đủ sạch đi trên chiếc cầu đó, là một việc nên làm. Đó cũng là việc tôn trọng khán giả.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc từ nay, Trấn Thành, ít nhất là trên sóng một đài truyền hình, không còn cơ hội để bỡn cợt với bạn bè về những điều anh cho là "bình thường" nhưng khá giả thì lại thấy không bình thường.
Xin đừng nghĩ nhà đài khó tính trong trường hợp này. Nếu không muốn nói, nhà đài xứ ta vốn đá rất dễ tính với các nghệ sĩ lắm rồi. Ở một số nước mà thị trường giải trí phát triển và thái độ với nghệ sĩ được cho là cởi mở, thì việc cấm cản cũng đã diễn ra như cơm bữa.
Nhóm nhạc trẻ Block B bị các đài truyền hình ở Hàn Quốc cấm lên sóng khi có những phát ngôn đùa cợt quá chớn về các nạn nhân bị lũ lụt tại Thái Lan.
Cặp vợ chồng Natalia Kills và Willy Moon, trên sóng chương trình X - Factor Newzealand đã có những lời lẽ xúc phạm đến một thí sinh, đã bị sa thải ngay lập tức và phải rời xứ sở này để trốn dư luận trong những sự chỉ trích gay gắt từ phía khán giả.
Tự do ngôn luận khác với phát ngôn coi thường người khác, coi thường khán giả. Hãy nghiêm khắc với nghệ sĩ để họ biết được giới hạn của ứng xử và đạo đức người của công chúng nằm ở đâu.
Hoàng Nguyên Vũ