Tiếp tục sửa đổi chính sách, thủ tục để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%
Đông Phong 18/09/2022 21:29 | Tài chính - Ngân hàng
![]() |
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (Ảnh: Lâm Hiển). |
Các đại biểu dự hội thảo cho rằng, thị trường lao động của Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19. Do đó, vấn đề đặt ra lúc này là làm thế nào để thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ, với 17 nhóm nhiệm vụ liên quan đến ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình.
Tuy nhiên, các nhóm nhiệm vụ khác nhau có tiến độ khác nhau, một số nhóm triển khai được ngay song có nhóm cần khá nhiều thời gian để làm công tác chuẩn bị, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Một trong số đó là nhóm chính sách đầu tư công, liên quan gói 176.000 tỷ đồng mà nguyên nhân kéo dài triển khai, thực hiện do bối cảnh khách quan về tình hình dịch bệnh.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, gói nhóm nhiệm vụ này chia làm 2 khía cạnh. Về vốn, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã tạo cơ chế hết sức linh hoạt.
Về dự án, đây là nhiệm vụ khá khó vì liên quan trình tự thủ tục. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chính phủ đã trình 94 dự án, vốn đạt hơn 140.000 tỷ đồng. Hơn 20.000 tỷ đồng đối với nhiệm vụ dự án còn lại, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện thủ tục và triển khai ngay sau khi hoàn thiện.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục sửa đổi chính sách, thủ tục để đẩy nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, sau 3 tháng triển khai Nghị định 31 về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước (với 40.000 tỷ đồng trong năm 2022 và 2023), doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất mới đạt gần 4.100 tỷ đồng với gần 550 khách hàng. Số tiền lãi đã hỗ trợ đạt chỉ 1 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất là 3.966 tỷ đồng.
Phó thống đốc NHNN thẳng thắn thừa nhận số liệu trên còn khiêm tốn; đồng thời nhận định dù Nghị định 31 ban hành tháng 5 nhưng dư nợ tính từ tháng 1/2022 nên theo đánh giá nhanh của NHNN, tổng dư nợ của Chương trình có thể đạt 800.000 tỷ đồng.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà nhận định nguyên nhân của vấn đề này là do vấp phải một số nhóm khó khăn. Cụ thể, về đối tượng hỗ trợ, có trường hợp khách hàng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực; nếu 1 trong số đó thuộc diện được hỗ trợ thì có được hưởng gói này không, đó là vấn đề đặt ra. Nhiều hộ gia đình là khách hàng quen thuộc của ngân hàng nhưng lại không đăng ký kinh doanh thì cũng chưa đủ điều kiện hỗ trợ.
Tiếp đến là tiêu chí đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi. Ông Phạm Thanh Hà cho rằng có thể có sự khác biệt trong đánh giá, thẩm định giữa ngân hàng cho vay với đánh giá sau này của cơ quan thanh tra kiểm toán và đánh giá tính khả thi của dự án cũng khó khăn vì diễn biến thị trường sẽ tác động vào dự án.
Về tâm lý, đúng là có sự e ngại của ngân hàng thương mại do gói hỗ trợ lãi suất trước đây cũng có khó khăn nhất định về giải ngân và kiểm toán. Khách hàng cũng e ngại chuyện thanh tra, kiểm toán sau này. Bên cạnh đó, dư nợ hỗ trợ 800.000 tỷ đồng nhưng thực tế đã triển khai 4.400 tỷ đồng nên có khoảng cách nhất định giữa khả năng được hỗ trợ cũng như thực tế vì phụ thuộc vào mong muốn của khách hàng có muốn được hỗ trợ hay không.
“Có khách hàng nói thủ tục rườm rà, điều kiện phức tạp nhưng đây là chính sách, rất mong khách hàng tuân thủ các điều kiện để bảo đảm hồ sơ giải ngân, minh bạch, chặt chẽ”, ông Hà nhấn mạnh.
Còn theo Chủ tịch Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Bởi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp nghiệp vừa và nhỏ nên cách tiếp cận vốn duy nhất là vay vốn qua các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, tài sản đảm bảo giá trị thấp, số vốn vay được thấp nên hạn chế việc mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh.
Về giải pháp tháo gỡ khó khăn, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tới đây, NHNN sẽ triển khai tổ công tác liên ngành khảo sát thực tế địa phương để giải đáp thắc mắc; tiếp tục tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp - ngân hàng; đồng thời phối hợp với các bộ ngành để chỉnh sửa chính sách, thủ tục cần tháo gỡ khó khăn để khách hàng vay được vốn và gói hỗ trợ này được triển khai nhanh hơn.


Truyền hình

Ngắm hoa kèn hồng đẹp rạng ngời những con đường thành phố Hồ Chí Minh
Đáng chú ý
Việt Nam có thể đón 4,5 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2023

Bài viết mới
Khoản đầu tư của IFC vào SeABank mang đến cơ hội mua nhà cho các gia đình có thu nhập trung bình và thấp tại Việt Nam

Đến vùng đất hoa ban, HDBank phục vụ tài chính hơn nửa triệu người dân Điện Biên

Chuyên đề

Biểu tượng văn hóa của Việt Nam là hoa sen, của Nhật là hoa anh đào. Sự hòa hợp của nhân dân hai nước được ví như hòa hợp của hai loài hoa. Quan hệ hữu nghị của nhân dân sẽ bền vững, thực chất và hiệu quả khi bắt nguồn từ sự đồng cảm, hợp tác về văn hóa.

Sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, nhưng hợp tác kinh tế Việt Nam và Hàn Quốc luôn phát triển mạnh mẽ, thực chất, là điểm sáng và trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hai nước.