Thước phim xúc động chứa đựng thông điệp thời chưa có chai nhựa và túi nilon
Tiếp theo là hàng loạt các hội thảo tại các trường tiểu học, trung học cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen sự dụng đồ nhựa và túi nilon. Đồng thời kêu gọi tài trợ, ủng hộ dự án đặt 200 thùng phân loại rác tại các trường học và khu dân cư.
Triển lãm ảnh “Ông bà mình thời chưa có chai nhựa và túi nilon” được thực hiện bởi Đỗ Vy - một nhiếp ảnh gia 22 tuổi. Vy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là một cô gái trầm lắng, sống nội tâm.
Những tác phẩm chân thực về thói quen, đời sống của trẻ em khi không có chai nhựa và túi nilon.
Những tác phẩm tại triển lãm đã gây ấn tượng mạnh, để lại dấu ấn cho người xem. Mỗi tác phẩm đều có cái nhìn mở, phản ánh tình trạng ô nhiễm nhựa và túi nilon đã đến mức báo động và đồng thời nhắc lại những kỷ niệm về thời ông bà ta với những đồ dùng, đồ chơi của trẻ em thân thiện với môi trường có tính tái sử dụng cao.
“Chứng kiến cảnh khách du lịch cũng như những người dân vứt rác, chai nhựa một cách bừa bãi, mình không khỏi cảm thấy thất vọng. Gần đây mình đọc nhiều bài báo, xem các video phản ánh trình trạng ô nhiễm nhựa và túi nilon đã đến mức báo động, khiến cho các khu du lịch ở Ninh Thuận hay Bình Dương đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn, những loài sinh vật biển do vô tình nuốt phải rác thải nhựa mà chết. Là một người đam mê du lịch và nhiếp ảnh nên mình tiếc nuối lắm. Mình ấp ủ thực hiện một bộ ảnh về môi trường lâu rồi nhưng chưa có điều kiện thực hiện. Chính vì vậy, ngay sau khi các bạn BTC dự án The Third Cycle liên hệ ngỏ ý muốn mình thực hiện bộ ảnh, mình đã gật đầu đồng ý mà không cần mất quá nhiều thời gian suy nghĩ”, Đỗ Vy chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia Đỗ Vy chia sẻ với khán giả.
Những bức ảnh tại triển lãm “Ông bà mình thời chưa có chai nhựa và túi nilon” tái hiện lại khung cảnh làng quê mộc mạc với những đồ dùng, đồ chơi của trẻ em thân thiện với môi trường, có tính tái sử dụng cao. Câu chuyện là sự sắp đặt hồi tưởng lại tuổi thơ mình với hai nhân vật chính là hai ông bà, đang ngồi trước hiên nhà uống trà, nhìn thấy các cháu chơi đồ chơi nhựa, máy bay mô hình… bỗng hồi tưởng về thời mình.
“Khi đó, ánh nắng không chói chang như bây giờ. Trẻ con hạnh phúc với những thứ đồ chơi dân giã, mang đầy niềm vui và sự tò mò. Khi diều giấy bay lên, mang theo con chữ, chở theo ước mơ bay cao mãi…”, Đỗ Vy cho biết.
Một số tác phẩm của Đỗ Vy trưng bày tại triển lãm.
Đặc biệt, triển lãm còn có bạn Nguyễn Đức Minh Hoàng, hiện đang là học sinh lớp 12 trường Đoàn Thị Điểm, Trưởng ban dự án The Third Cycle. Tuy còn rất trẻ nhưng cũng như các bạn cùng trang lứa, ngoài công việc học tập chính ở trường, em còn tham gia các hoạt động ý nghĩa để bảo vệ môi trường, đem lại sức lan tỏa lớn, làm thay đổi nhận thức của các bạn ở trường và cộng đồng, để mọi người có cái nhìn mới hơn về cách sự dụng đồ nhựa và túi nilon theo hướng hạn chế nhất, phân loại rác để tái sự dụng được những đồ vật dùng hàng ngày.
Triển lãm ảnh “Ông bà mình thời chưa có chai nhựa và túi nilon” được sự giúp đỡ của IvyPrep Education, tài trợ bởi VyDo Photography, cùng hội đồng cố vấn chuyên môn: GS.Nguyễn Hoàng Trí (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục môi trường, trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2009; TS.Dương Tuấn Hưng (Viện Hóa học Việt Nam); Ông Nguyễn Thành Chung (Ban Biên tập Báo Doanh Nhân).
BTC dự án The Third Cycle nói chung, thực hiện triển lãm ảnh nói riêng hy vọng, thông qua triển lãm ảnh, mọi người sẽ có cái nhìn mới hơn về ô nhiễm nhựa và túi nilon, thủ phạm chính gây ô nhiễm môi trường, từ đó thay đổi cách sử dụng đồ nhựa và túi nilon theo hướng hạn chế nhất, phân loại rác để tái sử dụng được những đồ vật dùng hàng ngày.
Người dân mua ống hút tre, ống hút inox thay cho đồ dùng nhựa thường ngày.
Triển lãm ảnh sáng 30/11 đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và người dân Hà Nội đến thưởng lãm, lắng nghe thông điệp ý nghĩa về những hoạt động, thói quen tốt bảo vệ môi trường. Nhiều người đã sắm cho bản thân mình những chiếc ống hút tre, ống hút inox và túi vải thay cho vật dụng thường ngày.
Hà Nguyễn