Thương nhớ thời bao cấp - triển lãm tái hiện cuộc sống chẳng thể nào quên
Chật chội, chắt chiu và lo lắng
Triển lãm Thương nhớ thời bao cấp do Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội phối hợp với Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức đã thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng các tác phẩm của hai họa sỹ Thành Phong và Hữu Khoa trong cuốn sách cùng tên.
Sự kiện ý nghĩa đang diễn ra như một món quà ôn cố tri ân dành cho những người đã từng đi qua quãng thời gian ấy, hay cả những con người từng nghe kể về cuộc sống thời bao cấp, muốn tìm hiểu về quãng thời gian chứa nhiều câu chuyện cười ra nước mắt, thấm đẫm vết thương lòng nhưng cũng chan chứa tình yêu thương.
Chiến tranh đã qua nhiều năm, vậy nhưng trong lòng những người từng đi qua quãng thời gian đặc biệt ấy không thể nào quên cuộc sống thiếu thốn, kham khổ. Nếu nhiều người nghĩ rằng, sự chịu đựng của người dân là không giới hạn thì ngẫm lại thực tế, họ vẫn phải chứng kiến sự chịu đựng quá ngưỡng có thể làm xói mòn lương tâm, làm thoái hóa con người trong xã hội thời ấy.
Người lớn giải thích cho con, cháu về cuộc sống, các câu nói kinh điển của thời bao cấp.
Cuộc sống của hầu hết các gia đình đều khó khăn, bắt buộc con người phải năng động để tự cứu mình. Ông Trần Văn Đ. (65 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Thời ấy gia đình nào cũng vất vả, chắt chiu chứ không như bây giờ. Nhà chúng tôi là nhà tập thể vốn đã chật chội nhưng vẫn phải ngăn lấy chỗ nuôi gà, nuôi heo và làm thêm những nghề thủ công để tăng thêm thu nhập. Mỗi đợt xuân về lại thêm nhiều nỗi lo mới, vì các gia đình phải nỗ lực chuẩn bị những vật phẩm cho Tết. Khi ấy, mỗi nhà được phát phiếu để ra cửa hàng tại Bờ Hồ (tức Hồ Gươm) để được phát mặt hàng Tết là sướng lắm. Trong túi hàng khi ấy chỉ có những thứ như chút mì chính, gói miến rong, bao thuốc lá Trường Sơn… là sung sướng lắm”.
Ám ảnh khi Tết về
Người Hà thành còn nhớ, mỗi gia đình dù nghèo khó đến đâu đều nỗ lực lo kiếm lương thực làm đôi bánh chưng còn cúng tổ tiên. “Thời bao cấp dù nghèo, vất vả, thiếu thốn, kham khổ nhưng kỷ niệm, hương vị của nó rất đậm nồng. Những kỷ niệm về thời bao cấp vẫn luôn hiện hữu trong lòng chúng tôi, là tuổi thơ không thể quên giữa những tháng năm gian lao đó”, ông Đ. trải lòng.
Câu nói nổi tiếng thời bao cấp góp mặt trong buổi triển lãm.
Giữa góc nhỏ buổi triển lãm, ông Đ. đi cùng cháu gái chỉ mới 12 tuổi và tận tình giải thích đơn giản cho cô bé nghe về hoàn cảnh xã hội, suy nghĩ của người dân khi ấy. Niềm vui khi nhớ lại những tháng năm tuổi thơ của ông Đ. cũng lan toả đến mọi người xung quanh khi được nghe một người lớn tuổi trải lòng về cuộc sống gian khó thời bao cấp khi xưa.
Người nước ngoài ấn tượng tìm hiểu về thời bao cấp Việt Nam.
Người trẻ ấn tượng với thời khốn khó bởi ca từ
Đặc biệt, không ít khán giả đến triển lãm thưởng tranh là những thanh, thiếu niên chưa từng biết đến cuộc sống kham khổ của thế hệ xưa. Họ chăm chú đọc những lời dẫn, những câu nói để hiểu thêm về chặng đường cha ông đã từng đi qua.
Bạn Nguyễn Hồng K. (20 tuổi, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Tình cờ dạo chơi phố đi bộ Hà Nội, tôi ghé thăm sự kiện độc đáo này. Những hình ảnh, câu nói dí dỏm tái hiện cuộc sống thời bao cấp khi xưa vẫn còn nhiều điều tôi chưa thể mường tưởng hết theo lời ông cha kể lại. Điều tôi ấn tượng là mặc những thực trạng khó khăn, người dân vẫn nghĩ ra những câu nói, điệu vần vè hết sức hài hước, tích cực”.
Câu nói tái hiện thực trạng thời bao cấp: Người nào sở hữu xe đạp Favorite (xe Tiệp Khắc cũ) và có đài đeo hông là... oách lắm, cô nào cũng theo.
Mỗi bức vẽ chính là “hình ảnh hóa” những câu cửa miệng, tục ngữ, thành ngữ, những câu ca vần cho tới các biển hiệu bán hàng… quen thuộc thời bao cấp. Thương nhớ thời bao cấp thực sự đưa độc giả trở lại một thời kỳ có một không hai trong xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XX. Nhưng, dẫu trong những tác phẩm dân gian ấy hiện hữu một xã hội vô cùng khó khăn với nỗi lo lắng nhọc nhằn về nhu yếu phẩm căn bản trong xã hội như khăn mặt, quần đùi hoa, cuốn sổ gạo, cục gạch xếp hàng… người xem vẫn thấy vượt hẳn lên trên là cái nhìn quan sát sâu sắc, điềm tĩnh cùng thái độ phản biện hài hước, vui tươi đến lạ kỳ.
Một số hình ảnh tại triển lãm.
Những bức vẽ hài hước, dí dỏm rất đỗi chân thực đã đưa tác phẩm của hai hoạ sỹ vượt lên trên tầm một cuốn artbook và trở thành chất liệu đặc sắc cho một triển lãm dành cho độc giả muốn chu du trong ý niệm về một phần đời thương khó chẳng thể nào quên trong quá khứ.
Nhắc lại kỷ niệm thời bao cấp mua như cướp, bán như cho không phải để kể khổ, không phải khúc tráng ca bi ai mà chính là kỷ niệm một thời để nhớ, một thời để thương của người dân Việt Nam.
Phương Hà