Toan tính thực sự của Bắc Kinh khi chế tạo tên lửa phòng không "Patriot Trung Hoa"
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung - xa mang mã định danh HQ-22 được giới thiệu lần đầu trong buổi lễ duyệt binh quy mô lớn tại căn cứ huấn luyện Chu Nhật Hòa nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).
Mới đây trong một cuộc triển lãm giới thiệu các tổ hợp tên lửa phòng không đang phục vụ trong Quân đội Trung Quốc, HQ-22 đã chính thức được đặt cạnh S-300PMU, HQ-9 cùng nhiều chủng loại khác, dấu hiệu nó đã chính thức được chấp nhận đưa vào biên chế chiến đấu.
Sau đó không lâu, truyền thông Trung Quốc đã đăng tải nhiều bức ảnh về việc lực lượng phòng không nước này triển khai các khẩu đội HQ-22 tại những trận địa HQ-2 cũ đồng thời tiến hành bắn đạn thật nghiệm thu, đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vũ khí trên đã thực sự trực chiến.
Với hình dáng của ống phóng, đạn tên lửa cùng hướng triển khai theo phương nghiêng, HQ-22 làm nhiều người liên tưởng đến tổ hợp tên lửa phòng không Patriot PAC-2 do Mỹ chế tạo.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung - xa HQ-22 được trưng bày trong cuộc triển lãm kỷ niệm ngày thành lập lực lượng tên lửa Trung Quốc
Ở đây có một điểm cần lưu ý, đó là khi HQ-22 ra đời, nó được xem như phiên bản rẻ tiền, có nhiệm vụ hỗ trợ HQ-9B chuyên đánh tầm xa trong đội hình tác chiến hỗn hợp theo mô hình cao - thấp thường thấy, tầm bắn trong khoảng 5 - 100 km của HQ-22 sẽ lấp kín khoảng trống chiến thuật trong đội hình triển khai.
Tuy nhiên ngay lúc đó đã có ý kiến cho rằng vai trò thực sự của Hồng Kỳ 22 không phải như vậy, ở tầm xa đến 50 km thì đã có các hệ thống HQ-16 đảm trách, trong khi nếu vươn lên tới cự ly 75 - 100 km thì HQ-9B sẽ trực tiếp đánh chặn nhằm đảm bảo xác suất tiêu diệt mục tiêu.
Hơn nữa sau những nhận định ban đầu rằng HQ-22 là phiên bản giản lược từ HQ-9B thì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy nó thực chất là biến thể nâng cấp từ HQ-12, đây là một vũ khí được chế tạo để tác chiến độc lập.
Phóng thử nghiệm tên lửa phòng không tầm trung - xa HQ-22 tại chiến khu Tây Bộ
Địa bàn triển khai của HQ-22 càng khẳng định rõ hơn nhận định trên khi nó được biên chế cho các đơn vị nằm ở "tận cùng" lãnh thổ Trung Quốc, khu vực này trước đây chỉ có các tổ hợp HQ-2 lạc hậu do đánh giá nguy cơ phải hứng chịu tấn công đường không là rất thấp.
Nếu đối phương muốn tới được địa bàn trên, họ sẽ phải vượt qua một rừng lá chắn HQ-9, S-300 và sắp tới là cả S-400, cho nên dễ hiểu khi tại sao Bắc Kinh không ưu tiên biên chế cho vùng chiến khu này những hệ thống tên lửa phòng không uy lực.
Với sự điều động triển khai mới nhất, HQ-22 hoàn toàn tác chiến độc lập trong nhiệm vụ thay thế HQ-2 chứ không phải để hỗ trợ HQ-9 như dự đoán ban đầu, đây mới thực sự là toan tính của Trung Quốc khi chế tạo chứ không phải như những gì họ tuyên truyền khi nó mới xuất hiện.
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-22 của Trung Quốc trong một cuộc triển lãm
Sao Đỏ