TP. HCM: Đề nghị làm rõ những khuất tất tại dự án trạm bơm chống ngập đường Kinh Dương Vương
“Vá lỗi” dự án chống ngập nghìn tỷ
Trong giai đoạn 2016- 2017, Thành phố HCM đã chi hơn 730 tỉ đồng để thực hiện dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ vòng xoay Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, dài 3,5 km).
Sau đại dự án được hoàn thành, đến mùa mưa năm 2017, toàn tuyến đường này “mèo vẫn hoàn mèo”, ở trong tình trạng ngập nặng. Đã vậy, việc nâng mặt đường cao hơn so với cốt cũ từ 0,4 - 1,2 m, đã làm ảnh hưởng tới tất cả những công trình xây dựng dọc tuyến đường vì đều thấp hơn vỉa hè 0,6-1 m.
Nhiều năm nay người dân 2 bên đường Kinh Dương Vương khốn khổ vì dự án chống ngập nghìn tỷ.
Không chống được ngập, lại làm ảnh hưởng đến sinh hoạt của cả vạn người dân, dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương trở thành tâm điểm, được dư luận đặc biệt quan tâm, đặt dấu hỏi về năng lực, cũng như giải pháp của nhà chức trách.
Phương án “vá lỗi” được TP.HCM đưa ra là đầu tư trạm bơm gần 180 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án cải tạo kênh Ba Bò được Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP. HCM ủy quyền làm chủ đầu tư.
Ngày 08/6 và ngày 22/8/2018, ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM lần lượt ký các quyết định số 2904/QĐ-SGTVT và số 4788/QĐ-SGTVT phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (gói thầu xây lắp 4- xây dựng trạm bơm, giá trị dự toán là gần 112 tỉ đồng); Phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (gói thầu thiết bị- cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm, giá trị dự toán là trên 66 tỉ đồng). Theo đó, hồ sơ được phát hành từ ngày 30/8 đến ngày 25/9 thì đóng thầu.
Cả hai gói thầu đều do Cty TNHH tư vấn thiết kế BR và Cty Cổ phần tư vấn xây dựng Thủy lợi- Thủy điện Nam Việt (trụ sở tại TP. HCM) làm nhà thầu lập thiết kế.
Công nghệ lạc hậu nhưng giá... cao?
Tuy nhiên, sau khi hồ sơ mời thầu được phát hành đã có những lùm xùm về việc chủ đầu tư “xé” thành hai gói riêng biệt là bất thường, thiếu đồng nhất có thể ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Theo đó, gói thầu có 8 máy bơm (mỗi máy bơm lưu lượng q=6.000 m3/h), tổng lưu lượng Q=48.000 m3/h) được phê duyệt là loại máy ly tâm trục ngang, động cơ điện… để hoạt động được, 8 máy bơm này cần có thêm 2 máy bơm mồi.
Bất thường ở chỗ, theo bài thầu, đây là loại máy bơm ly tâm trục ngang thuộc công nghệ cũ những năm 1990 thế kỷ trước.
Một chuyên gia đánh giá, loại bơm này tiêu tốn điện năng, hiệu suất kém, bơm cần phải mồi, nếu nắp P hở, không khí lọt vào bơm sẽ bị E (không thể vận hành, lên nước). Nếu sử dụng trong lĩnh vực chống ngập không phù hợp vì nước ngập có nhiều rác dễ làm hở nắp P và bơm bị E.
Trong khi đó, công nghệ phổ biến hiện nay các loại máy bơm chìm, trục đứng có công suất lớn, hiệu suất cao, không tốn diện tích lắp đặt, và đặc biệt không cần bơm mồi mà vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của bài thầu.
Mặt khác, đối chiếu với báo giá mà phóng viên thu thập của một số hãng cung cấp máy bơm ly tâm trục ngang, giao hàng tại TP. HCM thì chỉ có từ 3 tỉ - 8 tỉ đồng cho 10 máy bơm có thông số kỹ thuật tương tự như máy bơm được mời thầu của Sở GTVT TPHCM?
Trong khi đó, dự toán chủ đầu tư đưa ra là 66 tỷ đồng cho 8 máy bơm trục ngang, cùng thiết bị bổ trợ, công nghệ lạc hậu. Tại sao có sự chênh lệch lớn như vậy?
Nhiều dấu hiệu hạn chế nhà thầu
“Không những thế tại trang 22, mục 7 Hồ sơ mời thầu còn ghi rõ loại máy bơm SZ Model hãng bơm Ebara sản xuất, là vi phạm luật đấu thầu, hạn chế sự cạnh tranh của các sản phẩm tốt hơn”, một nhà thầu bức xúc cho biết.
Việc ghi rõ nhãn mác, chủng loại hàng hóa đã tạo lợi thế cho hàng hóa của một nhà sản xuất như trên là ngược với Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 4/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn Nhà nước”.
Ngoài ra, chủ đầu tư còn đưa tiêu chí nhà thầu phải có 02 hợp đồng cung cấp lắp đặt thiết bị cho trạm bơm (có đường ống và hệ thống điện điều khiển). Tiêu chí này bị nhà thầu “tuýt còi” không minh bạch bởi thông báo mời thầu là hàng hóa nhưng yêu cầu phải có năng lực về “xây lắp”, vi phạm Nghị định 63 và Luật Đấu thầu, gây ra tình trạng cạnh tranh không công bằng đối với các đơn vị tham gia.
Đặc biệt, chủ đầu tư còn yêu cầu nhà thầu phải có bể thử bơm là vô lý vì máy bơm đã có quy chuẩn được nhà sản xuất công bố. “Đây là rào cản được dựng lên để hướng đến số ít nhà thầu”- nhà thầu quan tâm đến gói thầu bức xúc tố.
Ngoài việc, đưa ra những tiêu chí “giời ơi”, chủ đầu tư còn có dấu hiệu của việc gian lận chênh lệch về giá dẫn đến việc thất thoát ngân sách, nguy hiểm hơn là công trình nếu sau này được đưa vào sử dụng không đạt hiệu quả thì cả nghìn tỷ chi chống ngập trên tuyến đường này chả khác hạt muối bỏ bể?
Vì vậy, nhà chức trách TP. HCM cần sớm vào cuộc xác minh trách nhiệm của đơn vị tư vấn nêu để làm sáng tỏ những ghi vấn nêu trên nhằm kiên định trong mục tiêu đang rất cấp bách là: “Chống ngập”.
PV