Thứ trưởng Bộ GTVT: Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã xong nhưng chưa được kiểm định an toàn
Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông |
Về vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 02/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông thực chất hiện trường thi công và lắp đặt đã xong, từ xây lắp đến thiết bị đơn lẻ từng hệ thống, đoàn tàu vẫn đang chạy, hệ thống bán vé tự động cũng đã xem xét…
Tuy nhiên, theo ông Đông, tồn tại lớn nhất là cung cấp các hồ sơ để bảo đảm an toàn hệ thống theo quy định của pháp luật và sẽ có tư vấn độc lập, cụ thể ở đây là đơn vị của Pháp sẽ được sử dụng bởi họ có kinh nghiệm đánh giá.
Việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến chứng chỉ minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất liên quan đến trang thiết bị của đoàn tàu để có cơ sở đánh giá an toàn hệ thống của đoàn tàu.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông. |
Cũng theo quy định, phải đánh giá xong mới chạy thử và kích hoạt hệ thống bán vé tự động, hệ thống thông tin chuyên nghiệp để điều động đoàn tàu, đoàn tàu chạy liên tục theo hệ thống… trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và phải tổ chức nghiệm thu. Nghiệm thu phải trên cơ sở hoàn thành những chứng chỉ đó.
Đối với tồn tại này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã tích cực làm việc với Tổng thầu, yêu cầu tổng thầu thực hiện đúng hồ sơ thiết kế dự án được duyệt nhằm đáp ứng các yêu cầu đánh giá an toàn hệ thống theo yêu cầu của đơn vị tư vấn ACT (Pháp).
Trước đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã có chỉ đạo khẩn trương khép lại hồ sơ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông không chỉ là dự án trọng điểm của Hà Nội, mà còn là lời hứa của Bộ Giao thông vận tải, của Chính phủ với nhân dân Thủ đô.
Theo Phó thủ tướng trách nhiệm cao nhất trong dự án này là nhà thầu, chủ đầu tư dự án (Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ Giao thông Vận tải) cùng tư vấn. Về phía UBND thành phố Hà Nội, Phó thủ tướng yêu cầu, với vai trò cơ quan quản lý khai thác trực tiếp và vận hành hệ thống, cần khẩn trương tập trung làm việc với tư vấn và nhà thầu, chủ đầu tư để hoàn thành việc chứng nhận an toàn khai thác để vận hành hệ thống.
Dự án này đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỷ đồng thành hơn 18.000 tỷ đồng, điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013, sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án.