Thông minh chưa hẳn đã sướng, khoa học chứng minh người thông minh quá thường gặp 5 "rắc rối" này
Dưới đây là 5 “rắc rối” lớn nhất mà những người thông quá thường hay gặp phải.
1. Luôn áp lực thành công
Người thông minh thường ở một thế cao hơn so với những người khác. Họ có thể quan sát và hiểu được những thứ mà mọi người xung quanh không thể hiểu được. Họ cũng có thể nhận thức một cách rõ ràng cuộc sống của mình phải tiến về đâu và phải đi theo hướng khác với mọi người mới được coi là thành công. Thành công đối với họ bao gồm một công việc tốt, kiếm thật nhiều tiền và một cuộc hôn nhân viên mãn.
Nếu có bất cứ điều gì làm ảnh hưởng đến thành công của họ, chúng sẽ được coi như thảm họa. Người thông minh tự đặt áp lực lớn lên vai mình; do đó, nếu cuộc sống không diễn ra theo con đường mà họ lựa chọn, họ sẽ chỉ trích và tấn công bản thân.
2. Khó kết bạn
Người thông minh thường tìm kiếm người thông minh khác để kết bạn. Khi gặp một người lạ, họ sẽ đặt những câu hỏi trí tuệ và có phần hơi “thừa thãi” để xác định xem liệu đối phương có xứng đáng để kết bạn hay không. Thậm chí, ngay cả với những người có chung thói quen, sở thích và có tiềm năng trở thành bạn thân nhưng không chứng tỏ được sự thông minh cũng sẽ không thể trở thành bạn của họ.
Điều này giải thích lý do vì sao người thông minh thường phải chịu cô đơn. Họ quen với việc sống một mình và lấy công việc làm niềm an ủi. Họ dành toàn bộ thời gian của mình để tạo ra những thành tựu đột phá, nhưng chính bản thân có thể rơi vào trầm cảm.
3. Quá cầu toàn
Người thông minh luôn phân tích ưu và nhược điểm của mọi vấn đề trước khi đưa ra quyết định. Đồng thời họ cũng biết điều gì có thể ngăn cản quyết định của mình. Lý do là bởi vì họ luôn phân tích thái quá và luôn đặt giả thuyết tốt hơn cho mọi trường hợp. Đa số người thông minh đều rất cầu toàn và họ muốn đảm bảo rằng mình nhận được thứ tốt nhất.
Nếu là lãnh đạo của một nhóm hoặc tổ chức, đặc điểm này ở người thông minh có thể gây ra nhiều thảm họa. Hãy thử tưởng tượng, bạn có nhiệm vụ đưa ra quyết định cuối cùng về sứ mệnh của toàn bộ công ty để mọi người noi theo, nhưng bạn không thể quyết định giá trị cốt lõi là gì vì cố tìm kiếm sự hoàn hảo. Lúc đó, bạn sẽ chỉ càng khiến cho nhân viên nản lòng và bỏ cuộc mà thôi.
4. Bị chính sự thông minh lừa
Có rất nhiều trường hợp những người thông minh lại mắc bẫy bởi chính sự thông minh của mình. Chẳng hạn, người thông minh không bao giờ gặp khó khăn trong việc hiểu bất cứ vấn đề gì. Vì thế, khi họ cố gắng hướng dẫn một ai đó mà người kia không hiểu ra vấn đề, họ sẽ không thể tiếp tục hướng dẫn được nữa. Người thông minh luôn cảm thấy khó khăn để thông cảm hoặc tìm cách giúp người khác hiểu ra vấn đề.
Trong một số trường hợp, người thông minh luôn tỏ ra quan trọng hóa vấn đề. Có những thứ rất đơn giản và là sự thật hiển nhiên, nhưng đối với họ, nó lại trở thành vấn đề lớn mà tất cả mọi người cần đề phòng.
5. Không hạnh phúc
Trong một số trường hợp, người thông minh cảm thấy bị “xa lánh” bởi chính sự thông minh của mình. Họ nói rằng, đôi khi ngu dốt lại là niềm hạnh phúc và cuộc sống của họ có lẽ sẽ dễ dàng hơn nếu như không quá thông minh. Nhưng khi giả vờ ngu ngốc, họ lại cảm thấy mình không sống thật với bản thân. Kết quả là người thông minh luôn rơi vào trạng thái luẩn quẩn và cảm thấy bế tắc với cuộc sống.
Hạnh phúc chính là chấp nhận mọi thứ trong vũ trụ tự nhiên như nó vốn có. Vì thế, bạn đừng nghiêm trọng hóa vấn đề hay cố phân tích cuộc sống theo chiều hướng “khó hiểu hơn”. Điều này sẽ khiến bạn xa rời thực tế và luôn cho rằng cuộc sống của mình bất hạnh.
Lưu An