Tiêu chí nào đánh giá sự tuân thủ pháp luật của DN trong hoạt động XNK và quá cảnh hàng hóa?
Sáng 4/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp về “Dự thảo thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa”.
Bộ tiêu chí đánh giá về sản xuất, buôn bán hàng hóa, thuế hải quan dùng để phân loại tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong lần soạn thảo này dự kiến sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh liên quan đến xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa.
Đánh giá tuân thủ pháp luật trong hoạt động XNK là cần thiết
Tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay: Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới thì chỉ số thương mại qua biên giới của Việt Nam vẫn còn xếp hạng thấp so với các nước, là một trong ba lĩnh vực được đánh giá còn ít chuyển biến và không gian thay đổi còn rất lớn. Báo cáo của VCCI cũng cho thấy chỉ có 43% doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi đánh giá lĩnh vực này có sự thay đổi tích cực.
Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu tại hội thảo.
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng mở cửa, hoạt động XNK gia tăng mạnh mẽ, quản lý hải quan đang phải đối mặc với nhiều thách thức lớn. Vì thế cách tiếp cận phù hợp là áp dụng phương pháp quản lý rủi ro dựa trên đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp.
Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng Thông tư quy định tiêu chí đánh giá tuân thủ và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của DN trong quản lý hoạt động XNK là cần thiết - ông Phòng nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, để phù hợp với các tiêu chuẩn của hải quan thế giới và thông lệ quốc tế, các cơ quan hải quan tiến tới đánh giá hoạt động XNK của DN theo 4 loại: Tuân thủ cao, tuân thủ trung bình, tuân thủ thấp và không tuân thủ.
Trên cơ sở đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của DN, cơ quan hải quan sẽ áp dụng chính sách ưu đãi hoặc quản lý thích hợp, nhằm đạt được 2 mục tiêu: Tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp và kiểm soát gian lận thương mại, chống buôn lậu.
Mặt khác, cũng theo ông Hoàng Việt Cường, việc công khai tiêu chí đánh giá sẽ giúp DN chủ động xem xét việc thực hiện tuân thủ pháp luật của mình trên cơ sở tham vấn từ cơ quan hải quan để biết mình chưa chuẩn ở đâu và tìm cách khắc phục. Từ đó, hướng đến môi trường kinh doanh bình đẳng, cộng đồng DN lành mạnh, cơ quan quản lý nhà nước minh bạch, giảm thiểu và ngăn chặn tiêu cực trong tổ chức thực hiện ở cơ quan hải quan các cấp.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Ông Quách Đăng Hòa - Cục trưởng Cục quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan thì cho rằng, mặc dù đã triển khai công tác đánh giá tuân thủ pháp luật 12 năm và đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng phần lớn cộng đồng DN chưa tiếp cận được do nhiều nội dung được ban hành ở chế độ mật, không được công khai.
Ông Hòa khẳng định: Dự thảo Thông tư được xây dựng trên nguyên tắc công khai, minh bạch. Các thông tin đưa vào đánh giá là cụ thể, rõ ràng, chính xác, đảm bảo logic, không mâu thuẫn giữa các mức độ tuân thủ, mỗi DN chỉ có một mức độ tuân thủ duy nhất.
Tiêu chí và chỉ số đánh giá được xây dựng chủ yếu dựa trên các yếu tố: tần suất, mức độ, phạm vi thời gian vi phạm pháp luật hải quan, pháp luật thuế hoặc pháp luật quản lý chuyên ngành trên lĩnh vực hải quan.
Cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh tiêu chí đánh giá
Các đại biểu tham gia hội thảo đều cho rằng nỗ lực nhằm công khai, minh bạch các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật và tổ chức đánh giá tuân thủ pháp luật của DN trong hoạt động XNK là rất cần thiết, đáng trân trọng và hoan nghênh. Tuy nhiên, các tiêu chí đánh giá được nêu trong Dự thảo Thông tư cần phải được xem xét, điều chỉnh lại cho hợp lý.
Ông Quách Đăng Hoà trả lời câu hỏi của đại diện các DN về Dự thảo Thông tư.
Ông Vũ Chu Hiền - Trọng tài viên, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam đánh giá: Dự thảo thông tư vẫn còn điểm thiếu sót là bỏ qua, quy định qua loa về trách nhiệm và đặc biệt là không có quy định chế tài cụ thể đối với những hành vi của các cơ quan khi thực thi công vụ. Vì thế, cần phải thay đổi tư duy để đảm bảo tính công bằng, bình đẳng giữa DN với các cơ quan công quyền thực thi pháp luật.
Theo bà Đặng Thị Bình An - Giám đốc Công ty tư vấn C&A, tiêu chí đánh giá không nên dựa trên số lượng tờ khai mà nên căn cứ vào trị giá hàng hoá, số tiền thuế. "Cần lựa chọn tiêu chí đánh giá thực chất hoạt động của DN đơn giản, dễ nhớ. Hiện nay có quá nhiều tiêu chí, DN rất khó nhận biết mình đã vi phạm tiêu chí nào trong khi quy định thời gian khắc phục là quá lâu (365 ngày)", bà An đề nghị.
Bà Tạ Thị Vân Hà, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) bày tỏ băn khoăn: Nếu theo bộ tiêu chí dự thảo Thông tư đưa ra, không DN thuỷ sản nào đạt mức 1,2,3 đồng nghĩa tất cả đều không tuân thủ pháp luật về hoạt động XNK. Bà Hà chỉ ra một số nội dung chưa thể hiện thực chất lỗi của DN thuỷ sản: Huỷ tờ khai hải quan, khai bổ sung tờ khai hải quan hay chậm nộp kết quả kiểm tra chuyên ngành.
Toàn cảnh hội thảo sáng 04/12.
Bà Tạ Thị Vân Hà đề nghị cơ quan hải quan cần xem xét bổ sung thêm tiêu chí kế thừa lịch sử tuân thủ của doanh nghiệp: “Nếu không có kế thừa sẽ không công bằng với các doanh nghiệp tuân thủ tốt. Cần có thang điểm đánh giá với từng tiêu chí cụ thể thay vì đưa tiêu chí chung chung. Trước khi ban hành cũng cần thêm các đánh giá thực tiễn để không đánh tụt hạng các doanh nghiệp tốt”.
Tại hội thảo, nhiều đại diện các DN nhỏ và siêu nhỏ chia sẻ mối lo khi DN mình một năm chỉ phát sinh 50 - 60 tờ khai hải quan. Nếu chiếu theo quy định, các DN này sẽ vào mức độ 3 - tức tuân thủ thấp. Như vậy, liệu có công bằng cho các DN nhỏ hay không?
Cũng có một số ý kiến cho rằng, việc hủy tờ khai hải quan là không tránh khỏi trong hoạt động XNK và còn tuỳ thuộc vào đặc thù của từng ngành. Vì vậy, nếu đưa số lượng tờ khai bị huỷ thành một tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ thì cần phải xem xét kỹ, xây dựng cách đánh giá phù hợp để không gây khó cho DN.
Trọng Sang