Thu hút hiệu quả nguồn vốn FDI
Công nhân lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH Việt Nam Tabuchi Electric (Khu công nghiệp Đại Đồng-Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). |
Phát huy lợi thế về hệ thống kết cấu hạ tầng, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chiến lược tập trung thu hút đầu tư nước ngoài chọn lọc, các dự án FDI mới ở ba địa phương nêu trên đều sử dụng công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường, trong đó nhiều tổ hợp sản xuất lớn có vai trò động lực, thu hút các dự án hỗ trợ khác, tạo thành chuỗi cung ứng, hình thành cụm liên kết ngành quy mô lớn.
Tín hiệu vui
Với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 791,9 triệu USD trong hai tháng đầu năm nay, tỉnh Bắc Giang vượt lên dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI, chiếm tới gần một nửa tổng vốn đầu tư đăng ký cả nước và tăng gấp 10,7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ 2 dự án FDI “Nhà máy công nghệ chính xác Fulian” (sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông) quy mô gần 50ha tại khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên của nhà đầu tư Singapore và “Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời”, công suất 3.500 MW/năm của nhà đầu tư Trung Quốc tại khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Hiệp Hòa, tổng vốn đăng ký đã đạt khoảng 761 triệu USD.
Tỉnh Bắc Ninh cũng đứng vị trí thứ hai cả nước với lượng vốn FDI đăng ký cấp mới 131,56 triệu USD của 29 dự án; đồng thời điều chỉnh tăng vốn gần 78 triệu USD cho 22 dự án. Tính đến ngày 20/2, Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho gần 1.850 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh hơn 23,56 tỷ USD.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Hương Giang cho biết, hiện nay, 70% số dự án FDI ở Bắc Ninh tập trung vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với số vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng vốn FDI của tỉnh. Các doanh nghiệp FDI đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách địa phương: năm 2022, nộp ngân sách 10.662 tỷ đồng, chiếm 34,4% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, tạo việc làm cho 316.872 lao động.
Còn tại thành phố Hải Phòng, trong hai tháng đầu năm, cũng thu hút gần 70 triệu USD vốn FDI, với 3 dự án cấp mới và 3 dự án điều chỉnh. Tuy tổng vốn đầu tư chỉ bằng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng góp phần nâng tổng vốn FDI trên địa bàn thành phố Cảng lên 24,5 tỷ USD; trong đó, 93% vốn đầu tư nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc, các dự án FDI mới đầu tư tại ba địa phương nêu trên trong thời gian qua đều sử dụng công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường hoặc các dự án dịch vụ, đầu tư hạ tầng, góp phần đắc lực giúp các địa phương tăng thu ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động.
Với chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài một cách chọn lọc, các dự án FDI mới đầu tư tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Phòng trong thời gian qua đều sử dụng công nghệ hiện đại, ít ảnh hưởng đến môi trường hoặc các dự án dịch vụ, đầu tư hạ tầng, góp phần đắc lực giúp các địa phương tăng thu ngân sách, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. |
Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Lê Trung Kiên chia sẻ, các dự án FDI tại khu kinh tế, khu công nghiệp ở Hải Phòng có tổng vốn đầu tư gần 21 tỷ USD, thì hơn một nửa đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính...; 22,3% đầu tư cho công nghiệp chế tạo ô-tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng; gần 10% đầu tư cho lĩnh vực logistics, kinh doanh hạ tầng,...
Tổng Giám đốc Công ty Pegatron Việt Nam Chen Hshin Cheng cho biết, sau khi đi khảo sát nhiều nơi, doanh nghiệp đã quyết định chọn Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng để xây dựng nhà máy thứ 14 trên toàn cầu của tập đoàn sản xuất thiết bị máy tính, điện tử dân dụng, thiết bị liên lạc, linh kiện xe điện,... Đây cũng là nhà máy lớn thứ hai của doanh nghiệp tại châu Á đã đi vào hoạt động với mục tiêu tạo 13.000 việc làm trong năm 2023 và 30.000 lao động có chất lượng cao trong những năm tới.
Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone,... sau khi đầu tư tại Hải Phòng đã thu hút thêm các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng để hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn. Đơn cử, như tổ hợp sản xuất của LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, các tổ hợp sản xuất tại USI và Pegatron tại Khu công nghiệp DEEP C I và II, đã trở thành các dự án “lõi”, tiếp tục “hút” các dự án hỗ trợ khác, tạo thành chuỗi cung ứng, hình thành cụm liên kết ngành quy mô lớn trong sản xuất,...
Cải thiện môi trường đầu tư
Theo đánh giá, nhận định chung của lãnh đạo ba địa phương nêu trên, đạt được kết quả tích cực là do các tỉnh, thành phố đã biết phát huy lợi thế vị trí địa lý, hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bắc Ninh phân tích, tỉnh có vị trí rất thuận lợi khi nằm trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Các khu công nghiệp ở Bắc Ninh có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; đặc biệt tỉnh đã đầu tư hệ thống thông tin băng thông rộng, thí điểm phủ sóng 5G tại Khu công nghiệp Yên Phong.
Trên địa bàn đã hình thành thị trường lao động chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp, đào tạo nghề theo hướng gắn với công việc tại doanh nghiệp; đội ngũ quản lý cấp trung ở doanh nghiệp ngày càng tăng, có thể thay thế người nước ngoài. Cùng với lợi thế địa kinh tế, Bắc Ninh luôn nỗ lực tạo sức hút các nhà đầu tư như xây dựng tác phong công nghiệp cho người lao động, lãnh đạo địa phương thường xuyên đối thoại, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sát cánh cùng nhà đầu tư, rút ngắn thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư với thời gian ngắn nhất,...
Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, Lê Trung Kiên cho hay, trong 5-6 năm trở lại đây, hạ tầng giao thông kết nối của Hải Phòng đã thay đổi hoàn toàn nhờ đầu tư tập trung, đưa vào sử dụng các dự án trọng điểm như đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cầu vượt biển Tân Vũ-Lạch Huyện, hai bến đầu tiên của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Bạch Đằng,... cùng các tuyến đường và cầu kết nối với Quảng Ninh, Hải Dương, Thái Bình được xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng.
Theo đánh giá, nhận định chung của lãnh đạo Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Phòng, đạt được kết quả tích cực là do các tỉnh, thành phố đã biết phát huy lợi thế vị trí địa lý, hiệu quả đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. |
Cùng với đó, Hải Phòng có Khu kinh tế Đình Vũ-Cát Hải-Khu Kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực của Vùng duyên hải Bắc Bộ và cả nước, diện tích 22.540ha cùng những cơ chế và chính sách ưu đãi vượt trội, trở thành điểm nhấn ấn tượng trong mắt các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo Chương trình hành động 76 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ xây dựng thêm 15 khu công nghiệp mới, tổng diện tích hơn 6.200ha để thu hút đầu tư.
Thành phố định hướng phát triển các khu công nghiệp sinh thái tại DEEP C và Nam Cầu Kiền; sử dụng năng lượng tái tạo trong các khu công nghiệp,... Cùng với đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các bến tiếp theo của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, các khu logistics và hậu cần dịch vụ sau cảng; các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và thiết chế văn hóa, phục vụ đời sống tinh thần người lao động, tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng như Hải Phòng và Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang lại có những giải pháp, cách làm khác biệt để mời gọi nhà đầu tư. Nền móng vững chắc đầu tiên Bắc Giang xây dựng là tập trung đẩy nhanh quá trình lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trở thành một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành Quy hoạch quan trọng này.
Theo đó, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 29 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 7.000ha, hướng đến trở thành trung tâm phát triển công nghiệp hàng đầu khu vực miền bắc.
Với mục tiêu năm 2023 thu hút khoảng 1,3 tỷ USD vốn FDI, Bắc Giang đang nỗ lực xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đầu tư hệ thống giao thông kết nối các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị, đẩy mạnh tốc độ xây dựng nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội, khu du lịch vui chơi giải trí, xen kẽ các vùng nông nghiệp xanh để tiếp tục khơi dòng vốn FDI. Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính online, tăng tốc giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp, tạo quỹ đất sạch đón nhà đầu tư.
Xét tổng thể, cả ba địa phương Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Phòng, những năm gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, nhiều năm liền thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế, có công nghiệp hiện đại.
Đóng góp quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, chính là lực lượng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn.
Với kết quả thu hút vốn đầu tư FDI vượt trội trong hai tháng đầu năm, các nhà đầu tư đã phác thảo những nét vẽ khởi đầu tươi sáng, tốt đẹp cho bức tranh kinh tế-xã hội của địa phương trong năm nay.
TP Hồ Chí Minh: Thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài Để có thể thu hút mạnh mẽ FDI, đón làn sóng đầu tư mới, TP.HCM cần phải giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ. |
Hà Nội thu hút 21,8 triệu USD vốn FDI trong tháng 1 Trong tháng 1/2023, thành phố Hà Nội thu hút 21,8 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). |