Thủ tướng: kinh tế – xã hội tháng 1/2018 có nhiều chuyển biến tích cực
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng nhìn nhận, tiếp đà của năm 2017, với sự chỉ đạo chủ động thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực tháng đầu năm 2018. Chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 20,9%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 23,8%, đây là những động lực cho tăng trưởng GDP. Khách du lịch quốc tế tăng đến 42%, đạt trên 1,4 triệu lượt người. Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng cao, trong đó có 10.800 doanh nghiệp thành lập mới (cùng kỳ có gần 9.000 doanh nghiệp), và có thêm trên 4.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. Dự trữ ngoại hối tăng lên gần 57 tỷ USD. Văn hóa, xã hội, được đặc biệt quan tâm thời gian qua, nhất là đối với vùng khó khăn, vùng thiên tai.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, có một số chỉ tiêu cần lưu ý, như tỷ lệ hàng Việt Nam tiêu thụ thấp so với hàng nhập khẩu. Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế mở, xuất nhập khẩu/GDP đến 190% nên mọi sự biến động của toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế Việt Nam, nhất là những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… Do đó, không thể lơ là, chủ quan, thỏa mãn với kết quả của tháng 1/2018.
Nhắc lại bài học kinh nghiệm cũng như thành công của Đội tuyển U23 Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu tinh thần của Đội tuyển U23 Việt Nam, tinh thần của quyết liệt của những tháng cuối năm 2017 phải được thể hiện ngay từ quý đầu năm 2018.
Toàn cảnh phiên họp sáng 2/2. (Ảnh: VGP)
Trước tình hình rét đậm, rét hại đang diễn ra, trong khi chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết, Thủ tướng đề nghị, quan tâm hơn nữa đến sức khỏe của nhân dân, đi liền với đó kế hoạch gieo trồng, chăn nuôi trong hoàn cảnh rét đậm, rét hại kéo dài thì cần chỉ đạo thế nào. Đây là việc mà ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có biệp pháp xử lý, trả lời sớm nhất.
Nhấn mạnh Tết Nguyên Đán là phong tục truyền thống lâu đời, có tác động đến toàn bộ hoạt động đời sống xã hội, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đảm bảo về cung cầu hàng hóa, về an toàn xã hội, an toàn giao thông, công tác phòng, chống cháy nổ.
Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, giá tiêu dùng tháng 1/2018 tăng 0,51%, là mức tăng cao so với cùng kỳ, đặt ra đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng hơn nữa trong điều chỉnh giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế để bảo đảm CPI tăng dưới 4% như mục tiêu đặt ra trong năm nay. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt những trung tâm lớn trước mắt chưa tăng các loại giá, phí có liên quan. Phải quản lý tốt giá cả tiêu dùng với giải pháp cụ thể, căn cơ hơn.
Trong phát biểu, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu các địa phương xắn tay ngay vào công việc, mà cụ thể là thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 01/2018 của Chính phủ. Thủ tướng nhắc nhở, theo yêu cầu thì 10 ngày sau khi Nghị quyết ban hành, các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch hành động. Nhân đây, Thủ tướng cũng đã biểu dương một số bộ đã thể hiện sự quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính… Trong đó, lưu ý các bộ và địa phương đi sát thực tiễn, nhất là thúc đẩy xử lý vấn đề đời sống của nhân dân vùng bị thiên tai, tinh thần là không để người dân nào lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất, đói cơm lạt muối” trong dịp Tết.
Theo kế hoạch tại phiên họp đầu năm, Chính phủ sẽ thảo luận, đánh giá, kiểm tra để thúc đẩy triển khai Nghị quyết 01 tích cực, trách nhiệm hơn nữa. Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ thảo luận thẳng thắn về những vướng mắc, những rào cản về thể chế pháp luật, về sự phối hợp trong chỉ đạo, điều hành để tháo gỡ sớm nhất, nhanh nhất, nhất là cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vì mục tiêu phát triển. Chính phủ, các bộ, ngành xác định xây dựng thể chế chính sách là ưu tiên hàng đầu để tạo đột phá cho huy động nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho phát triển trong năm 2018 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ bàn 9-10 hội nghị chuyên đề lớn, có tính chất quốc gia để lắng nghe, tháo gỡ, xử lý vấn đề tốt hơn, đồng bộ hơn.
Linh Anh (t/h)