Thông tin xã hội sáng 13/9: Ăn ốc biển lạ, một người tử vong, 2 người nhập viện do ngộ độc nặng
Thông tin trong ngày: Nữ hiệu trưởng dọa mang xăng 'xử' Trưởng phòng Giáo dục |
Thông tin sáng 12/9: Phát hiện nhân viên bảo vệ tử vong trên ghế trong nhà kho công ty lúc nửa đêm |
Ăn ốc biển lạ, một người tử vong, 2 người nhập viện do ngộ độc nặng
Ốc 3 ngư dân bắt được. Ảnh: Báo Khánh Hòa |
Tối 12-9, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hoà cho biết, Chi cục đã có báo cáo điều tra ban đầu gửi Sở Y tế về vụ ăn ốc biển lạ bị ngộ độc nặng một người tử vong, 2 người nhập viện xảy ra huyện Vạn Ninh. Mẫu ốc 3 người ăn đã được gửi Viện Hải Dương học để định danh, xác định loại ốc gây ngộ độc.
Theo kết quả điều tra, vào lúc 9 giờ, ngày 11-9, nhóm 3 ngư dân ở Vạn Ninh gồm: Nguyễn Văn T. (23 tuổi, thị trấn Vạn Giã); Hồ Văn N. (21 tuổi, xã Vạn Thạnh) và Trần Quốc T. (22 tuổi xã Vạn Khánh) đi đánh bắt cá trên biển huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa có lặn bắt được một túi ốc biển không rõ loại. Sau đó, nhóm có ghé vào đảo Khải Lương, xã Vạn Thạnh cho một gia đình người quen một nửa túi ốc trên. Số ốc còn lại, 3 ngư dân hấp ăn vào 16 giờ cùng ngày.
Sau nửa tiếng đồng hồ, 3 người ăn có xuất hiện các triệu chứng: tê môi, tê tay, tê chân, chóng mặt, buồn nôn, đau đầu. Đến 19 giờ, ngư dân Nguyễn Văn T. có triệu chứng trở nặng, được người dân đưa vào Đầm Môn, xã Vạn Thạnh và cấp cứu tại phòng khám Đa khoa khu vực Tu Bông, tại đây xác định bệnh nhân đã tử vong trước đó. Tuy nhiên, gia đình không tin nên tiếp tục chuyển vào Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và cho kết quả giống nhau.
Khoảng 1 giờ ngày 12-9, hai bệnh nhân còn lại được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh và sau đó chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Sau khi được điều trị tích cực, hiện tại 2 bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Đối với gia đình ở đảo Khải Lương được tặng nửa bịch ốc, gia đình cũng đem ốc đi luộc, nhưng chỉ có 2 người ăn. Do thấy ốc lạ, nên họ chỉ ăn vài con, còn lại bảo quản trong tủ lạnh. Hiện tại, 2 người này chưa có biểu hiện, triệu chứng gì nhưng vẫn được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Vạn Ninh để theo dõi sức khoẻ.
Phát hiện 2 hộ nuôi nhốt, cấp đông lượng lớn động vật hoang dã quý hiếm
Tổng trọng lượng 140kg thị động vật hoang dã các loại bị phát hiện, lập hồ sơ xử lý. Ảnh: Công an TP HCM |
Ngày 13-9, Công an huyện Đạ Huoai cho biết, đang củng cố hồ sơ xử lý Đinh Thanh Mạnh (30 tuổi, trú thôn 5, xã Đạ P’loa, huyện Đạ Huoai) tàng trữ 1 cá thể tê tê. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu vật tê tê đi giám định, trường hợp loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ trong Nghị định 160/2013/NĐ-CP, người lưu trữ sẽ khởi tố vụ án.
Ngoài ra, người này còn bị xử lý thêm về hành vi cấp đông 44 kg thịt nhiều loại động vật hoang dã.
Trước đó, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng bắt quả tang Mạnh đang mở một thùng xốp tại sân nhà của mình, bên trong thùng có 1 con tê tê còn sống, trọng lượng 4,5 kg được đựng trong bao lưới.
Mạnh khai nhận mua cá thể tê tê này của 1 người đi săn với giá 1,2 triệu đồng. Tại địa bàn huyện Cát Tiên (giáp ranh với huyện Đạ Huoai), cùng thời điểm, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh cũng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý các hành vi nuôi nhốt và tàng trữ trái phép động vật hoang dã đối với Nguyễn Văn Thành (35 tuổi, trú tổ dân phố 6, TT.Cát Tiên, huyện Cát Tiên).
Tang vật bị thu giữ tại đây gồm 2 con kỳ đà vân (nặng 9 kg), 1 kỳ đà hoa (1 kg) và 1 con rắn trâu (1,4 kg) đang bị nhốt trong những cái bể phía sau nhà Thành. Trong tủ đông (loại 650 lít) tại đây, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 100 kg thịt động vật hoang dã các loại, bao gồm dúi, nhím chồn, cheo cheo, mèo rừng, cầy tai trắng, cầy hương, cầy vòi hương… Đa số những động vật kể trên đều là động vật hoang dã quý hiếm thuộc các nhóm IB và IIB.
Cơ quan chức năng xác định, Thành là người chuyên thu mua động vật rừng nuôi nhốt, cấp đông rồi bán lại cho các quán nhậu. Với sự chứng kiến của đại diện Viện KSND huyện Đạ Huoai và Hạt kiểm lâm, Phòng Cảnh sát môi trường đã hoàn tất các thủ tục, bàn giao vụ việc cho Công an huyện Đạ Huoai tiếp tục xử lý theo thẩm quyền.
Thu giữ hơn 51 tấn găng tay cao su có dấu hiệu làm giả, đã qua sử dụng
Găng tay đã qua sử dụng bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: VTV |
Chỉ cách đây vài ngày, 2,5 triệu găng tay đã bị cơ quan chức năng TP.HCM phát hiện và thu giữ tại huyện Nhà Bè.
Tại Bình Dương, 47 tấn găng tay cao su và đồ bảo hộ y tế bị thu giữ đều có dấu hiệu đã qua sử dụng.
Tổng Cục quản lý thị trường và lực lượng công an đã kiểm tra đột xuất Công ty Cổ phần tư vấn và Đầu tư xây dựng BM, tại Khu công nghiệp Lương Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình vào đầu tháng 8 vừa qua.
Mở rộng kiểm tra trụ sở trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty này tại Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội, lực lượng chức năng cũng thu giữ tới 15 tấn găng tay cao su đã qua sử dụng.
Tuy nhiên, hiện chế tài xử phạt khẩu trang, găng tay cao su, không đảm bảo chất lượng hiện vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và chưa đủ tính răn đe. Vì theo luật hiện nay, việc sản xuất, buôn bán hàng giả thu lời bất chính từ 500 triệu đồng trở lên mới bị xử lý hình sự.