Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi bắt tay trước khi hội đàm.(Ảnh: VGP)
Trong chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ tại New Delhi, tối 24/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Narendra Modi hoan nghênh Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sang Ấn Độ dự Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN - Ấn Độ và Lễ kỷ niệm lần thứ 69 Ngày Cộng hòa Ấn Độ; đánh giá cao vai trò Điều phối viên quan hệ ASEAN - Ấn Độ của Việt Nam đã đóng góp tích cực vào sự phát triển quan hệ ngày càng gắn kết giữa Ấn Độ với ASEAN trong thời gian qua và sự thành công của Hội nghị lần này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những thành tựu quan trọng của Ấn Độ trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, khoa học công nghệ…; tin tưởng Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp tục dẫn dắt Ấn Độ thành công trên con đường phát triển thịnh vượng và bền vững, nâng cao hơn nữa vai trò và vị thế của Ấn Độ tại khu vực và trên thế giới.
Hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng trước sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ song phương, nhất là kể từ sau khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược Toàn diện nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Narendra Modi tháng 9/2016. Hai Thủ tướng đánh giá kết quả các hoạt động kỷ niệm trong Năm Hữu nghị 2017 đã góp phần củng cố và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân.
Hai bên nhất trí duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội, địa phương và giao lưu nhân dân; sớm tổ chức kỳ họp tiếp theo của Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ngay trong nửa đầu năm 2018 tại Hà Nội để rà soát các lĩnh vực hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2017 – 2020.
Đánh giá hợp tác quốc phòng – an ninh là trụ cột quan trọng trong quan hệ hai nước, hai Thủ tướng đề nghị tăng cường hơn nữa hợp tác tin cậy và hiệu quả trong các lĩnh vực này, chỉ đạo các bộ, ngành liên quan quan tâm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình hợp tác. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Ấn Độ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nâng cao năng lực, tiếng Anh, chuyển giao công nghệ quốc phòng và cung cấp tín dụng quốc phòng. Thủ tướng Modi hoan nghênh hai bên tiếp tục trao đổi đoàn, duy trì các cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh; đề nghị hai bên tích cực triển khai một số gói tín dụng quốc phòng đã thỏa thuận.
Hai bên nhất trí kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng nhanh nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hai nước cũng như các mặt hợp tác khác; đầu tư song phương vẫn còn hạn chế. Để đạt mục tiêu kim ngạch 15 tỷ USD vào năm 2020, hai Thủ tướng đề nghị Tiểu ban Thương mại hai nước sớm họp trong đầu năm 2018 để nghiên cứu, tìm hướng giải quyết, trong đó cần đẩy mạnh nghiên cứu kết nối hàng không và hàng hải nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển, giảm chi phí và tăng tính cạnh tranh của hàng hóa hai nước; hạn chế và từng bước xóa bỏ các rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ấn Độ tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu như hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, năng lượng, xây dựng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao… Thủ tướng Narendra Modi đề nghị phía Việt Nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực dầu khí, năng lượng tái tạo, dược phẩm…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Narendra Modi chứng kiến lễ ký văn kiện hợp tác giữa một số bộ ngành của hai nước. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và các khoản tín dụng ưu đãi Ấn Độ dành cho Việt Nam thời gian qua; cảm ơn Ấn Độ tiếp tục cấp các suất học bổng cho Việt Nam. Thủ tướng Narendra Modi cho biết Ấn Độ sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Kỹ thuật (ITEC), hợp tác Sông Hằng - Sông Mekong (MGC), các dự án thuộc Quỹ các dự án nhỏ, tác động nhanh (QIPs); xem xét tích cực việc tăng học bổng dài hạn cho sinh viên Việt Nam theo học tại một số trường đại học uy tín của Ấn Độ cũng như giúp Việt Nam xây dựng thêm một số trung tâm đào tạo nghề.
Hai bên đánh giá cao và nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc. Trong vai trò nước Điều phối quan hệ ASEAN – Ấn Độ giai đoạn 2015 - 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp để Ấn Độ tăng cường hơn nữa quan hệ mọi mặt với ASEAN.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), thúc đẩy xây dựng COC hiệu quả, phù hợp và mang tính ràng buộc pháp lý.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao lập trường của Ấn Độ về vấn đề Biển Đông và hoan nghênh Ấn Độ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thăm dò, khai thác dầu khí tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở Biển Đông; cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp với phía Ấn Độ và các nước ASEAN để thúc đẩy nội dung hợp tác an ninh biển tại các Hội nghị quan trọng của khu vực.
Sau hội đàm, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ trao các thỏa thuận hợp tác gồm Bản ghi nhớ giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Thông tin và Phát thanh truyền hình Ấn Độ về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và phát thanh truyền hình và Thỏa thuận giữa Cục Viễn thám Quốc gia và Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ về thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp lãnh đạo các Tập đoàn Tata, Larsen&Toubro (L&T), Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ (ONGC) và Công ty vDoIT. Đây đều là những doanh nghiệp Ấn Độ có các dự án hợp tác tại Việt Nam và mong muốn tiếp tục mở rộng hoạt động Việt Nam, như với Tata là dự án thép và năng lượng, L&T là đóng tàu, ONGC là dầu khí còn với vDoIT là dự án Ngôi làng thông minh. Tiếp lãnh đạo các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, quan hệ Việt Nam và Ấn Độ đang phát triển tốt đẹp, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và chào đón các doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp các lãnh đạo Tập đoàn Tata. (Ảnh: VGP)
Cũng trong ngày 24/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng đã đến thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào đang sinh sống, làm việc tại Ấn Độ.
Nói chuyện với bà con về tình hình đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chúng ta đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của năm 2017, đặc biệt là có nhiều “kỷ lục”: lần đầu tiên cả nước hoàn thành đạt và vượt 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quy mô nền kinh tế đạt trên 5 triệu tỷ đồng, trong Top 50 nền kinh tế thế giới; lần đầu tiên kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 425 tỷ USD, xuất siêu gần 3 tỷ USD; dự trữ ngoại hối, tính đến tháng 1/2018 đạt gần 56 tỷ USD, hoàn thành sớm so với mục tiêu 50 tỷ USD vào năm 2020; năng lực sản xuất tăng lên đáng kể…
“Một đều đặc biệt nữa là hiện nay, ai cũng rất vui khi đội U23 Việt Nam giành được những chiến thắng oanh liệt tại Giải vô địch U23 châu Á”, Thủ tướng nói và bày tỏ, trước đây, chúng ta gặp đội tuyển Thái Lan còn chật vật thì nay, đã thắng nhiều đội mạnh của châu lục nhờ bản lĩnh kiên cường của người Việt Nam. Người dân ở Hà Nội, TP HCM và các địa phương khác trên cả nước ăn mừng với cờ, hoa tung bay khắp các phố phường. Một khí thế, một niềm tự hào, tình yêu nước bừng dậy sau trận đấu hôm 23/1.
Thủ tướng và Đoàn công tác chụp ảnh kỷ niệm cùng cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. (Ảnh: VGP)
Nói về quan hệ Việt Nam - Ấn Độ, Thủ tướng nhấn mạnh đến mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục đào tạo, kinh tế, thương mại, quốc phòng, an ninh. Điều đó giúp kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng hằng năm trên 15%. Kết quả tích cực đó có sự đóng góp tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ.
Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cán bộ, nhân viên Đại sứ quán nêu cao tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong nước và sở tại triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ đi vào chiều sâu, thực chất. Đặc biệt, với đặc thù cộng đồng người Việt tại Ấn Độ, nhiều người sống rải rác ở các bang, Thủ tướng đề nghị Đại sứ quán quan tâm, hỗ trợ bà con, làm tốt công tác cộng đồng.
Tuệ Lâm (t/h)