Tiêu điểm Quốc tế: Bản tin ngày 7/4/2016
Indonesia tính đưa pháo phòng không ra đảo ở Biển Đông. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, không quân Indonesia đang chuẩn bị đưa hệ thống phòng không SkyShield ra đảo Pulau Natuna Besar – đảo lớn nhất thuộc quần đảo Natuna ở Biển Đông. Skyshield là hệ thống phòng không gồm pháo đa nhiệm tự động 35mm có thể bắn 1.000 phát/phút vào máy bay thù địch và đạn dẫn đường chính xác. Hệ thống đang được sử dụng tại một số căn cứ không quân Indonesia. Kèm theo hệ thống Skyshield sẽ là 4 đơn vị thuộc binh đoàn các lực lượng đặc nhiệm (PASKHAS). Số binh sĩ này sẽ đóng quân tại phía Bắc Natuna và dọc bờ biển phía Đông căn cứ không quân Ranai.
Hệ thống pháo phòng không Skyshield của Indonesia
Bà Aung San Suu Kyi chính thức trở thành cố vấn quốc gia Myanmar. Theo AFP, ngày 6/4, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw ký ban hành dự luật trao cho bà Aung San Suu Kyi vai trò cố vấn quốc gia. Theo đó, bà sẽ được quyền tiếp xúc các bộ, ngành cũng như các tổ chức và cá nhân trong chính phủ để phục vụ công tác cố vấn. Bà sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội liên bang. Nhiệm kỳ của một cố vấn nhà nước đồng thời với nhiệm kỳ của tổng thống. Được biết, dự luật nói trên đã được thảo luận và thông qua nhanh chóng tại Thượng viện và Hạ viện Myanmar, bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ thuộc quân đội.
Triều Tiên bí mật gửi tờ rơi, đĩa CD tuyên truyền sang Hàn Quốc. Mới đây, 20.000 tờ rơi và nhiều đĩa CD tuyên truyền của Triều Tiên được tìm thấy ở Goyang, tỉnh Gyeonggi, phía Nam Thủ đô Seoul (Hàn Quốc). Tất cả đều có nội dung chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và đảng cầm quyền Saenuri – hãng thông tấn Yonhap cho hay. Theo cảnh sát Hàn Quốc, đây là động thái mới nhất trong chiến dịch tuyên truyền của Bình Nhưỡng. Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang ở mức cao, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ 4 vào ngày 6/1. Triều Tiên còn nhiều lần dọa tấn công Mỹ và Hàn Quốc, cũng như bắn tên lửa ra biển Nhật Bản.
Mỹ đưa tàu ngầm tàng hình hiện đại nhất tới Hàn Quốc. Tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles USS Tucson của Mỹ đang tới thăm thành phố biển Chinhae (Hàn Quốc) trong một nhiệm vụ nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Mỹ tại khu vực – hãng tin Sputnik dẫn thông cáo báo chí từ hải quân Mỹ cho biết. Cũng theo thông báo, Tucson có chiều dài gần 110m, là một trong những tàu ngầm có khả năng tàng hình tốt nhất và hiện đại nhất thế giới. Tàu có thể hỗ trợ vô số nhiệm vụ, bao gồm tác chiến chống ngầm, chống tàu mặt nước, tấn công, tình báo, giám sát và trinh sát. Ngoài ra, Tucson còn có “năng lực tấn công tuyệt vời cùng giá trị chiến lược”.
Tàu ngầm USS Tucson neo tại cảng Pearl Harbor-Hickam, Hawaii (Mỹ), sau khi trở về từ một nhiệm vụ triển khai ở Tây Thái Bình Dương. (Ảnh: US Navy)
IS kiếm hàng trăm triệu USD mỗi năm từ buôn lậu cổ vật. Theo Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thu về khoảng 150–200 triệu USD mỗi năm từ việc buôn lậu cổ vật và báu vật khảo cổ. Hoạt động buôn lậu do một nhóm chuyên phụ trách về cổ vật, tương đương bộ tài nguyên thiên nhiên của IS, tổ chức. Chỉ những người được nhóm này cho phép mới có thể khai quật và di chuyển cổ vật. “Khoảng 100.000 đối tượng văn hóa quan trọng với thế giới, bao gồm 4.500 khu vực khảo cổ, 9 trong số này có tên trong Danh sách Di sản Thế giới UNESCO, đang bị IS kiểm soát... ở Syria và Iraq” – ông Churkin nhấn mạnh.
Kẻ khủng bố ăn thịt người bị tiêu diệt ở Syria. Khaled al-Hamad, thành viên cấp cao của nhóm khủng bố Mặt trận al-Nusra, vừa bị các tay súng nổi dậy bắn chết gần biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ. Theo báo Anh The Guardian, Khaled al-Hamad còn có tên là Abu Sakkar, nổi tiếng năm 2013 trong đoạn phim ăn thịt người gây sốc, lột tả sự tàn bạo leo thang trong cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria. Trong đoạn video, xác một binh lính của quân đội chính phủ Syria bị chặt đầu, tay chân, treo lên cành cây. 2 cái xác khác cũng bị lột sạch quần áo, vắt trên cây. Al-Hamad được cho là đã ăn tim, hoặc phổi hay gan của người lính xấu số.
Kẻ đánh bom sân bay Bỉ từng làm việc trong Nghị viện châu Âu. Theo hãng thông tấn AFP, một trong những kẻ đánh bom tự sát tại sân bay Thủ đô Brussels (Bỉ) tháng trước từng là công nhân vệ sinh làm việc trong Nghị viện châu Âu, vào năm 2009 và 2010. Thông báo không nêu tên người này, nhưng một nguồn tin tiết lộ: kẻ đó là Najim Laachraoui. Laachraoui cùng một kẻ đánh bom tự sát kích nổ tại sân bay Brussels trong cuộc tấn công phối hợp tại Brussels cách đây 2 tuần, làm 32 người thiệt mạng. Ngoài ra, hắn còn bị nghi là kẻ chế tạo bom trong vụ tấn công khủng bố Paris (Pháp) hồi tháng 11/2015, khiến 130 người chết.
Nghi phạm Najim Laachraoui. (Ảnh: AFP)
Chính phủ Panama lập ủy ban chuyên gia quốc tế sau vụ rò rỉ tài liệu. Chính phủ Panama sẽ thành lập một ủy ban chuyên gia quốc tế nhằm đưa ra các biện pháp để thúc đẩy tính minh bạch trong ngành tài chính của quốc gia Trung Mỹ này ở nước ngoài – hãng thông tấn AP cho biết. Tổng thống Panama Juan Carlos Varela đang tìm cách củng cố lại lòng tin đối với ngành tài chính của đất nước, sau vụ rò rỉ 11,5 triệu tài liệu từ công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại nước này. Theo “Tài liệu Panama”, Mossack Fonseca đã giúp thành lập hàng trăm nghìn công ty vỏ bọc cho giới nổi tiếng và giàu có trên khắp thế giới.
Iceland chỉ định thủ tướng mới sau bê bối “Tài liệu Panama”. Theo các nguồn tin, Đảng Tiến bộ và Đảng Độc lập hôm qua (6/4) nhất trí trao chức Thủ tướng Iceland cho ông Sigurdur Ingi Johannsson (53 tuổi), vốn đang là Bộ trưởng Nông nghiệp của nước này. Tổng thống Olafur Ragnar Grimsson, người sẽ nghỉ hưu trong tháng 6 sau nhiệm kỳ 5 năm và 20 năm trên chính trường, sẽ thông qua việc bổ nhiệm ông Johannsson. Việc này diễn ra sau khi Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson xin từ chức do bị nghi trốn thuế. Ông Gunnlaugsson chính là lãnh đạo đầu tiên từ nhiệm sau khi bị nêu tên trong vụ rò rỉ “Tài liệu Panama”.
Ông Johannsson được chỉ định là tân Thủ tướng Iceland. (Ảnh: Reuters)
Hồng Anh