Trái với các nước giàu ở châu Âu, thế hệ trẻ ở Na Uy đang giàu có hơn cha mẹ họ
Những người trẻ tuổi ở các nước phương Tây đang trên đường trở thành thế hệ đầu tiên nghèo hơn cha mẹ họ. Làm thế nào millennials ở Na Uy lại đi ngược lại với xu hướng này?
Các khoản nợ học phí đại học và chi phí nhà ở tăng cao là lo lắng chung của những người sinh đầu những năm 1980 đến đầu những năm 2000 ở Mỹ, Anh và nhiều quốc gia khác. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhóm tuổi này sẽ là thế hệ đầu tiên nghèo hơn những thế hệ trước.
Millennials ở Mỹ có thu nhập sau thuế thấp hơn 5% so với thế hệ trước, ở Đức là 9%. Đối với những quốc gia Nam Âu, thu nhập sau thuế đã giảm tới 30%.
Nhưng ở quốc gia cực bắc của châu Âu, mọi thứ hoàn toàn khác biệt. Nổi tiếng với Viking, các môn thể thao mùa đông và các vịnh hẹp tuyệt đẹp, Na Uy hiện còn được biết đến với danh hiệu nền kinh tế lớn duy nhất ở châu Âu nơi những người trẻ tuổi đang ngày càng giàu có hơn thế hệ trước.
Những người Na Uy ở độ tuổi đầu 30 có thu nhập hộ gia đình sau thuế bình quân khoảng 56.200 USD. Những người Na Uy trẻ tuổi đang được hưởng mức tăng 13% trong thu nhập hộ gia đình sau thuế so với thế hệ X (những người sinh ra trong giai đoạn 1966 – 1980) khi họ cùng độ tuổi.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Na Uy (trong độ tuổi từ 15 – 29 tuổi) cũng tương đối thấp ở mức 9,4% so với con số trung bình của OECD là 13,9%.
Những con số đáng kinh ngạc này tới từ dữ liệu so sánh sự giàu có lớn nhất thế giới, Cơ sở dữ liệu thu nhập Luxembourg, và được phân tích trong một báo cáo gần đây về thu nhập giữa các thế hệ cho Think Tank The Resolution Foundation của Anh.
Sự khác biệt của Na Uy
Một phần tạo nên sự khác biệt cho những người trẻ tuổi ở Na Uy là sự phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia Bắc Âu này. Sau khi tăng trưởng mạnh mẽ nhất về thu nhập trung bình trong số các nền kinh tế có thu nhập cao trong giai đoạn 1980 – 2013, Na Uy hiện đang dẫn đầu nhiều bảng xếp hạng toàn cầu về sự giàu có và sức khỏe toàn diện. Nhờ những thành tựu trước đó, quốc gia này đã vượt qua được suy thoái kinh tế toàn cầu.
Vào năm ngoái, Na Uy đã đứng đầu chỉ số thịnh vượng Legatum, bảng xếp hạng phân tích 110 quốc gia trên thế giới. Ngành dầu khí khổng lồ của Na Uy là nhân tố đứng sau sự bùng nổ kinh tế của quốc gia Bắc Âu trong 30 năm qua, sau những khám phá lớn ở Bắc Hải.
Bà Hilde Bjørnland
Theo Hilde Bjørnland, một giáo sư kinh tế tại một trường đại học ở Oslo, nguyên nhân thành công của Na Uy không nằm ở số tiền quốc gia này kiếm được mà nằm ở cách số tiền này được chi tiêu như thế nào. Na Uy đã sử dụng số tiền từ dầu khí một cách hiệu quả bằng cách tiết kiệm, sử dụng một phần trong số đó để đầu tư lại vào xã hội. Do đó, thay vì chỉ một vài người trở nên giàu có, nhiều người dân Na Uy đều được hưởng lợi.
Na Uy đã làm được điều này nhờ trữ tiền trong quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Nói một cách đơn giản, đây là một quỹ tiết kiệm khổng lồ kiếm tiền bằng cách đầu tư vào hơn 9000 công ty. Hiện giá trị của quỹ đầu tư này là khoảng 1 nghìn tỷ USD.
Bên cạnh quỹ đầu tư quốc gia, thuế được giữ ở mức cao và Na Uy có cấu trúc tiền lương nén – mức lương tối thiểu được thương lượng bởi các công đoàn. Bjørnland cho biết: “Những người trẻ tuổi và những lao động làm việc trong các ngành công nghiệp trả lương thấp được tăng lương mỗi năm…và sự khác biệt giữa những người kiếm ít tiền và những người kiếm nhiều tiền không lớn như ở các nước khác.”
Thêm vào đó, bằng cách tiếp cận bình đẳng, Na Uy đã làm gia tăng mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân và giảm tình trạng bất ổn xã hội. Các khoản thanh toán phúc lợi cao và chăm sóc sức khỏe được trợ cấp nhiều cũng giúp cho các millennials ở Na Uy có lợi thế hơn so với những người đồng trang lứa tại các quốc gia châu Âu khác.
Trợ cấp thất nghiệp của Na Uy cũng rất hào phòng: cho phép nhiều người nhận được khoảng 60% lương công việc trước đó của họ trong 2 năm, khi họ tìm kiếm việc làm mới. Cũng giống như các nước Bắc Âu khác, chi phí chăm sóc trẻ em thấp và một hệ thống nghỉ thai sản chung cho các bậc phụ huynh cũng đảm bảo tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao.
Giáo dục miễn phí tại hầu hết các trường học và trường học công lập cũng như tiếp cận dễ dàng đến các khoản vay (người vay không phải trả lãi khi họ đang đi học) cùng với tỷ lệ việc làm cao cho sinh viên cũng là các lý do giải thích cho sự khác biệt của Na Uy.
Theo Bjørnland, những thanh thiếu niên đang đi học ở Na Uy cũng có thể kiếm được việc làm thêm. Điểm khác biệt là các công việc tạm thời này đem lại thu nhập cao hơn cho giới trẻ Na Uy so với các nước phương Tây khác.
Gabriella Sanzana – sinh viên 27 tuổi đến từ Chile đang làm phục vụ bàn bán thời gian
Đồng tình với giáo sư Bjørnland, Gabriella Sanzana – sinh viên theo học bậc thạc sĩ về nhân quyền, 27 tuổi đến từ Chile đang làm phục vụ bàn bán thời gian – chia sẻ: “Không khó để tìm được việc làm ở đây và họ luôn trả lương cao. Vì vậy, nó giúp ích rất nhiều để trang trải đời sống giải trí cũng như học tập của bạn. Tôi phải trả rất nhiều thuế, nhưng tôi không thực sự quan tâm lắm, vì tôi biết rằng (nhà nước) cũng sẽ đem lại rất nhiều thứ cho bạn.”
K Nguyễn