Thu gom, tái chế rác thải nhựa là rất cần thiết
Số liệu của Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho thấy, năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam ra thế giới đạt 3,654 tỷ USD, tăng 6,3% so với năm 2019, đưa tổng doanh thu toàn ngành nhựa Việt Nam lên đạt mức 22,18 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu vào Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 6,61 triệu tấn, trị giá gần 8,4 tỷ USD, tăng 3,3% về lượng, nhưng giảm 6,9% về trị giá so với năm 2019.
Thúc đẩy phát triển sản xuất tuần hoàn sản phẩm nhựa. |
Sản phẩm nhựa của Việt Nam, không chỉ được sử dụng rộng rãi tới các ngõ ngách của đời sống, phục vụ cho nhiều ngành sản xuất công nghiệp, trong đó có cả những ngành công nghệ cao, mà còn xuất khẩu đi 150 thị trường trên thế giới.
Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhựa trong bối cảnh khó khăn đã cho thấy, các sản phẩm nhựa của Việt Nam đang được nhiều nước trên thế giới sử dụng, khẳng định vị trí quan trọng của ngành sản xuất nhựa trong tổng thể lĩnh vực sản xuất công nghiệp nói chung. Tại thị trường nước ngoài, sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được đánh giá là có khả năng cạnh tranh cao do công nghệ sản xuất một bộ phận lớn đã tiếp cận với trình độ hiện đại của thế giới. Sản phẩm nhựa của Việt Nam đã được tiêu thụ ở cả những thị trường có nền công nghiệp phát triển và khó tính trên thế giới như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Tuy nhiên, toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, phát triển ngành công nghiệp nhựa Việt Nam vẫn còn đặt ra không ít thách thức cả trong ngắn và trung hạn. Theo chuyên gia kinh tế, thì tình hình kinh tế thế giới hiện nay vẫn rất khó dự đoán trong trung hạn và dài hạn.
Trong ngắn hạn, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vaccine ngừa COVID-19 cũng như khả năng tiếp cận vắc xin này đối với nhiều quốc gia còn rất mù mịt. Khả năng phục hồi kinh tế trên toàn cầu diễn ra không đều và còn chậm ở các thị trường là các đối tác lớn của Việt Nam như Mỹ, EU... Những yếu tố nêu trên, có thể tác động tiêu cực dẫn tới những rủi ro rất lớn tăng chi phí sản xuất…, bởi ngành công nghiệp nhựa Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 70-80% nguyên liệu đầu vào.
Ngoài rủi ro tăng chí phí đầu vào do phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ngành nhựa còn phải đối mặt với rủi ro tác động đến môi trường khi ngành nhựa là ngành sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Các tổ chức quốc tế đánh giá, Việt Nam là nước đứng thứ 5, thứ 6 trên thế giới về rác thải nhựa. Trong khi đó, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ là phát triển bền vững, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Muốn giải quyết thách thức này, bên cạnh việc đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất xanh, sạch, thì việc thu gom, tái chế rác thải nhựa là rất cần thiết.
Để từng bước giải quyết thách thức về rác thải nhựa, trong thời gian qua và hiện nay, Hiệp hội nhựa Việt Nam vẫn đang tiếp tục vận động Chính phủ hỗ trợ và kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc chống rác thải nhựa theo hướng chung tay với các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện thu gom và tái chế sản phẩm nhựa ở trong nước, thay vì đi nhập khẩu phế thải nhựa về tái chế. Đồng thời, vận động xây dựng cơ chế, chính sách cho việc xây dựng và phát triển thị trường đối với hạt nhựa tái sinh.
Các chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích đầu tư các khu công nghiệp tái chế chuyên ngành nhựa; hỗ trợ, tư vấn cho các doanh nghiệp đầu tư tái chế nhựa theo hình thức liên doanh, liên kết có quy mô thích hợp, tái chế nhựa trên cơ sở đảm bảo an toàn môi trường theo chứng chỉ quốc tế, qua đó góp phần tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn.
Để phát triển tuần hoàn nhựa tại Việt Nam, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã đưa ra hàng loạt khuyến nghị: Đối với việc thu gom, tái chế nhựa, tái sử dụng nhựa, Chính phủ cần có chính sách phân giao rõ ràng cho các ban, ngành liên quan có đủ nguồn lực để thực thi; hài hòa hóa các tiêu chuẩn phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom riêng; qui định bắt buộc áp dụng cấp quốc gia về thu gom tái chế nhựa; tăng cường hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thống nhất trong việc phân loại rác thải tại nguồn.
Tạo điều kiện cho khu vực phi chính thức tham gia đầu tư tái chế nhựa một cách minh bạch về giá, giảm phí… Hỗ trợ các doanh nghiệp tái chế tăng khả năng tiếp cận tài chính, thông qua tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ, thẩm định vay vốn. Cơ chế tài chính xanh cần dành một phần đáng kể ưu tiên cho chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa. Xây dựng năng lực cho các đơn vị tái chế nhựa đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường để họ dễ tiếp cận hỗ trợ tài chính.
Khuyến khích sử dụng sản phẩm nhựa có hàm lượng tái chế; qui định thiết kế sản phẩm, bao vì nhựa phải phục vụ cho tái chế sau sử dụng; ưu tiên mua sắm chính phủ xanh đối với các sản phẩm nhựa tái chế phù hợp nhu cầu... Mặt khác, cần đánh thuế các ứng dụng nhựa không có hàm lượng tái chế tối thiểu; xây dựng mã HS riêng cho nhựa tái chế phục vụ xuất nhập khẩu; truy xuất sản phẩm nhựa sử dụng dễ dàng hơn, giảm việc thải bỏ và chôn lấp rác thải nhựa.
Vinamilk chào 2021 với lô sản phẩm sữa hạt và sữa đặc lớn xuất khẩu đi Trung Quốc Vào những ngày đầu năm 2021, Vinamilk “xông đất” năm mới với lô hàng lớn xuất khẩu đi Trung Quốc gồm 2 sản phẩm sữa hạt và sữa đặc. Đây không chỉ là tin vui đầu năm của doanh nghiệp mà còn là tín hiệu lạc quan, hứa hẹn một năm mới khởi sắc của ngành sữa nói chung. |
Lào Cai: Bát Xát phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù Vùng cao Bát Xát có khí hậu tương đồng với Sa Pa - một trong những địa điểm thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong phát triển du lịch của Bát Xát chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế, lượng khách du lịch còn thấp, nguồn thu cho ngân sách từ hoạt động du lịch chưa cao. |
Cao Bằng chăm lo, hỗ trợ đồng bào khu vực biên giới phát triển sản xuất Đời sống của người dân ở những xóm mới vùng biên đang thay đổi tích cực là động lực để tỉnh Cao Bằng tiếp tục có những chính sách chăm lo hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống ở miền biên viễn. |