Thương mại điện tử: Doanh nghiệp nội, ngoại đua tranh
Tất nhiên để có được sự đầu tư mạnh bạo, đằng sau đó là trợ lực từ những “đại gia” ngoại. Cuộc đua này cực kỳ gay cấn, kịch tính tới mức nhiều thương hiệu nhỏ trong nước do không chịu nổi nên phải đóng cửa, rời cuộc chơi.
Mua hàng từ website thương mại điện tử. (Ảnh: Cao Thăng)
Rót vốn hàng ngàn tỷ đồng
Thời gian qua, ngành thương mại điện tử nước ta đang chứng kiến sự “đổ bộ” của những “ông lớn”: Alibaba hiện chiếm trên 83% cổ phần tại Lazada (Alibaba thỏa thuận thành công việc rót thêm 1 tỷ USD vào Lazada giữa năm nay); Rocket Internet - chủ sở hữu của Zalora Việt Nam - bán lại sàn thương mại điện tử cho Central Group (Thái Lan)… Ngay cả trang thương mại điện tử Tiki.vn, theo một nguồn tin cho biết thương hiệu này gọi vốn khoảng 1.000 tỷ đồng, được một “đại gia” là trang thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc JD.com, đối thủ của Alibaba, sẵn sàng rót vốn. Nhiều thông tin cho biết việc rót vốn đã thành công.
Việc các đại gia ngoại nhảy vào thâu tóm doanh nghiệp (DN) nội địa là câu chuyện không mới. Vấn đề đặt ra ở đây chính là thái độ chịu chơi, chịu chi, và sẽ chi đến bao giờ - khi mà các sàn thương mại điện tử thường lỗ lớn, liên tục. Với Tiki.vn (Công ty cổ phần Ti Ki) cũng không ngoại lệ, khi mà tháng 2/2016 được Công ty cổ phần VNG (gọi tắt VNG) rót hơn 384 tỷ đồng, tương đương nắm giữ 38% quyền sở hữu. Trong báo cáo tài chính tháng 12/2016, VNG ghi nhận khoản lỗ chủ yếu xuất phát từ Ti Ki gần 100 tỷ đồng, sau đó nâng lên tới mức trên 250 tỷ đồng. Nhưng lần này Ti Ki vẫn cần tới khoảng 1.000 tỷ đồng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh. Nhiều chuyên gia kinh tế đặt nghi vấn: “Liệu Ti Ki có tiếp tục “đốt tiền” cho các chiến lược kinh doanh sắp tới?”. Câu trả lời vẫn còn là ẩn số.
Lý giải về việc lỗ nhưng vẫn đầu tư, một số giám đốc kinh doanh của các sàn thương mại điện tử đều cho rằng đó là chiến lược đầu tư dài hạn cho tương lai. Số tiền “khổng lồ” được rót vào để xây dựng thói quen cho người tiêu dùng, chi phí quảng cáo, khuyến mãi, cạnh tranh trực tiếp về giá sản phẩm với các sàn thương mại điện tử khác… Đúng như nhận định của tổng giám đốc một DN nổi tiếng Việt Nam thì các trang thương mại điện tử đang kinh doanh kiểu vốn 10 đồng nhưng chỉ bán 7 đồng để kéo khách. Do vậy, nếu tiếp tục giữ chiến lược này thì DN giỏi lắm cũng chỉ trụ nổi một vài năm là sụp. Bằng chứng, khá nhiều website của DN nội địa Việt Nam không chịu nổi đã phải đóng cửa sau vài năm hoạt động, với số vốn đầu tư mất trắng lên tới hàng trăm tỷ đồng, mà lingo.vn là một ví dụ.
Gay cấn cuộc chơi
Chỉ cần gõ vào website bán hàng trực tuyến, người tiêu dùng có thể tìm được hàng loạt món hàng đủ loại, gồm sách vở, quần áo, đồ điện gia dụng, thậm chí vàng bạc, đá quý, kim cương…, đến từ thị trường trong nước lẫn các nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp… Món gì cũng có, vô cùng đa dạng, mức giảm giá luôn cao ngất ngưởng từ 40% - 50%, cũng có website giảm giá tới 70% so với giá ban đầu. Chẳng hạn, Lazada đang bán vàng, đồ trang sức với giá từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng, nhiều trong số này sản xuất tại Trung Quốc. Với Ti Ki, đang có dịch vụ giao hàng trong vòng 2 giờ, kể cả thứ bảy và chủ nhật; có chính sách đổi trả hàng trong vòng 30 ngày…
Bàn về mức độ tiện lợi, chị Nguyễn Thị Ánh An (ngụ tại đường Bà Hạt, quận 10, TPHCM) cho rằng thói quen mua sắm trực tuyến đã bắt đầu tăng mạnh trong giới trẻ. Điều này có được nhờ vào các trang thương mại điện tử, trong đó có cả những trang đã “chết”.
“Thực sự, đây là cuộc đua dài hơi, gồm vốn mạnh và ý tưởng kinh doanh mới lạ, thu hút khách hàng. DN nào trụ được qua giông bão thì sẽ lớn mạnh. Amazon từng thua lỗ liên tiếp 7 năm lên tới hàng tỷ USD. Chỉ đến năm thứ 8 mới dần hòa vốn, sau đó có lời”, giám đốc phụ trách kinh doanh của một thương hiệu đặt xe trực tuyến nổi tiếng ở Việt Nam chia sẻ.
Ở góc nhìn khác, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng, “cuộc chơi” về thương mại điện tử, mà điển hình là sự cạnh tranh giữa DN ngoại và nội, nhằm góp phần định hướng tiêu dùng, sàng lọc thị trường. Đối tượng hưởng lợi chính vẫn là người tiêu dùng, nên không nhất thiết phải lo lắng quá về điều này. Các cơ quan chuyên trách chỉ việc làm đúng trách nhiệm, đúng nghiệp vụ là có thể phát hiện ra hàng kém chất lượng để hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu các “đại gia” ngoại, trong đó có Trung Quốc như dẫn chứng ở trên, đổ bộ ồ ạt vào các thương hiệu thương mại điện tử Việt Nam, sẽ không loại trừ khả năng hàng trôi nổi cũng tràn theo. Thực tế, nỗi lo này là có cơ sở, nhưng câu chuyện cần bàn chính là hoạt động thâu tóm DN nội địa của những “đại gia” nước ngoài càng khiến cho các DN yếu vốn, thiếu tiềm lực, nhanh chóng “chết” lâm sàng, sau đó là chết thật.
Theo Sài Gòn Giải Phóng