TP. HCM: Bệnh tay chân miệng lại vào mùa
Theo BS. Dũng – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP. HCM, số trường hợp mắc bệnh TCM tuần qua đã bắt đầu tăng, lên gần 170 ca/tuần, tăng khoảng 20 ca so với trung bình 4 tuần trước. Thống kê của BV Nhi đồng 1 TP. HCM cho thấy, hiện mỗi ngày Khoa Nhiễm - Thần kinh có 50 – 60 trẻ điều trị nội trú nỗi ngày, tăng gấp đôi so với các tuần trước.
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng đã tăng nhanh ở TP. HCM trong 2 tuần qua. (Ảnh: Nguyên Mi)
BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 cho rằng đến thời điểm này số ca bệnh TCM chưa tăng hơn so với cùng kỳ năm 2016 nhưng có nhiều ca bệnh nặng, phải thở máy. Đa số trẻ đến khám, có nhiều em nặng (độ 3). BS. Khanh khuyến cáo nếu trẻ sốt cao quá 2 ngày không hạ, giật mình, yếu tay chân, khó thở, nôn ói… thì phải đi bệnh viện.
Trẻ mắc bệnh TCM thì cho ăn lỏng, làm mát sữa cho trẻ trước khi uống, tránh ăn nóng, cay. Phòng bệnh hiệu quả nhất là rửa tay thường xuyên và tạm cách ly ca bệnh. Các bậc phụ huynh khi thấy trẻ hay quấy khóc, giật mình choáng váng, nổi bóng nước tay, chân, miệng, sốt cao... thì nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời, tránh biến chứng thần kinh. Theo các bác sĩ, bệnh TCM sẽ kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm.
Tại Đồng Nai, bệnh TCM cũng đang có xu hướng tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay Đồng Nai ghi nhận hơn 4.700 trẻ bệnh TCM, tăng 150% so cùng kỳ năm ngoái, nhiều nhất ở Biên Hòa. 8 tháng đầu năm toàn tỉnh có hơn 4.700 trẻ bệnh TCM, gần 2.000 bé phải nhập viện, nhiều nhất là ở thành phố Biên Hòa với khoảng 1.400 ca.
Đỉnh dịch bệnh TCM ở khu vực phía Nam thường từ tháng 3 – 5 và vào mùa tựu trường từ tháng 8 –T9. Các chuyên gia cho rằng có thể thời tiết năm nay nắng mưa thất thường làm tăng đột biến bệnh TCM và sớm hơn so với chu kỳ đỉnh dịch các năm trước. Dự đoán từ nay đến cuối năm dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.
Để phòng dịch TCM mùa tựu trường, các trường mầm non cần vệ sinh, khử trùng phòng học và đồ chơi. Cách phòng bệnh đơn giản nhất là thường xuyên rửa sạch bàn tay của trẻ và người chăm sóc bằng nước, xà phòng, vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn hàng tuần đồ chơi, vật dụng, nơi sinh hoạt của trẻ.
Trẻ bị TCM nên nghỉ học từ 7 – 10 ngày để tránh lây truyền cho các em khác. Cho bé ăn thực phẩm lỏng dễ tiêu, dùng thuốc giảm đau hạ sốt theo chỉ định. Không kiêng tắm mà phải giữ vệ sinh, tắm với xà phòng sát khuẩn và trong phòng kín gió.
Phương Nguyên (t/h)