Tìm hiểu phong tục, văn hoá của tộc người Việt cổ ở Indonesia
Giả thuyết lịch sử cho rằng sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, một bộ phận người Việt đã lên thuyền ra khơi đến eo biển Malacca, sau đó định cư tại phía tây đảo Sumatra, Indonesia. Cũng từ đó, dân tộc người Minangkabau sống tại quốc đảo này cho đến ngày nay.
Theo The Daily Beast, từ lâu đời, tộc người Minangkabau theo chế độ thị tộc mẫu hệ như người Việt cổ. Người Minangkabau phần lớn theo đạo Hồi nhưng tín ngưỡng của họ là thuyết vật linh. Họ tin rằng vạn vật đều có linh hồn. Thuyết này cũng là tín ngưỡng đầu tiên của người Việt cổ trước khi các đạo khác du nhập vào đất nước.
Tộc Minangkabau có những điệu nhảy và bản nhạc truyền thống mà họ luôn tự hào như điệu múa nến kinh điển.
Nhắc đến đạo Hồi, nhiều người thường nghĩ đến các chế độ hà khắc và số phận nhỏ bé của người phụ nữ. Nhưng với tộc người Minangkabau, vị trí của người phụ nữ trong gia đình và xã hội đặc biệt hơn cả. Đến đảo Sumatra, nếu hỏi người dân chắc chắn du khách sẽ nhận được câu trả lời: “Phụ nữ là chủ gia đình”. Theo đó, phụ nữ và nam giới trong gia đình chia sẻ quyền lực và tuân thủ nguyên tắc giữ trọn vẹn trách nhiệm, bảo vệ lẫn nhau trong xã hội.
Người dân Minangkabau sinh sống bằng nghề trồng lúa nước với tục ăn trầu, nhuộm răng từ lâu đời. Họ còn có những nét văn hoá khác gần gũi với người Việt.
Ảnh tư liệu về phụ nữ tộc Minangkabau thời xa xưa tại Indonesia.
Phụ nữ cũng giữ trách nhiệm sở hữu mọi tài sản trong gia đình tộc Minangkabau. Cụ thể, đất đai, nhà ở, trại chăn nuôi… đều phải truyền từ mẹ sang con gái. Người cha trong gia đình có thể chuyển tài sản thừa kế cho con trai bằng thu nhập từ công việc kinh doanh của họ.
Lễ cưới truyền thống của các cặp đôi Minangkabau.
Mọi nghi thức, lễ hội quan trọng đều do phụ nữ chủ trì như lễ nhậm chức lãnh đạo trong gia tộc, đám cưới, thu hoạch mùa màng… Đám cưới của các cặp đôi Minangkabau được tổ chức, trang hoàng lộng lẫy với lễ phục truyền thống.
Người Minangkabau trong trang phục truyền thống cổ đã sinh sống tại Indonesia từ lâu đời. Đàn ông và phụ nữ tộc người Minangkabau có những khái niệm bình đẳng như các xã hội khác. Dù căng thẳng có thể xảy ra đôi lúc, vị trí người phụ nữ vẫn được tôn trọng bởi toàn thể cộng đồng. Phụ nữ có thể tự do báo cáo, lên án mọi hành động bạo lực về tinh thần hay thể xác trong gia đình mình.
Phụ nữ tộc Minangkabau được tôn vinh và giữ vị trí quan trọng trong xã hội.
Khi một cặp vợ chồng kết hôn, chú rể sẽ chuyển đến sinh sống tại nhà cô dâu. Mọi quyết định trong gia đình đều được cân nhắc giữa ý kiến của cả vợ và chồng trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tuy nhiên, phụ nữ nắm quyền quyết định chính trong các vấn đề liên quan đến hoạt động gia đình, thu chi, mua sắm và giáo dục trẻ em…
“Phụ nữ là mối liên hệ quan trọng của hiện tại và quá khứ. Nếu gặp một phụ nữ người Minangkabau đang mang thai, mọi người đều thực sự hy vọng cô ấy sẽ cho ra đời một bé gái đầu lòng”, cựu giáo sư Taufil Abdullah, chủ tịch Uỷ ban Khoa học Xã hội tại Học viện Khoa học Indonesia chia sẻ.
Phụ nữ có vị trí quan trọng với tộc người Minangkabau.
Ngôi nhà truyền thống của người Minangkabau với tên gọi Rumah Gadang sở hữu kết cấu đặc biệt, có mái cong vút như mái chùa cổ Việt Nam. Mái nhà được làm từ gỗ surian địa phương với cấu trúc hình vòm, cong vút như chiếc sừng trâu.
Những bức tường dệt bằng tre là biểu tượng phong cách xây dựng nhà truyền thống của người Minangkabau. Kiến trúc bề thế đặc biệt của ngôi nhà này không chỉ giúp tộc người Minangkabau có nơi cư trú mà còn là không gian phục vụ các cuộc họp, nghi lễ trang trọng.
Ngôi nhà truyền thống Rumah Gadang.
N.H
Tổng hợp từ báo chí nước ngoài