Thu phí rác thải theo kg: Đúng mục tiêu, khó thực tiễn
Good Neighbors bàn giao xe thu gom rác và thùng đựng rác công cộng tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình |
Thu phí rác sinh hoạt theo cân: Người dân phải tự phân loại |
Rác thải do người dân xả ra không giới hạn yêu cầu giới chức trách phải tìm ra biện pháp hạn chế. |
Người dân lo ngại
Anh Thành Đạt (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn: “Việc thu gom rác thải theo kg ở trên thế giới không phải chưa xuất hiện, tuy nhiên, tôi cũng có một số băn khoăn như việc thu gom rác thải sinh hoạt theo khối lượng liệu có khả thi không khi công tác thu gom vốn đã chậm chạp, nhếch nhác? Mặt khác, nếu làm theo cách này có giúp việc phân loại rác đạt hiệu quả hơn so với hiện tại?.
Cùng có những thắc mắc như anh Đạt, chị Hoàng Huệ (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: “Theo tôi nghĩ, đề xuất thu rác theo kg về bản chất là văn minh, có thể nâng cao ý thức tiết kiệm của người dân, góp phần giảm thiểu việc thải rác. Tuy nhiên đề xuất chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi giải quyết được những câu hỏi như quy định thời gian cụ thể việc cân rác, thu tiền rác ra sao? Làm thế nào xác định được chính xác rác của từng gia đình để thu tiền cho chính xác. Một điều nữa là liệu có phát sinh thêm chi phí cho việc cân rác, thu tiền rác hay không?”.
Được hỏi về đề xuất này, anh Quang Hưng (Đống Đa, Hà Nội) nêu quan điểm: “Cá nhân mình thấy đây là một đề xuất khá hay, vì đánh vào kinh tế là biện pháp hiệu quả nhằm giảm rác thải, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng ý kiến này vào thực tế lại không phải là một vấn đề đơn giản, vì không phải ai cũng lăm lăm theo cái cân kể cả người đổ rác lẫn người thu gom rác, để có thể biết chính xác được số tiền mình phải trả”.
“Sẽ có nhiều bất cập. Khi tính phí rác theo cân có thể sẽ khiến người dân sợ phải trả nhiều tiền, rồi mang rác từ nhà đến chỗ khác để bỏ. Điều này sẽ càng gây mất vệ sinh môi trường”, phản ánh ngắn gọn về đề xuất trên là của chị Minh Anh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Chuyên gia ủng hộ
Trở lại với đề xuất của Bộ trưởng Hà, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm về thu gom rác đô thị (đề nghị không nêu tên) cho biết: "Nước thải được tính theo đồng hồ, chất thải rắn cũng cần sẽ phải đo đếm như vậy. Việc tính rác theo kg là khó nhưng vẫn phải làm, nếu không làm bây giờ thì không biết đến bao giờ mới làm được".
Đề xuất thu phí rác thải sinh hoạt theo kg của Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đang được giới chuyên môn đồng tình. |
Còn về những vướng mắc cần giải quyết nếu áp dụng đề xuất thu phí theo kg, chuyên gia này lưu ý có mấy vấn đề.
Thứ nhất, việc thu rác trả tiền thông qua túi hoặc một hình thức quản lý khác, nên phải có lộ trình để triển khai.
Thứ hai, nên giao trách nhiệm giao chính quyền địa phương đề họ căn cứ vào tình hình của địa phương để chủ động triển khai thực hiện. Tránh trường hợp luật đưa ra bắt buộc sẽ vỡ trận.
Cuối cùng là việc xác định khối lượng rác. Nhiều thành phố ở châu Á bán túi đựng rác, đó là một hình thức trả phí như Bộ trưởng nói là đúng. Ở Nhật Bản, họ chia ra làm 2 loại rác đốt được và không đốt được. Nếu thải nhiều sẽ phải mua nhiều túi với thể tích khác nhau: 5 lít, 10 lít, 30 lít. Nếu thải ít thì dùng ít túi sẽ dẫn đến tạo ý thức tiết kiệm cho người dân. Người dân sẽ phải tập phân loại rác tái chế được và không tái chế được. Đặc biệt, người dân sẽ còn thu được tiền từ rác, điều chỉnh được hành vi về kinh tế.
Vị này cũng khẳng định về mặt nguyên tắc, không có nước nào trên thế giới cân rác thải sinh hoạt. Đơn vị làm dịch vụ này chỉ đi thu túi bán ra, giá thành của mỗi chiếc túi đã thể hiện rõ thể tích rác, tất cả đều nằm ở mức tương đối.
Theo thống kê trong năm 2019, tại thành phố Hà Nội, mỗi ngày có đến hơn 4000 tấn rác được thải ra, số ít trong đó được xử lý, tái chế, phần lớn số còn lại không qua xử lý hoặc sử dụng các biện pháp lạc hậu như đốt, chôn lấp và đổ thẳng ra môi trường. Trong khi đó, cả nước có hơn 1000 cơ sở xử lý rác, gồm khoảng 380 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt, 37 dây chuyền sản xuất phân compost, hơn 900 bãi chôn lấp. Có chưa đến 20% bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không tuân theo tiêu chuẩn. Chỉ tính riêng Hà Nội có tới 85 - 90% số bãi chôn lấp rác không hợp vệ sinh. Chính vì thế, các bãi chôn lấp tại các thành phố lớn đang quá tải, gây ô nhiễm môi trường nước và ảnh hưởng đến người dân. Trung bình, Hà Nội và TP.HCM phải chi 3,5% ngân sách hàng năm để thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt của người dân, tương đương khoảng 1.200 – 1.500 tỷ đồng. Các địa phương khác kinh phí xử lý hàng năm từ 20 – 40 tỷ đồng, trong đó có những địa phương chỉ dành khoảng 3 – 10 tỷ đồng cho việc thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn. |