Thưởng Tết Nguyên Đán 2018: Cao nhất 855 triệu đồng
(Ảnh minh họa: Internet)
TP Hồ Chí Minh: Thưởng Tết cao nhất 855 triệu đồng
TP Hồ Chí Minh hiện là địa phương có mức thưởng Tết Nguyên Đán 2018 cao nhất cả nước. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) TP Hồ Chí Minh, mức thưởng cao nhất thuộc về một doanh nghiệp trong nước, với 855 triệu đồng. Thưởng Tết Nguyên đán bình quân của khối doanh nghiệp trong nước là 8,3 triệu đồng/người, tăng 10,89% so với năm 2017.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, ngoài các khoản thưởng Tết nói trên, các doanh nghiệp trên địa bàn TP còn có nhiều hình thức hỗ trợ người lao động trong dịp Tết 2018, như tặng quà, hỗ trợ vé xe về quê ăn Tết,...
Cần Thơ: Thưởng Tết cao nhất gần 467 triệu đồng
Tại Cần Thơ, mức thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất cao nhất là trên 466 triệu đồng cũng thuộc doanh nghiệp dân doanh ngoài khu công nghiệp, cao hơn 82 triệu đồng so với mức thưởng cao nhất Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (384 triệu đồng). Còn mức thưởng Tết Nguyên đán thấp nhất thuộc về doanh nghiệp dân doanh trong khu công nghiệp là 200.000 đồng (năm 2017 là 1,5 triệu đồng).
Bình quân thưởng Tết Nguyên đán năm nay người lao động Cần Thơ nhận được từ 2,9 triệu đến trên 8,4 triệu đồng.
Đồng Nai: Thưởng Tết cao nhất 408 triệu đồng
Thông tin trên báo Đồng Nai, ông Cao Duy Thái, Trưởng phòng Lao động, Tiền lương, Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TBXH Đồng Nai), mức thưởng Tết Mậu Tuất cao nhất ở Đồng Nai thuộc về một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng ở Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành với số tiền thưởng lên đến 408 triệu đồng. Tiếp đến là mức thưởng 94 triệu đồng của một doanh nghiệp dân doanh.
Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp khác trong tỉnh là là 7,7 triệu đồng/người.
(Ảnh: Zing.vn)
Hà Nội: Thưởng Tết cao nhất 325 triệu đồng
Theo báo cáo về tiền lương và thưởng Tết của 4.288 doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội, khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục dẫn đầu về mức thưởng Tết Âm lịch lên tới 325 triệu đồng. Năm nay, mức thưởng Tết âm lịch thấp nhất tại Hà Nội thuộc về nhóm các công ty có cổ phần vốn góp chi phối của Nhà nước, với 600.000 đồng
Thái Nguyên: Thưởng Tết cao nhất 300 triệu đồng
Sở LĐ-TBXH Thái Nguyên cho biết, hiện đã có 144 doanh nghiệp gửi báo cáo về tiền lương 2017 và thưởng Tết 2018 về Sở.
Về thưởng Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, doanh nghiệp có mức thưởng tết cao nhất là 300 triệu đồng. Doanh nghiệp có mức thưởng tết cao thứ hai là 66,8 triệu đồng. Doanh nghiệp có mức thưởng tết thấp nhất là 100.000 đồng. Mức thưởng Tết Mậu Tuất 2018 bình quân của các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng Tết là 4,5 triệu đồng.
Đà Nẵng: Thưởng Tết cao nhất 300 triệu đồng
Với Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, mức thưởng cao nhất đã thuộc về một doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của nhà nước, với mức thưởng 300 triệu đồng. Mức thưởng Tết thấp nhất trên địa bàn là 200.000 đồng, thuộc các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Quảng Ngãi: Thưởng Tết cao nhất 128 triệu đồng
Tại Quảng Ngãi, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 128 triệu đồng, do CTCP Thương mại Dịch vụ Dầu khí miền Trung thưởng cho người lao động. Doanh nghiệp có mức thưởng cao thứ 2 tại tỉnh này là CTCP Đường Quảng Ngãi với mức thưởng lên tới 120 triệu đồng. Công ty TNHH Doosan Việt Nam, một doanh nghiệp FDI đóng tại Khu kinh tế Dung Quất có mức thưởng cao thứ 3, với 61,5 triệu đồng.
Mức thưởng thấp nhất trên địa bàn theo công bố thuộc về Công ty TNHH Hoàn Vũ, với 200.000 đồng/lao động.
Nghệ An: Thưởng Tết cao nhất 120 triệu đồng
So với năm trước, thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An không có nhiều biến động. Mức bình quân các doanh nghiệp thưởng cho người lao động Tết Nguyên đán Mậu Tuất là 4,6-5,6 triệu đồng/người.
Doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất là Công ty TNHH Chế biến phụ phẩm thủy sản Xuri, với 120 triệu đồng/người. Mức thưởng Tết thấp nhất tại tỉnh này là 450.000 đồng/người.
(Ảnh: Zing)
Huế: Thưởng Tết cao nhất là 118 triệu đồng
Về kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, Sở LĐ-TBXH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, nhóm doanh nghiệp trong Khu Công nghiệp, Khu Kinh tế, Khu Chế xuất (KCN, KKT, KCX), mức thưởng cao nhất và thấp nhất thuộc về khối doanh nghiệp FDI với 100 triệu đồng/người và 2,864 triệu đồng/người với mức thưởng bình quân là 5,592 triệu đồng/người.
Nhóm ngoài KCN, KKT, KCX, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất là 118 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh, mức thấp nhất 300 nghìn đồng/người thuộc loại hình doanh nhiệp FDI.
Ngoài ra, mức thưởng bình quân của các Công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước là 3,644 triệu đồng/người và 6,236 triệu đồng/người đối với doanh nghiệp dân doanh.
Thanh Hóa: Thưởng Tết cao nhất 100 triệu đồng
Sở LĐ-TBXH Thanh Hóa cho biết, đối với kế hoạch thưởng Tết Âm lịch, ở nhóm doanh nghiệp trong KCN, KKT, KCX, mức thưởng cao nhất thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh với 36,4 triệu đồng/người. Mức thấp nhất 100.000 đồng/người thuộc nhóm dân doanh và FDI.
Ngoài ra, các mức thưởng của các Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 5,5 triệu đồng/người; Công ty Cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 3 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh 1,5 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI 2,872 triệu đồng/người.
Nhóm ngoài KCN, KKT, KCX, thưởng Tết Nguyên đán cao nhất với mức 100 triệu đồng thuộc về khối doanh nghiệp FDI. Mức thấp nhất 200.000 đồng/người thuộc loại hình doanh nghiệp Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100 % vốn điều lệ và nhóm FDI.
Ngoài ra, mức thưởng Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ 2,246 triệu đồng/người; Công ty Cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước 4,104 triệu đồng/người; DN dân doanh 3,960 triệu đồng/người; doanh nghiệp FDI 3,226 triệu đồng/người.
Thưởng Tết không là quy định bắt buộc trong Luật Lao động Ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, cho biết: Quy định về việc thưởng Tết cũng như báo cáo mức thưởng Tết chưa được “luật hóa” thành các điều khoản cụ thể Luật Lao động. Do vậy, mức thưởng Tết trên thực tế có thể sẽ cao hơn so với con số các doanh nghiệp báo cáo. Cũng theo ông Phạm Minh Huân, mức thưởng Tết chủ yếu dựa vào khả năng quản trị, kết quả hoạt động và văn hóa của từng doanh nghiệp. Tuy nhiên theo truyền thống, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc thưởng trong dịp Tết Âm lịch hơn là Tết Dương lịch. |
Linh Anh (t/h)