Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm Việt Nam từ 12-14/10
Trả lời phỏng vấn báo chí trước thềm chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định: Đây là chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau 11 năm của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc, cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của đồng chí Lý Cường trên cương vị Thủ tướng Quốc vụ viện, thể hiện sự coi trọng của Đảng và Nhà nước Trung Quốc và cá nhân Thủ tướng Lý Cường đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại cuộc gặp ở Đại Liên (Trung Quốc) vào tháng 6/2024. (Ảnh: VGP) |
Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025), cũng như ngay sau các chuyến thăm quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước như: chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (8/2024) và chuyến công tác dự WEF Đại Liên, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính (6/2024).
"Chuyến thăm là sự tiếp nối truyền thống giao lưu cấp cao giữa hai Đảng, hai nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo định hướng 6 hơn”, Đại sứ Phạm Sai Mai nói.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai. (Ảnh: VGP) |
Ông kỳ vọng thông qua chuyến thăm này, hai bên sẽ đạt được những kết quả cụ thể, thực chất.
Thứ nhất, chuyến thăm sẽ đưa ra các biện pháp nhằm triển khai toàn diện nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước, tiếp tục nâng cao tin cậy chính trị và làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
Thứ hai, chuyến thăm sẽ góp phần xác định những trọng tâm và các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, cơ sở hạ tầng, văn hóa, giáo dục, du lịch, khoa học-công nghệ...
Thứ ba, hai bên có thể ký kết nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực nhằm tạo thêm các điểm nhấn mới cho hợp tác giữa hai bên, nhất là trong bối cảnh hai nước chuẩn bị hướng đến dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (18/1/1950-18/1/2025).
Thứ tư, chuyến thăm sẽ tạo ra xung lực mạnh mẽ để các cấp, các ngành, địa phương Việt Nam tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ sẵn có với phía Trung Quốc, qua đó góp phần củng cố hơn nữa nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương.
"Tôi tin tưởng vững chắc rằng, trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới", Đại sứ Phạm Sao Mai cho biết.
Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến quan trọng với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Lãnh đạo cấp cao hai bên sẽ đi sâu thảo luận những biện pháp nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo cấp cao nhất của hai Đảng, hai nước, củng cố hơn nữa tin cậy chính trị. Trong đó, hai Thủ tướng sẽ tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể, tích cực thúc đẩy mở rộng và nâng cao hiệu quả, chất lượng các lĩnh vực hợp tác, đưa hợp tác thực chất đi vào chiều sâu, đạt nhiều thành quả thiết thực, đem lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Trung Quốc có nhiều bước phát triển thực chất, với kim ngạch thương mại hai bên đạt 171,9 tỷ USD năm 2023. Trong 9 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 148,6 tỷ USD. Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga). Về đầu tư, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về số lượng dự án đầu tư được cấp phép mới vào Việt Nam. Tính lũy kế đến tháng 8/2024, tổng vốn FDI đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam là 29,1 tỷ USD với 4.865 dự án còn hiệu lực, đứng thứ 6/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về du lịch, với 1,75 triệu lượt người du lịch Việt Nam năm 2023, Trung Quốc đứng thứ hai trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam. Lượng khách du lịch Trung Quốc tới Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đã vượt mức cả năm 2023. Trong 8 tháng năm 2024, Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc. Hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước: hiện, có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác. Hợp tác về giáo dục giữa hai nước tăng mạnh, hiện Việt Nam có 23.000 du học sinh đang học tập tại Trung Quốc, gấp đôi so với giai đoạn trước dịch COVID-19. Hai bên cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu khác như Liên hoan nhân dân biên giới Việt-Trung, Diễn đàn nhân dân Việt - Trung, Giao lưu hữu nghị giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc, hợp tác giữa các địa phương, nhất là các tỉnh, khu biên giới được tăng cường với nhiều hình thức đa dạng... Các hoạt động này đã góp phần củng cố nền tảng hữu nghị vững chắc cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định. |