Thông tin pháp luật sáng 14/12: Ông Đinh La Thăng, Út "Trọc" cùng 18 bị cáo hầu tòa
Ông Đinh La Thăng và 19 bị cáo hầu tòa
Ông Đinh La Thăng đang thụ án 30 năm tù. Ảnh: Hoàng Hà |
Sáng 14/12, TAND TP.HCM xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Đinh Ngọc Hệ (tức Út "Trọc") cùng 18 đồng phạm trong vụ đấu thầu thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Phiên tòa dự kiến kéo dài đến 25/12. Ông Đinh La Thăng (cựu Bộ trưởng Bộ GTVT) và ông Nguyễn Hồng Trường (cựu Thứ trưởng Bộ này) cùng 5 bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
13 người còn lại, trong đó có Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bộ GTVT được xác định là bị hại trong vụ án. 24 cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng được triệu tập đến tòa.
Bị can Đinh La Thăng có 6 luật sư bào chữa, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có 2 luật sư bào chữa. Còn Út "Trọc" có 5 luật sư.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương được hình thành từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do vậy việc bán quyền thu phí là bán tài sản Nhà nước. Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì xây dựng đề án bán quyền thu phí, thực hiện chuyển giao quyền thu phí để hoàn trả ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho dự án theo chủ trương.
VKSND cáo buộc quá trình triển khai dự án, bị can Đinh La Thăng (khi đó là Bộ trưởng GTVT) xuất phát từ động cơ cá nhân đã thông qua mối quan hệ quen biết từ trước, điện thoại cho bị can Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long) để giới thiệu Đinh Ngọc Hệ tiếp cận đề án.
Sau đó, công ty của Đinh Ngọc Hệ được tạo điều kiện trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Từ sai phạm của ông Thăng, Út "Trọc" đã lợi dụng các mối quan hệ quen biết để xây dựng hồ sơ gian dối tham gia mua đấu giá quyền thu phí. Sau khi trúng đấu giá, bị can Hệ thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Theo cáo buộc, ông Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm của các cán bộ tại Bộ GTVT trong việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Đinh Ngọc Hệ với mục đích chiếm đoạt quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương nên sau khi được ông Thăng tạo điều kiện, bị can đã chỉ đạo nhân viên làm giả báo cáo từ lỗ thành lãi và làm giả xác nhận của đơn vị kiểm toán trong báo cáo tài chính giai đoạn 2001-2002.
VKSND xác định sau khi Công ty Yên Khánh trúng đấu giá quyền thu phí, Đinh Ngọc Hệ đã tìm cách kéo dài thời gian thanh toán tiền mua quyền thu phí. Sau đó, Út "Trọc" còn chỉ đạo mua và sử dụng phần mềm nhằm thay đổi kết quả kinh doanh, che giấu doanh thu để báo cáo không đúng thực tế.
Cáo trạng chỉ rõ từ các hành vi gian dối này, Đinh Ngọc Hệ cùng nhóm đồng phạm chiếm đoạt hơn 725 tỷ đồng của Nhà nước.
Mâu thuẫn trong lúc nhậu, 1 người bị chém nhập viện
Ông N. được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Ảnh: Gia đình & Xã hội |
Sự việc xảy ra vào chiều ngày 13/12 khiến người dân sống tại tổ dân phố 12, thị trấn Cát Tiên (Lâm Đồng) bàng hoàng.
Khoảng 15h30 phút chiều cùng ngày, nhiều người dân tổ dân phố 12, thị trấn Cát Tiên (Lâm Đồng) nghe tiếng khóc nức nở của bà M. cầu cứu hàng xóm đưa chồng mình là ông N. đi cấp cứu sau khi bị một người tên A. dùng dao chém trọng thương nằm gục trên đường.
Nguyên nhân ban đầu, khi ông A. và B. (cha của ông N.) uống rượu với nhau, ông N. đi nhậu ở nơi khác về đã xảy ra mâu thuẫn với ông A. và dẫn tới xô xát. Ông A. cầm con dao rượt đuổi từ trong nhà ra đường và chém liên tiếp vào đầu, người ông N. làm ông này gục xuống mặc cho nhiều người can ngăn.
Quá hoảng loạn khi chứng kiến những gì xảy ra ngay trước mắt, bà M., vợ ông N., chỉ biết gào khóc và cầu cứu hàng xóm chở chồng mình đi cấp cứu. Sau khi định thần, bà M. đã gọi điện báo Công an thị trấn Cát Tiên (huyện Cát Tiên).
Tối 13/12, đại diện lãnh đạo Công an huyện Cát Tiên xác nhận vụ việc và đơn vị đang vào cuộc điều tra.
Triệt phá nhóm lừa đảo công nghệ cao xuyên quốc gia
Đối tượng Hoàng Minh Tài. Ảnh: Báo Quảng Ngãi |
Vài năm trở lại đây, trên địa bàn Quảng Ngãi đã xảy ra hàng chục vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ các đối tượng sử dụng công nghệ cao. Thiếu tá Lê Thành Long - Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) cho biết: Thủ đoạn của chúng là sử dụng các thiết bị viễn thông công nghệ cao, thực hiện cuộc gọi qua Internet (Voip), giả mạo số thuê bao của các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đang điều tra vụ án rửa tiền, đường dây ma túy... đe dọa bắt giam, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng do các đối tượng lừa đảo chỉ định để xác minh, bảo lãnh. Khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng sử dụng dịch vụ Internet banking chuyển tiền qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để mua tiền điện tử (tiền ảo) hoặc quy đổi sang nhân dân tệ, chuyển ra nước ngoài rồi chiếm đoạt.
Trên địa bàn Quảng Ngãi, nhiều nạn nhân lớn tuổi nghe hăm dọa trên điện thoại đã vội chuyển tiền qua tài khoản cho nhóm lừa đảo. Đơn cử trường hợp bà P.T.T, ở TP.Quảng Ngãi trình báo việc bị lừa với thủ đoạn trên với số tiền 5,8 tỷ đồng. Đầu tiên nạn nhân nghe cuộc điện thoại từ máy điện thoại bàn khi làm việc tại cơ quan. Nhóm đối tượng trên tự xưng là công an, viện kiểm sát yêu cầu trao đổi qua điện thoại di động. Các đối tượng liên tục dùng lời lẽ đe dọa nạn nhân liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản để “chứng minh” mình trong sạch. Sau đó, bà P.T.T đã bị các đối tượng chiếm đoạt gần 6 tỷ đồng.
Trước thủ đoạn lừa đảo trên, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự đã khẩn trương điều tra. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp một số đơn vị bạn đã làm rõ 5 đối tượng trong đường dây sử dụng công nghệ cao lừa đảo xuyên quốc gia gồm: Đặng Thành Toại (25 tuổi), Lê Ngọc Quyền (24 tuổi), Nguyễn Tấn Thắng (25 tuổi), Hoàng Minh Tài (27 tuổi) và Nguyễn Văn Rô (28 tuổi) đều ở TX.Buôn Hồ (Đắk Lắk).
Theo tài liệu điều tra, các đối tượng ở tỉnh Đắk Lắk đã kết nối với một số đối tượng xuất khẩu lao động, người nước ngoài để mở các tài khoản ngân hàng, mục đích để chuyển tiền lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, các đối tượng đã đi gom CMND tại các nhà nghỉ, hiệu cầm đồ, sau đó làm giả CMND và đi mở tài khoản tại nhiều ngân hàng khác nhau. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, hàng chục tài khoản ngân hàng đã được các đối tượng mở ra. Đây chính là các tài khoản mà nhóm đối tượng lừa đảo dùng để nhận tiền chiếm đoạt từ các nạn nhân.
Thiếu tá Lê Thành Long khuyến cáo: Để tránh trở thành nạn nhân của loại tội phạm công nghệ cao, người dân hạn chế đưa các thông tin cá nhân lên các mạng xã hội, bật tính năng bảo mật tài khoản xác thực hai bước; không đăng nhập vào đường link, trang web lạ hoặc nghi vấn hoạt động lừa đảo; gọi điện xác thực khi người sử dụng tài khoản mạng xã hội (kể cả người thân, bạn bè) nhắn tin hỏi mượn tiền, nhờ nạp card điện thoại, yêu cầu cung cấp mã OTP để chuyển tiền.
“Mọi trường hợp làm việc, cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, toà án) đều gửi giấy mời/giấy triệu tập trực tiếp đến công dân; vật chứng của vụ án chờ xử lý đều phải trực tiếp lập biên bản tạm giữ và chuyển vào các tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc nhà nước các địa phương; việc áp dụng biện pháp ngăn chặn (bắt, tạm giam...), hạn chế quyền công dân đối với người bị buộc tội đều bảo mật trước khi thực hiện, không có việc thông tin qua điện thoại hay mạng xã hội để khống chế, yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của bị hại như thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo”, Thiếu tá Lê Thành Long thông tin.