Thưa nhạc sĩ Hồng Đăng, thật tiếc cho tuyệt phẩm Hoa sữa của ông!
Thưa nhạc sĩ Hồng Đăng, tác giả ca khúc Hoa sữa, bài hát vang bóng một thời đến bây giờ nhiều người vẫn rất thích.
Tôi là một người rất hâm mộ ca khúc của ông. Nhưng phải sau rất nhiều năm, kể từ khi bước chân lên Hà Nội học hành, xin việc lấy vợ và định cư ở đây, đến nay, tôi mới dám một lần gửi tâm thư cho các nhạc sĩ.
Đầu tiên, xin được cám ơn các nhạc sĩ, vì nhờ có những bài hát rất tuyệt vời về mùa thu Hà Nội, về hoa sữa mà tôi đã lấy được vợ. Bài hát Hoa sữa của ông như viết riêng cho chuyện tình của chúng tôi vậy.
Hồi ấy, bạn gái tôi rất xinh. Tôi là học trò nghèo nên chẳng dám tỏ tình. May sao, khi thuộc bài hát của nhạc sĩ, mỗi tối tôi ôm đàn ra hành lang ký túc xá, đợi đúng lúc cô ấy về ngang dưới sân rồi nghêu ngao hát "anh vẫn từng đợi em, như hoa từng đợi nắng… hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm… có lẽ nào, em lại quên anh".
Chỉ thế thôi nhưng bài hát của ông như sợi dây thần giao cách cảm. Cô ấy đi chậm lại một chút, hơi nghiêng nghiêng đầu để lắng nghe. Và thế là "cá" đã cắn câu. Chúng tôi yêu nhau mấy năm rồi cưới.
Lúc tiết kiệm đủ tiền để mua nhà, cô ấy dứt khoát bảo, vợ chồng mình chọn phố nào có nhiều hoa sữa anh nhé. Em muốn mỗi mùa hoa, anh ra bancon giữa tiết thu mát dịu, anh đàn và hát cho em nghe bài Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng...
Tất nhiên, tôi sung sướng lịm người. Mối tình trẻ trung, vụng dại đã kết trái đơm hoa. Một ngôi nhà bên hàng cây hoa sữa. Tuyệt lắm thưa nhạc sĩ. Tôi đã nghĩ về ngôi nhà đó cả mấy năm trời.
Ngày chúng tôi chuyển đến căn hộ mới, vợ tôi thốt lên, anh ơi hoa sữa, hoa sữa này, anh nhớ không? Người chủ của căn nhà có chút hốt hoảng như lo sợ điều gì. Nhưng khi thấy tôi nói tiếp, anh nhớ rồi, chắc chắn anh sẽ mở cửa đón hương hoa và hát cho em nghe…
Khi nghe xong câu đó thì anh chủ nhà mỉm cười, nụ cười rất lạ mà khi đó tôi không cắt nghĩa được. Anh ta giao xong chìa khóa rồi như bỏ chạy.
Nhưng đến nay, sau mười mấy năm ở bên căn nhà có hàng cây hoa sữa, tôi và vợ đã cắt nghĩa được nụ cười "bỏ chạy" đó rồi thưa nhạc sĩ.
Hóa ra hoa sữa nó chỉ ngọt ngào với những ai đi ngang qua phố, khi gió thoang thoảng bay qua. Nhưng, với những ai ở bên cây hoa sữa, bên con phố toàn hoa sữa, trời ơi đó quả thực là một nỗi ám ảnh khó bút mực nào tả hết.
Một cây hoa sữa có hàng ngàn hàng vạn bông hoa. Đến giữa mùa thu, hoa sữa bung nở thành một đóa khổng lồ. Mùi hương hoa sữa xộc thẳng vào phòng, nồng nặc, ngột ngạt và khó chịu kinh người. Cả nhà tôi cứ đến mùa này là phải đeo khẩu trang từ sáng đến tối. Mấy cháu nhỏ không chịu đeo chúng bị viêm mũi, hắt hơi liên hồi.
Tôi đưa vợ con đi khám thì bác sĩ bảo rằng, hoa và quả của cây hoa sữa có nhiều lông, nó phát tán trong không khí, dễ gây dị ứng, viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp. Những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ ngứa, nổi mụn nhiều hơn.
Phấn hoa sữa dễ làm người già, trẻ nhỏ viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Những người có tiền sử hen suyễn, viêm xoang thì càng bị dai dẳng hơn.
Thế đó, hoa sữa trong thi ca rất đẹp nhưng ở cuộc sống bên ngoài lại khiến người ta rất khốn khổ, khó khăn.
Hoa sữa được trồng không theo quy hoạch đã gây ra sự phiền toái rất lớn cho người dân.Nhưng chẳng hiểu sao Hà Nội trồng loại cây này ngày một nhiều. Thời sinh viên, tôi thấy chỉ có vài tuyến phố có hoa sữa như: Quang Trung, Nguyễn Du... Nay thì đâu đâu cũng thấy.
Bao năm qua, gia đình tôi vẫn hát ca khúc Hoa sữa của ông, thậm chí tôi vẫn ngân nga những bài hát khác liên quan đến hoa sữa như: Nhớ mùa thu Hà Nội (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), Nhớ về Hà Nội (nhạc sĩ Hoàng Hiệp)… nhưng mỗi khi hát tôi đều phải đóng cửa để ngăn mùi hoa sữa bên ngoài xông thẳng vào phòng, thở còn không được nói gì đến hát.
Thưa nhạc sĩ, không hiểu những người làm công tác quy hoạch cây xanh của Hà Nội có trót yêu những ca khúc về hoa sữa nhiều quá hay không?
Nói một cách khác, hình như họ đã đưa thi ca vào cuộc sống đời thực một cách máy móc. Tôi chắc chắn, trong số những người có trách nhiệm trồng cây xanh đô thị chưa ai có một ngôi nhà bên hàng cây hoa sữa.
Không chỉ ở Hà Nội, tại thành phố như Nha Trang, người dân cũng có giai đoạn khốn khổ vì hoa sữa. Đến giờ, việc chặt bỏ loại cây này cũng khiến chính quyền thành phố tốn kém rất nhiều tiền của.
Lẽ ra, khi nhắc về mùa thu, hoa sữa, người ta sẽ phải nhớ tới những cảm xúc ngọt ngào, lãng mạn. Nhưng khi những người quản lý đô thị lãng mạn một cách quá giới hạn, họ đã khiến hoa sữa trở thành nỗi ác mộng chứ không còn là loại cây ngọt ngào, nồng nàn, êm dịu nữa.
Nói một cách khác, những người quản lý cây xanh đô thị đang góp phần làm hỏng đi một bài hát gần như là biểu trưng cho Hà Nội.
Tiếc lắm thưa nhạc sĩ Hồng Đăng, bây giờ, khi viết những dòng này, tôi lại mơ ước bao giờ cho đến ngày xưa, khi Hà Nội chỉ thoang thoảng mùi hoa sữa. Đó mới là một mùa thu đích thực, nhẹ nhàng, thanh khiết như ông đã viết… Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm…
Bây giờ, thì mùa thu tuyệt vời với hương hoa huyền thoại đang dần mất đi (nếu hoa sữa vẫn tiếp tục trồng tràn lan như hiện nay).
Thật tiếc cho tuyệt phẩm Hoa sữa của ông, thưa nhạc sĩ Hồng Đăng!
Việt Hoàng